Vụ xúc xích Vietfoods: Xin đừng “bắt nhầm” doanh nghiệp!

17:45' - 18/05/2016
BNEWS Vụ tạm giữ khoảng 2,2 tấn xúc xích nhãn hiệu Vietfoods vì bị nghi có chứa chất gây ung thư đã dấy lên nỗi lo ngại về an toàn thực phẩm đối với một thương hiệu nổi tiếng.

Vụ việc khoảng 2,2 tấn xúc xích nhãn hiệu Vietfoods được bảo quản tại kho đông lạnh của Công ty TNHH Thương mại thực phẩm Hồng Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) bị Đội Quản lý thị trường số 14, Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, tạm giữ ngày 20/4/2016 vì bị nghi có chứa chất Sodium Nitrate – 251 có thể gây ung thư, không có trong qui định được sử dụng, đã dấy lên nỗi lo ngại về an toàn thực phẩm đối với một thương hiệu nổi tiếng.

Rất nhiều khách hàng quen sử dụng sản phẩm này đã lo lắng hơn bao giờ hết vì cái mầm gây bệnh đã bị “gieo” vào thức ăn của họ lâu nay.

Dây chuyền sản xuất xúc xích hiện đại của Vietfoods (thị xã Bến Cát, Bình Dương) bị đình trệ sản xuất. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN

Tuy nhiên, tại buổi họp liên ngành ngày 17/5, các cơ quan chức năng của Bộ Y tế đã khẳng định rằng, hàm lượng chất Sodium Nitrate – 251 (chất cũng đang được sử dụng trong các sản phẩm thịt tại các nước Mỹ, châu Âu, Singapore và Malaysia) trong sản phẩm của Vietfoods chỉ bằng từ 1/5 - 1/10 lần so với các sản phẩm của các nước nêu trên.

Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế khẳng định Vietfoods không sai, nhưng cơ quan Quản lý thị trường Hà Nội vẫn cho rằng đã “làm đúng quy trình”; đồng thời cho biết chờ ý kiến trả lời của Bộ Y tế.

Theo dõi thông tin từ cuộc họp liên ngành khiến nhiều khách hàng “ruột” của Vietfoods thở phào, vì lâu nay họ đã tiêu thụ sản phẩm của Vietfoods có chứa “chất cấm” nhưng lại được quốc tế sử dụng.

Và câu chuyện khoảng cách “từ dạ dày đến nghĩa địa” may mà không “ứng” ngay vào cái sản phẩm của một thương hiệu nổi tiếng.

Dù thông tin trên đã giúp người tiêu dùng giải tỏa phần nào lo ngại nhưng chưa thật sự lấy lại niềm tin. Vì sao?

Người tiêu dùng cũng như dư luận đặt vấn đề rằng, chưa có vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm nào mà sản phẩm không vi phạm lại bị tạm giữ, bị phạt sau đó lại khẳng định là thực phẩm sạch và cơ quan bắt giữ đối tượng vẫn không sai!

Có những suy diễn khá cực đoan rằng, phải chăng đã có thỏa thuận ngầm giữa đối tượng với cơ quan chức năng để vụ việc có cái kết theo kiểu “hòa cả làng” hoặc là cơ quan chức năng đã “bắt nhầm”?

Việc sản xuất công ty Vietfoods bị đình trệ đã khiến trên 100 công nhân phải nghỉ việc. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN

Vậy mấu chốt sự việc là ở đâu? Chúng ta có thể thấy nguyên nhân dẫn đến việc sản phẩm xúc xích của Vietfoods bị qui kết sai phạm là do kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) cho thấy cả 4/4 mẫu xúc xích mà lực lượng Quản lý thị trường gửi sang đều chứa chất Sodium Nitrate - 251 với hàm lượng từ 55mg/kg đến 100mg/kg.

Đó là căn cứ để Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở Vietfoods; đồng nghĩa với việc Vietfoods vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhưng tại buổi họp báo chiều 17/5 ông Lê Văn Giang, Cục phó Cục An toàn thực phẩm, cho biết: Việt Nam chưa nêu chất này trong quy định cố định, chỉ có quy định mở. Trong phụ lục của ta không có, nên khi sử dụng theo văn bản có điều khoản mở thì cũng phải sử dụng theo.

Bây giờ tạm thời áp dụng theo quy định của nước ngoài; mọi loại xúc xích trên thị trường đều có Sodium Nitrate. Cục An toàn thực phẩm đã nhiều lần trả lời công khai rằng Vietfoods không sai.

Vậy là đã rõ, với nhà sản xuất thì họ áp dụng điều khoản mở trong qui định; còn cơ quan Quản lý thị trường Hà Nội thì “bắt” nhà sản xuất vì đã dùng chất không có trong qui định cố định; dù chất đó được nhiều nước có tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao sử dụng.

Thực tế là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, các sản phẩm thịt có chứa chất Sodium Nitrate – 251 đã vào thị trường nước ta. Chắc chắn nhiều doanh nghiệp chế biến thịt trong nước cũng đã dùng chất Sodium Nitrate – 251 theo tiêu chuẩn của các nước mà ta tạm gọi là thị trường khó tính như Mỹ, EU…

Việc sản phẩm của Vietfoods bị Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ, bị phạt sẽ được “minh oan” nhưng việc lấy lại lòng tin 100% của khách hàng với doanh nghiệp thì chưa thể. Dù vô tình hay cố ý, vụ “bắt nhầm” này cũng khiến người tiêu dùng đôi chút đắn đo khi chọn mua sản phẩm của Vietfoods.

Và điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu mà còn khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. Thậm chí, nếu vụ việc kéo dài có thể làm doanh nghiệp điêu đứng.

Dù ông Trịnh Quang Đức, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tuyên bố, không có chuyện Quản lý thị trường bắt giữ sản phẩm của Vietfoods theo “đặt hàng” của doanh nghiệp đối thủ nhưng vấn đề đối xử với doanh nghiệp, việc cầm cân nảy mực của những người thi hành công vụ trong vụ này xem ra vẫn khiến dư luận hết sức băn khoăn; như ông đại diện của cục An toàn Thực phẩm đã cảm thán rằng “làm thế này thì chỉ chết doanh nghiệp nội địa”.

Vì vậy, nếu Vietfoods không sai thì ai sai trong vụ này và ai phải chịu trách nhiệm trước những thiệt hại, nếu có?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục