10.800 công trình hạ tầng nông thôn được đánh giá rủi ro thiên tai

16:09' - 17/05/2016
BNEWS Hiện có 10.837 công trình cơ sở hạ tầng nông thôn của 15 tỉnh miền núi phía Bắc được đánh giá rủi ro sạt lở đất và lũ quét, bao gồm đường giao thông, kè bờ sông, hồ chứa, kênh, đập tràn.

Đây là thông tin được cho biết tại hội thảo “Tham vấn phương pháp xây dựng bản đồ về rủi ro của cơ sở hạ tầng nông thôn với sạt lở đất và lũ quét” do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường toàn cầu tổ chức tại Hà Nội, ngày 17/5.

Các đại biểu tham dự hội thảo “Tham vấn phương pháp xây dựng bản đồ về rủi ro của cơ sở hạ tầng nông thôn với sạt lở đất và lũ quét”. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Xây dựng bản đồ về rủi ro của cơ sở hạ tầng nông thôn với sạt lở đất và lũ quét là một trong những hạng mục của dự án tăng cường khả năng chống chịu khí hậu cho cơ sở hạ tầng của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), dự án này sẽ tăng cường sức bền và giảm nhẹ khả năng dễ bị tổn tương của các công trình hạ tầng nông thôn tại các tỉnh miền núi phía Bắc trước tác động của biến đổi khí hậu.

Đồng thời, hỗ trợ khung chính sách cho phép khuyến khích phát triển hạ tầng vùng núi phía Bắc có sức bền với khí hậu.

Theo ông Bùi Quang Dũng, đại diện dự án, đánh giá rủi ro sạt lở đất và lũ quét cho các cơ sở hạ tầng nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu nhằm xây dựng các bản đồ rủi ro.

Sau khi đánh giá về các rủi ro sẽ xây dựng bản đồ rủi ro tỷ lệ 1:500.000 cho các tỉnh miền núi phía Bắc theo 3 bối cảnh biến đổi khí hậu: hiện tại, dự báo cho năm 2025 và năm 2050.

Chi tiết hơn, hai tỉnh Bắc Kạn và Sơn La sẽ có bản đồ với tỷ lệ 1:200.000 cũng với 3 bối cảnh biến đổi khí hậu trên.

Theo đó, sẽ có các loại bản đồ cho hệ thống đường giao thông, cho hệ thống kè bờ sông và cho hệ thống thủy lợi (hồ chứa, kênh, đập tràn).

"Bản đồ rủi ro sẽ cung cấp bức tranh về mức độ tổn thương và rủi ro của cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi phía Bắc trong hiện tại, 10 năm và 35 năm tới, giúp các nhà hoạch định chính sách và các cấp ra quyết định xác định được các ưu tiên." - ông Bùi Quang Dũng cho biết.

Ông Phạm Đức Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai tỉnh Lào Cai cho hay, bản đồ xây dựng dựa trên tất cả nguyện vọng, nhu cầu quản lý về thiên tai của địa phương.

Bản đồ này sẽ làm cơ sở cho chính quyền các địa phương để chỉ đạo trong công tác phòng chống tiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các nhà tư vấn cũng đưa ra các giải pháp tương đối phù hợp để xây dựng bản đồ này.

Tuy nhiên, việc xây dựng bản đồ nguy cơ có tỷ lệ nhỏ cũng rất khó khó khăn cho địa phương trong việc quản lý, sử dụng làm cơ sở cho địa phương đưa ra các quyết định ứng phó với các thiên tai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục