Vụ phá rừng tại Phú Yên: Giám định loại rừng để khởi tố

15:26' - 17/05/2016
BNEWS Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu cơ quan công an, Viện kiểm sát và các ngành chức năng của tỉnh phải kiểm tra thật kỹ và nếu đủ điều kiện thì sẽ sớm khởi tố vụ án phá rừng.

Ngày 17/5, tại buổi làm việc khẩn để xác định nguyên nhân, trách nhiệm những người liên quan trong vụ việc phá rừng ở Tiểu khu 83 và 90 xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên, Lương Minh Sơn đã yêu cầu các ngành chức năng trong tỉnh phải xử lý vụ việc này một cách nghiêm túc.

Đồng thời, các cơ quan nội chính của tỉnh và Ủy ban kiểm tra của Tỉnh ủy phải kiểm tra các dấu hiệu vi phạm. Nếu vi phạm có liên quan đến cán bộ, đảng viên sẽ xử lý trước.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu cơ quan công an, Viện kiểm sát và các ngành chức năng của tỉnh phải kiểm tra thật kỹ và nếu đủ điều kiện thì sẽ sớm khởi tố vụ án…

Nhiều cây gỗ thuộc Tiểu khu 90 (Phú Yên) bị chặt phá. Ảnh: Thế Lập – TTXVN

Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm huyện Đồng Xuân, rừng ở Tiểu khu 83 có chức năng phòng hộ và ở Tiểu khu 90 có chức năng phòng hộ, sản xuất do UBND xã Phú Mỡ quản lý. Một số hộ dân ở xã Xuân Quang 1 và Phú Mỡ đã phát dọn thực bì và lấn chiếm trái phép.

Tổng diễn tích đã phát dọn là 109,9 ha. Diện tích này có trạng thái thực bì rất dày, một số loại gỗ như: Cầy, Giẻ, Cồng, Chò… đang tái sinh phát triển tốt. Hành vi phát dọn thực bì trên diện tích này có dấu hiện của hành vi phá rừng.

Bước đầu điều tra xác định có 4 đối tượng đã thuê mướn nhân công phát dọn rừng. Cụ thể: La O Kính, La O Cử (thôn Phú Tâm, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân), La Lan Thập (thôn Tiến Phú, xã Phú Mỡ) góp tiền thuê lao động phát dọn rừng với diện tích là 25 ha ở Tiểu khu 83; Phạm Xuân Trình (thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1) thuê lao động phát dọn 84,9 ha ở Tiểu khu 90.

Tại buổi làm việc, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên đề nghị khởi tố vụ án. Tuy nhiên, cần phải tiến hành công tác giám định một cách kỹ lưỡng.

Ông Nguyễn Kim Hoạt, Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đồng Xuân cho rằng, rừng bị hủy hoại với diện tích rất lớn. Vụ việc này có dấu hiệu vi phạm theo điều 189 của Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, bước tiếp theo cần phải giám định lại loại rừng để có các cơ sở pháp lý.

Theo Thượng tá Lê Tiến Hồng, Phòng PC46, Công an tỉnh Phú Yên, vụ việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan cảnh sát điều tra của huyện. Nhưng do tính chất phức tạp và cần sự tập trung để điều tra nên Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) vào cuộc.

Một vạt rừng thuộc Tiểu khu 83 do UBND xã Phú Mỡ quản lý bị chặt phá. Ảnh: Thế Lập – TTXVN

Xét về tình tiết vụ việc, tội hủy hoại rừng theo Điều 189 của Bộ Luật Hình sự hiện hành quy định rừng phòng hộ 2.000 m2 trở lên và rừng sản xuất là 3.000 m2 trở lên. Đến ngày 1/7/2016, Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực thì quy định ở Điều 243 diện tích có tăng lên đối với rừng phòng hộ là 3.000 m2 trở lên, rừng sản xuất là 5.000 m2. Về định lượng đã đủ yếu tổ khởi tố vụ án./.

>>> Phóng sự ảnh phá rừng nghiêm trọng ở Phú Yên

>>> Khẩn trương làm rõ vụ phá rừng nghiêm trọng ở Phú Yên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục