10 địa điểm nhất định phải check in khi Hà Nội vào Thu

07:40' - 08/10/2020
BNEWS Hà Nội vào thu, mùa tuyệt vời nhất trong năm. Vì vậy, khách du lịch và cả người Hà Nội sẽ không thể tận hưởng hết được sự quyến rũ của Thu Hà Nội nếu chưa “check in” tại 10 địa điểm đặc sắc nhất.

*Phố cổ Hà Nội

Phố cổ Hà Nội là 36 phố phường Hà Nội xưa và thường bắt đầu bằng chữ “Hàng” như phố Hàng Lược, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Mã..

Vào mùa thu, phố cổ cũng bắt đầu khoác lên một diện mạo mới. Đi dạo phố cổ vào sáng mùa chắc chắn sẽ mang đến cho du khách nhưng trải nghiệm thú vị, nhất là những địa điểm nổi tiếng như: Chợ Đồng Xuân, nhà cổ 87 Mã Mây, Đền Bạch Mã...

*Thành cổ Hà Nội – Hoàng thành Thăng Long

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có diện tích 20ha, bao gồm khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích thành cổ Hà Nội như Bắc Môn, Đoan Môn, Hậu Lâu, rồng đá điện Kính Thiên, nhà con rồng, nhà D67 và cột cờ Hà Nội. 

Cụm di tích này được bao bọc bởi 4 con đường: phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Nam là đường Điện Biên Phủ, phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương và phía Tây là đường Hoàng Diệu. 

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 2010, với những giá trị di sản, kiến trúc, văn hóa được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử.

Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình vương thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây, đến từ Trung Hoa, Champa, Pháp, để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng. 

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội còn là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng trong suốt lịch sử liên tục 13 thế kỷ và vẫn được tiếp nối cho đến ngay nay.

Những tầng văn hóa khảo cổ, di tích kiến trúc và nghệ thuật của di sản phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm.

*Văn Miếu Quốc Tử Giám

Văn Miếu được xây dựng năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối. 

Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập thêm Quốc Tử Giám là trường đại học dành riêng cho con vua và các gia đình quý tộc. Đến thời vua Trần Thái Tông, Quốc Tử Giám được đổi tên thành Quốc học viện và thu nhận cả con cái nhà thường dân có sức học xuất sắc. Sang thời hậu Lê, đời vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ. Cho tới thời điểm hiện tại Văn Miếu đang có 82 bia tiến sĩ.

Quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện tại nằm trong khuôn viên rộng 54331 m2, bao gồm nhiều công trình kiến trúc nhỏ khác nhau. Bao bọc khuôn viên là những bức gạch vồ. Trải qua nhiều tu sửa, quần thể di tích này bao gồm Hồ Văn, Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ, Đại Thành môn, nhà Thái Học. 

Nhà giảng dạy ở phía đông và tây hai dãy đều 14 gian. Phòng học của học sinh tam xá đều ba dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian 2 người. Toàn bộ kiến trúc Văn Miếu hiện nay đều là kiến trúc thời đầu nhà Nguyễn. 

Phía trước Văn Miếu có một hồ lớn gọi là hồ Văn Chương, tên cũ xưa gọi là Thái Hồ. Giữa hồ có gò Kim Châu, trước đây có lầu để ngắm cảnh. Ngoài cổng chính có tứ trụ, hai bên tả hữu có bia “Hạ Mã”, xung quanh khu vực xây tường cao bao quanh. Cổng Văn Miếu xây kiểu Tam quan, trên có 3 chữ “Văn Miếu Môn” kiểu chữ Hán cổ xưa. Trong Văn miếu chia làm 5 khu vực rõ rệt, mỗi khu vực đều có tường ngăn cách và cổng đi lại liên hệ với nhau.

Văn Miếu là niềm tự hào của người Hà Nội và là minh chứng hào hùng cho sự nghiệp giáo dục một thời.

*Nhà hát lớn

Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911. Nhà hát Lớn Hà Nội mang đậm dáng vẻ tân cổ điển Pháp và được xem là bản sao của Nhà hát Opera Garnier ở Paris. Nhà hát lớn là điểm dừng chân thú vị vào những ngày mùa thu Hà Nội.

*Trường Đại học Tổng Hợp

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (trước đây là Trường Đại học Tổng hợp) tại số 19 Lê Thánh Tông được xây dựng cách đây gần 1 thế kỷ (1927) do kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Ernest Hébrard thiết kế.

Cùng với bảo tàng của Viện Viễn Đông Bác cổ xây năm 1931 (nay là Bảo tàng Lịch sử) và Sở Tài chính Đông Dương xây năm 1931 (nay là Bộ Ngoại giao), Đại học Tổng hợp Hà Nội được xem là một trong 3 công trình lớn mang phong cách Đông Dương tiêu biểu trên địa bàn Hà Nội còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay.

Cho đến ngày nay trường đại học Tổng Hợp là điểm check in cực đẹp của giới trẻ, nhất là các bạn sinh viên.

*Ô Quan Chưởng

Ô Quan Chưởng hay còn gọi là Ô Đông Hà nằm ở ngã tư Hàng Chiếu – Đào Duy Từ. Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn lại của kinh thành Thăng Long xưa. 

Ô Quan Chưởng còn được biết đến với cái tên Ô Đông Hà, được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông (1749), nằm ở phía Đông của kinh thành Thăng Long, cách bến sông Hồng xưa chỉ khoảng 80 mét nên thuận lợi cho việc đi lại, buôn bán từ các vùng khác với kinh thành. 

Tên gọi Ô Quan Chưởng là để tưởng nhớ công lao và sự hi sinh cao cả của một viên quan Chưởng Cơ đã cùng 100 binh lính nhà Nguyễn quyết tâm chiến đấu chống quân Pháp đến cùng khi chúng tấn công Hà Nội ngày 20/11/1873 qua cửa ô Đông Hà.

Đến ngày nay, Ô Quan Chưởng vẫn còn giữ nguyên được kiến trúc ban đầu theo lối kiến trúc đặc trưng của nhà Nguyễn thời bấy giờ. Đó là kiến trúc kiểu vọng lâu với cửa chính ở giữa và 2 cửa phụ 2 bên. Cổng cao 3m, vọng lâu với kiểu mái uốn cong được đặt trên tầng 2, có lan can bao quanh.

Trên tường phía trái cửa chính có một tấm bia đá ghi lệnh cấm người canh gác cửa ô không được sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881. Giữa phía trên cổng chính và dưới vọng lâu có đề ba chữ Hán lớn Đông Hà Môn.

Ô Quan Chưởng không chỉ mang vẻ đẹp về mặt kiến trúc mà còn in đậm dấu ấn lịch sử Hà Nội xưa. Nơi đây mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, yên bình hiếm thấy của Hà Nội. Có lẽ vì thế mà Ô Quan Chưởng là địa điểm du lịch mùa thu Hà Nội được rất nhiều du khách nước ngoài ghé đến.

*Hồ Hoàn Kiếm và Hồ Tây

Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) là địa điểm nổi tiếng của thủ đô với hàng liễu rủ bóng bên bờ, tháp Rùa cổ kính phong rêu. 

Hồ Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thủ đô, được bao quanh bởi 3 con phố Hàng Khay – Lê Thái Tổ – Đinh Tiên Hoàng. Trước đây hồ còn có một số tên gọi khác như hồ Lục Thủy (hồ nước xanh) hay hồ Thủy Quân (bởi hồ từng là nơi để huấn luyện thủy binh chiến đấu). Đến thế kỉ thứ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (trả gươm), gắn liền với sự tích trả gươm báu cho rùa vàng của vua Lê Thái Tổ.

Hồ Hoàn Kiếm là địa điểm say đắm lòng người với những cành liễu rủ trong màn sương huyền ảo của mùa thu

Hồ Tây cuối thu trở nên lãng mạn, thanh bình hơn… Lúc này chút nắng hè gay gắt không còn nữa, tiết trời mát mẻ khiến nhiều người thích thú khi tản bộ quanh “lá phổi xanh” của Hà Nội.

Hồ Tây trước đây còn có các tên gọi khác như Đầm Xác Cáo, Hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là một hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành thủ đô Hà Nội, nằm ở quận Tây Hồ. Hồ có diện tích hơn 500 ha với chu vi là khoảng 14,8 km. Hồ Tây là một đoạn của sông Hồng xưa trong quá trình ngưng đọng lại sau khi sông đổi dòng chảy.

Dạo bước quanh Hồ Tây chẳng khó để bạn bắt gặp được những khoảnh khắc tuyệt đẹp từ không gian đến con người. Không còn là những ngôi nhà san sát, đường xá khói bụi. Một không gian trong lành, thoáng đãng đủ để bạn cảm thấy tâm hồn thư thái. Lang thang Hồ Tây một chiều thu sẽ khiến cảm thấy bình yên và yêu thêm những điều nhỏ xinh của Hà Nội.

*Chùa Trấn Quốc

Chùa Chấn Quốc là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới, có lịch sứ lên đến 1500 năm tuổi. Chùa được xây dựng từ thế kỉ XV, trùng tu lại vào năm 1842. Mùa thu Hà Nội về trên ngôi chùa Trấn Quốc đẹp bình yên vô cùng. Đến tham quan chùa Trấn Quốc, bạn sẽ không khỏi choáng ngợp bởi lối kiến trúc đỉnh cao của ngôi chùa.

*Cầu Long Biên

Với lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm, cầu Long Biên là nhân chứng lịch sử và biểu tượng vô cùng ý nghĩa đối với người dân Thủ đô Hà Nội. Không những thế, cầu Long Biên còn là địa điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng toàn cảnh Hà Nội từ trên cao và có những phút giây thư giãn thoải mái, bình yên nhất.

Cầu Long Biên được xem là nhân chứng lịch sử, xây dựng từ năm 1899 – 1902. Cầu dài 2.290 m và là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, được thiết kế bởi kiến trúc sư Gustave Eiffel – người thiết kế tháp Eiffel. 

Ngày nay, cầu Long Biên thu hút rất nhiều du khách cả trong nước và quốc tế đến tham quan, chiêm ngưỡng cũng như tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử xưa. Khi đến đây, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh sông Hồng thơ mộng, ngắm nhìn sà lan nổi bên dưới hay dạo bộ, đạp xe thư giãn trên cầu.

Đặc biệt, bình minh và hoàng hôn là hai thời điểm lý tưởng để ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp từ trên cầu. 

Ngoài ra, cạnh cầu Long Biên còn có bãi đá sông Hồng với khung cảnh rộng lớn, xanh ngắt là địa điểm quen thuộc được giới trẻ Hà Thành và khách du lịch đến chụp ảnh, tận hưởng không khí trong lành. Vào buổi chiều, du khách có thể ghé qua khu chợ trời ở gần cầu để mua rau xanh, hoa quả tươi ngon và đồ ăn nhanh.

Đêm đến, khi đi dọc cầu Long Biên, du khách sẽ bắt gặp người dân đang đi dạo, tập thể dục; những cặp đôi đang hẹn hò trên cầu hay ở thành cầu còn sót lại những ổ khóa, những dòng chữ trắng xóa chứng minh tình yêu đôi lứa…

Đồng thời, du khách còn cảm nhận từng cơn gió mát lạnh từ sông Hồng thổi vào xua tan đi những ưu phiền trong cuộc sống. 

*Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh

Đến thăm thủ đô vào bất cứ mùa nào trong năm thì Lăng Bác là địa điểm bạn nên ghé đến. Nằm uy nghiêm, hoành tráng giữa quảng trường Ba Đình, khiến bất kỳ du khách nào đến đây cũng không khỏi bồi hồi xúc động.

Khi khám phá Lăng Bác, bạn có thể thăm quan những địa điểm trong quần thể lăng gồm: quảng trường Ba Đình, phủ Chủ tịch, nhà sàn bác Hồ… Đặc biệt con đường từ lăng dẫn đến nhà sàn Bác Hồ rất đẹp. Một không khí yên bình, vô cùng mát vẻ với hồ nước và vườn cây, ao cá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục