Không tăng trưởng bằng mọi giá

13:32' - 01/07/2017
BNEWS Quan điểm chiến lược nhất quán của Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, nhưng cũng không lãng phí cơ hội và tiềm năng.
Công nhân khai thác hầm lò của Công ty Than Thống Nhất (Quảng Ninh) đang khoan phá lớp đất đá cuối cùng để đến với gương than mới. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết 142/2016/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-6,7%/năm. Nửa chặng đường của năm 2017 đã đi qua với con số tăng trưởng đạt 5,73%, chỉ đạt mức thấp so với mục tiêu đề ra.

Thêm một lần nữa, trọng trách điều hành nền kinh tế đất nước đang đặt lên vai Chính phủ, các nhà quản lý, khi phải đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh việc bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng với hoàn cảnh trong và ngoài nước đang gặp nhiều khó khăn, mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải song hành với phát triển bền vững chứ không phải là chạy theo con số mục tiêu.

Khẳng định cho quyết tâm này, ngay từ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 (1 tháng trước thời điểm đánh dấu nửa chặng đường của năm 2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu: nhiệm vụ càng khó khăn thì quyết tâm càng phải lớn và người đứng đầu càng phải thể hiện bản lĩnh và khả năng lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đặc biệt là sự chủ động sáng tạo và tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Trọng trách lớn 

Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 142/2016/QH13 Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt từ 6,5 - 7%/năm. 

Còn nhớ, lần đầu tiên, cũng thời điểm này cách đây hơn 1 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: "Mặc dù có rất nhiều khó khăn thách thức nhưng chúng ta không điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2016, quyết tâm phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6,7%”. 

Tuy nhiên, với những bất lợi cả trong nước và thế giới, năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm Việt Nam chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 6,21%. Bước sang năm 2017, quý I tăng trưởng GDP chỉ đạt mức 5,1%, quý II đã bứt phá ở mức cao nhất trong giai đoạn từ năm 2011 đạt 6,12%.

Tuy nhiên, tính chung GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức 5,73%. Thực tế này đặt ra yêu cầu trong năm thứ 2 của kế hoạch phải giữ cho được mục tiêu tăng trưởng 6,7%.

Điều này góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 5 năm mà Trung ương Đảng và Quốc hội đã đề ra. Đồng thời có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng lớn đến nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác, nhất là thu, chi và bội chi ngân sách nhà nước, nợ công cũng như việc làm, thu nhập cho người lao động.

Hơn nữa, về dài hạn, nếu Việt Nam không đạt mức tăng trưởng như kế hoạch, mắc bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu là có thực. Báo cáo Việt Nam 2035 chỉ ra nếu tăng trưởng bình quân đạt dưới 6% thì Việt Nam 20 năm nữa vẫn thua nhiều nền kinh tế châu Á ngày hôm nay. 

Bày tỏ việc ủng hộ Chính phủ tiếp tục giữ chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, cho rằng, nếu chúng ta điều chỉnh để hoàn thành mục tiêu thì việc hoàn thành đó không có ý nghĩa. Hãy để chỉ tiêu đó để phấn đấu bằng nỗ lực và sự kết hợp giữa Trung ương với địa phương, của cả hệ thống chính trị. 

Nỗ lực của “Chính phủ kiến tạo” được xem là một trong những lợi thế kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng của năm 2017. Ảnh:Thống Nhất-TTXVN
Cơ sở nào để đạt tăng trưởng? 

Từ thực tế cho thấy có những yếu tố tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2017. Đó là các nền kinh tế lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu đang trên đà phục hồi sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu vì đây là 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam; và những cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh, triển vọng hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khởi sắc.

Trong nửa đầu năm 2017, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các ngành sản xuất trong xu hướng phục hồi; trong đó xuất khẩu hàng hóa tăng 18,9%; khu vực dịch vụ tăng khá (tiêu dùng dân cư tăng 7,02%, tích lũy tài sản tăng 9,5%), công nghiệp chế biến chế tạo đang chuyển biến tốt theo hướng trở thành động lực tăng trưởng chính trong lĩnh vực công nghiệp.

Thêm nữa mặc dù chịu tác động từ thị trường tài chính thế giới khi Mỹ tăng lãi suất USD ba lần từ tháng 12 năm 2016, sự kiện Brexit..., nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 4,15%, thấp hơn mức tăng 4,96% của quý I, vẫn được kiểm soát ở mức một con số.

Lãi suất và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, qua đó góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi trong giai đoạn khó khăn và yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Điểm nổi bật là thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục cải thiện, tỷ lệ thuận với những cải thiện mạnh mẽ về thể chế, môi trường đầu tư.

Chặng đường đầu tiên của năm 2017 cũng đánh dấu bởi sự tín nhiệm của các định chế tài chính thế giới, củng cố niềm tin của Việt Nam với quốc tế. Điển hình như tổ chức định mức tín nhiệm có uy tín trên thế giới – Moody’s nâng triển vọng kinh tế của Việt Nam và xếp hạng 8 ngân hàng thương mại từ ổn định lên tích.

Theo TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đây là kết quả có ý nghĩa tích cực với hệ thống tài chính và ngân hàng thương mại Việt Nam, cho thấy ý nghĩa của cam kết và của chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, tổ chức giữa tháng 5 vừa qua, đại diện Tập đoàn HSBC cũng bày tỏ Việt Nam hiện đang là một ngôi sao sáng trong khu vực với lợi thế về chi phí nhân công lao động cạnh tranh; ổn định về chính trị, kinh tế vĩ mô và các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ.

Thực tế, với cam kết về một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt đã tạo được sự hứng khởi trong cộng đồng doanh nghiệp.

Đó không chỉ là việc ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết 35-2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 mà là việc Chính phủ giao phó, yêu cầu tới từng bộ ngành, địa phương phải thay đổi cung cách làm việc, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền đến người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng đã thành lập một tổ công tác đặc biệt do đích thân Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giám sát việc thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao tại các bộ, ngành địa phương.

Năm 2017 cũng là năm đánh dấu sự sát cánh của Chính phủ cùng doanh nghiệp, người sản xuất bằng các giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao; trong đó có việc sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 2/2017.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã bày tỏ sự lạc quan vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trên cơ sở xu hướng nguyên tắc chung quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước đã diễn ra trong suốt 4 năm qua, cùng với nền kinh tế mở Việt Nam sẽ hội tụ và khai thác được các động lực tăng trưởng từ các hoạt động đối ngoại.

Bên cạnh đó là sự quyết liệt của Chính phủ mà trong đó, lần đầu tiên Chính phủ ban hành chỉ thị phân công trách nhiệm cho từng bộ, ngành tạo ra động lực về thể chế, trách nhiệm để cộng hưởng xung lực tích cực từ các ngành, địa phương.

Chỉ thị vị chuyên gia này nhắc tới đó là ngày 2/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đấy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thủ trưởng các ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng cho từng ngành, từng sản phẩm và đề xuất các giải pháp phù hợp, tùy theo thẩm quyền.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng sẽ quyết định và chỉ đạo các giải pháp cơ bản hướng tới duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; cải cách thể chế; nâng cao năng suất lao động; mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước.

Ngay trong năm 2017 này, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư; tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế; tận dụng bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước đang thuận lợi, triển khai nhanh các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các ngành chủ yếu của nền kinh tế.

Cụ thể là các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phục vụ xuất khẩu; công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động; xây dựng, nhất là xây dựng công trình dân sinh; dịch vụ, du lịch...

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương định kỳ, thường xuyên triển khai các hoạt động kiểm tra, theo dõi, giám sát, cung cấp thông tin kịp thời để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những quyết định phù hợp.

Không tăng trưởng bằng mọi giá 

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế quốc tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi, nội tại còn nhiều hạn chế chưa được giải quyết như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa thể bù đắp được cho phần thiếu hụt do giảm sút tăng trưởng của ngành khai khoáng, trong đó dầu thô là chủ yếu;

nông nghiệp vẫn chưa thực sự bền vững trước tác động của giá cả, thời tiết và môi trường; thu hút FDI và đăng ký doanh nghiệp tăng mạnh nhưng vốn giải ngân chưa tương xứng..., nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng kinh tế cần hướng đến yếu tố bền vững mà không chạy theo mục tiêu con số.

Theo TS Cấn Văn Lực, mong muốn, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% rất tốt, tuy nhiên không nên làm bằng mọi giá mà phải hy sinh nhiều thứ cho hiện tại, tương lai trong khi Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu và phát triển bền vững.

Vị chuyên gia này lưu ý cần hết sức cân nhắc việc khai thác thêm 1 triệu tấn dầu bởi giá dầu chưa phải là tốt có thể đảm bảo lợi nhuận doanh thu mang lại và đề xuất 3 trụ cột khác có thể đóng góp cho tăng trưởng. Đó là tiêu dùng, du lịch và tạo cơ sở phát triển khối kinh tế tư nhân.

“Theo tính toán của chúng tôi, năm 2016 lĩnh vực tiêu dùng chiếm khoảng 75% GDP Việt Nam với tổng doanh thu dịch vụ tiêu dùng khoảng 3,7 triệu tỷ đồng.

Như vậy, nếu tăng thêm 1% cho tiêu dùng, giá trị tương đương sẽ là 38 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với giá trị khai thác thêm 1 triệu tấn dầu”, TS Cấn Văn Lực cho biết. Về mảng dịch vụ, mũi nhọn là ngạch du lịch, theo TS Cấn Văn Lực, năm nay có thể tăng thêm 7 đến 8 nghìn tỷ đồng cũng gần xấp xỉ mức 9 nghìn tỷ đồng từ khai thác thêm dầu khí.

Riêng đối với khối doanh nghiệp tư nhân, việc tạo động lực, cũng như cơ chế cho khu vực này phát triển sẽ tạo thêm việc làm và kích thích tiêu dùng, qua đó, góp phần tăng thêm tăng trưởng cho nền kinh tế. Vấn đề là Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh doanh, kích thích tiêu dùng trong nước.

Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, từ nay đến cuối năm động lực tăng trưởng chính sẽ đặt lên vai khu vực tư nhân, vì vậy nhiệm vụ quan trọng là Chính phủ thiết kế hành lang pháp lý, đột phá về thể chế, cũng như thuận lợi về thủ tục để khu vực tư nhân nắm bắt và khai thác tốt cơ hội của mình cũng như liên kết tốt với các khu vực kinh tế khác trong nước và nước ngoài nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới, tích cực hơn.

Với cách nhìn nhận khác, TS Nguyễn Đức Thành, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng, dự báo cho thấy tăng trưởng 6,7% có thể đạt được với quyết tâm hiện nay của Chính phủ, nhưng điều này đặt ra vấn đề liệu tốc độ tăng trưởng như vậy có bền vững.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, các cơ quan hoạch địch chính sách cần cẩn trọng trong điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đặc biệt cần độc lập và chặt chẽ trong việc điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong năm 2017; giữ vững mục tiêu lạm phát. Đồng thời, Chính phủ cũng cần thực hiện nghiêm túc chính sách tinh giản biên chế, cắt giảm chi thường xuyên, tiếp tục cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước…

Cũng lưu ý tới vấn đề này, TS Cấn Văn Lực cho rằng, Chính phủ phải thận trọng trong định hướng tăng trưởng tín dụng trên 18%. Tín dụng không phải là toàn bộ nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế mà chỉ chiếm khoảng 58% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (con số năm 2016).

Do đó, tăng trưởng tín dụng phải đạt hiệu quả và chỉ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, có sức lan tỏa. Bên cạnh đó phải tăng hiệu quả nguồn vốn còn lại gồm đầu tư nước ngoài, tư nhân, đầu tư công…

Rõ ràng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm của Chính phủ là rất nặng nề. Tuy nhiên, với quan điểm chiến lược và dài hạn của Chính phủ luôn nhất quán từ trước tới nay là không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, nhưng cũng không lãng phí cơ hội và tiềm năng, Chính phủ vẫn luôn đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững lên hàng đầu.

Điều căn bản là có các giải pháp để khơi dậy mọi tiềm năng, tận dụng triệt để các cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng, từ đó có động lực và niềm tin thực hiện mục tiêu dài hạn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục