Tăng nặng hình phạt với lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông

07:18' - 05/05/2019
BNEWS Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ lái xe say rượu gây tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến dư luận bàng hoàng và bức xúc.

Một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn này vẫn tiếp diễn là do chế tài chưa đủ răn đe. Vậy có nên phạt tù người uống bia rượu dù chưa gây tai nạn, tăng mức phạt, tịch thu bằng lái hay bắt lao động công ích như nhiều nước trên thế giới đã làm?
Bàng hoàng và bức xúc

 Chiếc xe gây tai nạn tại đường Láng ngày 23/4. Ảnh: TTXVN phát

Chỉ chưa đầy một tháng qua, liên tục xảy ra những vụ lái xe uống rượu bia gây tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Đêm 1-5, lái xe Lê Trung Hiếu lái xe ô tô tới hầm Kim Liên, Hà Nội thì đâm vào 1 xe máy, làm 2 phụ nữ thiệt mạng tại chỗ. Nồng độ cồn đo được của lái xe ô tô rất cao, hơn 0,7 miligram/lít khí thở.
Ðêm 22-4, lái xe Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi) điều khiển ô tô Hyundai biển số 29A-784.09 gây tai nạn liên hoàn tại đường Vĩnh Hồ và đường Láng, Hà Nội, làm 1 nữ công nhân môi trường thiệt mạng tại chỗ. Nồng độ cồn của tài xế được xác định là hơn 1 miligram/lít khí thở.

Trước đó, ngày 11-4, ở Bình Định, lái xe Nguyễn Đức Huyện (60 tuổi) điều khiển xe Lexus, biển số 49X-6666, đâm vào đám tang làm 4 người thiệt mạng, 6 người bị thương nặng. Nồng độ cồn của lái xe cũng vượt quy định là hơn 0,3 miligram/lít khí thở.

Những ngày này, cư dân mạng xã hội đồng loạt thay biểu tượng đại diện trên facebook với nội dung "Đã uống rượu bia thì không lái xe", hay "uống rượu bia lái xe là một tội ác", để thể hiện sự bất bình trước thái độ coi thường pháp luật gây ra những cái chết thương tâm của những tài xế.

Mặc dù dư luận đã lên tiếng cảnh báo, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông nhưng những vụ "ma men" lái xe gây tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn liên tục xảy ra.

Theo khảo sát của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thực hiện tại 10 địa phương, tỷ lệ cáwc vụ tai nạn giao thông do rượu bia chiếm khoảng 40%. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong khi tai nạn có liên quan tới rượu bia ở mức rất cao.
Phải có hình phạt nặng để ai nghĩ đến cũng thấy sợ

Một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn này vẫn tiếp diễn và có phần gia tăng trong thời gian gần đây là do chế tài xử phạt chưa đủ răn đe đối với các tài xế. Hơn nữa, văn hoá rượu bia đang ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người Việt.

Từ chuyện vui, buồn, đến hiếu hỉ… nhiều người đều sử dụng rượu bia. Trong khi các nước trên thế giới đều có những ràng buộc nhất định trong việc tiếp cận rượu bia của người dân, từ thuế, phí, hạn chế độ tuổi…; còn ở Việt Nam, điều kiện tiếp cận với rượu bia của người dân Việt Nam lại quá dễ dàng, thậm chí nhiều người uống rượu bia nhưng vẫn lái xe tham gia giao thông mà không hề nghĩ đến hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra và không quan tâm đến sự an toàn của bản thân cũng như mọi người xung quanh...

Tại Tọa đàm “Cách nào ngăn chặn tài xế uống rượu bia gây tai nạn giao thông?” (sáng 3-5-2019), Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó Trưởng phòng tuyên truyền và phổ biến pháp luật về an toàn giao thông - Cục Cảnh sát giao thông cho biết, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã cương quyết xử lý các vi phạm giao thông liên quan đến rượu bia.

Năm 2018, lực lượng chức năng xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; riêng 4 tháng đầu năm 2019, xử lý gần 50.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Ngay từ đầu năm 2019, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn và ma tuý, cả với ôtô, xe máy và sẽ triển khai xuyên suốt trong năm 2019.

Tuy nhiên, hiện công tác kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn còn gặp khó khăn, bởi phức tạp hơn nhiều so với việc xử lý vi phạm giao thông bình thường. Hiện nay Cảnh sát giao thông đang áp dụng biện pháp kiểm soát nồng độ cồn quốc tế, tương đương các nước, kiểm soát định tính trước rồi mới kiểm soát định lượng. Tức là bước đầu, chỉ cần xác định tài xế có nồng độ cồn, sau đó chuyển sang kiểm soát nồng độ cồn cụ thể là bao nhiêu.

Nhưng theo đánh giá của Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, những việc làm đó của Cảnh sát giao thông, xét cho cùng chỉ là phần ngọn. Vấn đề gốc là cần kiểm soát bằng pháp luật. Chúng ta cần một môi trường pháp lý chặt chẽ, có sự ràng buộc rõ ràng để khi người tham gia giao thông nghĩ đến hình phạt, chế tài hành chính, quy định quản lý giấy phép lái xe… là không muốn, không dám vi phạm.

Bên cạnh chế tài xử phạt và việc xử lý nghiêm của lực lượng chức năng, cũng cần có một cuộc vận động toàn xã hội cùng lên án hành vi uống rượu bia của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Lê Văn Thanh - Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải, cho rằng, việc Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (có tiền thân là Nghị định 34, 107) thông thường 2 năm sửa đổi một lần, cho thấy Bộ Giao thông vận tải rất quyết liệt trong việc đẩy mạnh tham mưu chính sách để phù hợp với thực tiễn.

Tới đây, trong quá trình xem xét sửa đổi Nghị định 46, với nhóm hành vi có nguy cơ cao để xảy ra tai nạn giao thông sẽ xem xét tăng nặng mức xử phạt. Hiện Bộ đang nghiên cứu tăng mức xử phạt nhóm hành vi liên quan đến nồng độ cồn phạt tiền lên đến 20-30 triệu và tước giấy phép lái xe 24 tháng, cao hơn so với mức cao nhất trước đây là phạt 16-18 triệu và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 4-6 tháng.

Trước đó, tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông quý I, triển khai quý II-2019, một số ý kiến cho rằng Chính phủ nên sớm sửa đổi Nghị định 46 theo hướng tước vĩnh viễn giấy phép lái xe thay vì tước có thời hạn đối với tài xế sử dụng rượu bia gây tai nạn.

Ngày 2-5, Bộ Giao thông vận tải cũng đã ban hành Chỉ thị 04 về việc tăng cường xử lý vi phạm liên quan tới rượu bia khi sử dụng phương tiện giao thông.
Truyền thông hướng tới thay đổi hành vi

Theo ông Khuất Việt Hùng Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thời gian qua công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan đến sử dụng rượu bia được Ủy ban và các bộ ngành, địa phương, các cơ quan truyền thông, cộng đồng mạng xã hội triển khai rất mạnh mẽ.

Và hiện sự quan tâm của cộng đồng mạng đối với những người uống rượu bia vẫn tham gia giao thông, gây tai nạn nghiêm trọng là rất lớn. Đây là cơ hội để chúng ta tổ chức các đợt truyền thông, thay đổi nhận thức, hành vi về việc uống rượu bia không lái xe.

Nếu không làm tốt khâu tuyên truyền từ đầu thì rất khó có thể giảm được tình trạng tai nạn giao thông do vi phạm nồng độ cồn, bởi thực tế cho thấy, vẫn còn một điểm yếu trong công tác tuyên truyền, đó là chưa thực sự đo đếm, đánh giá được tác động làm thay đổi nhận thức hành vi của người tiếp nhận thông điệp tuyên truyền.

Do đó, theo ông Khuất Việt Hùng, bước tiếp theo cần làm trong truyền thông về đảm bảo an toàn giao thông là phải có cơ quan độc lập đo đếm với những phương pháp được chuẩn hoá, đánh giá tác động của công tác truyền thông, giáo dục.

Bên cạnh đó cần phải hiểu rõ, tuyên truyền giáo dục là một gói các giải pháp: thứ nhất là xây dựng các chuẩn tắc; thứ hai là phổ biến cho mọi người biết qua tuyên truyền, giáo dục; thứ ba là kiểm tra và xử lý. Có ba nhóm này mới hình thành nên cái gọi là tuyên truyền giáo dục. Và thay đổi hành vi mới là mục đích tận cùng của việc truyền thông./.

>>> Cách nào ngăn chặn tài xế uống rượu bia gây tại nạn giao thông?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục