10 năm sau thảm hoạ động đất và sóng thần Nhật Bản: Hồi ức tác nghiệp của phóng viên TTXVN

19:06' - 11/03/2021
BNEWS 10 năm sau thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam khi đó trực tiếp tác nghiệp tại Nhật Bản đã chia sẻ với BNEWS về những ký ức không thể quên.

*Chị Nguyễn Thu Hằng- Phóng viên TTXVN được cử biệt phái làm Chuyên gia Ban tiếng Việt của Đài phát thanh truyền hình Nhật Bản NHK: “Sợ hãi nhưng không hoảng loạn”

14h26 ngày 11/3 cách đây đúng 10 năm, trong lúc tôi đang ngồi làm việc tại tầng 6 đài NHK tại Shibuya, Tokyo, thì trận đại động đất miền Đông Nhật Bản xảy ra.

Khi tòa nhà bắt đầu rung lắc, mấy anh chị em Ban tiếng Việt nhìn nhau cười: “Lại động đất” vì rung lắc đung đưa tầm 10-20 giây vốn là đặc sản của xứ này, chuyện nhỏ… 

Thế nhưng những nụ cười sớm tắt khi sự rung lắc không những không giảm đi mà ngày càng mạnh lên, mọi thứ treo trên trần nhà bắt đầu lắc điên cuồng, các khung cửa kính va nghiến vào nhau rầm rầm… 

Cường độ, âm thanh mỗi lúc một mạnh…đến mức tôi đã nghĩ chắc cái tòa nhà trên 60 năm tuổi này không thể trụ vững được lâu nữa. Tôi nhìn sang tòa nhà gần đó mà thấy nó lắc qua lắc lại như trong phim viễn tưởng, mọi thứ dường như không có thật vì nó xảy đến quá bất ngờ, quá mạnh mẽ.

Qua mỗi giây, nỗi khiếp sợ trong lòng càng nhân lên… Vậy mà mọi người chỉ ngồi yên nhìn nhau, không một tiếng la hét, không một lời than sợ hãi, ai đó đã còn kịp mở hết cửa sổ trong mấy giây đầu tiên, vì đó là việc cần làm ngay không thì động đất sẽ khiến các khung cửa méo đi làm kẹt cánh cửa và người ở trong sẽ không thể thoát ra ngoài trong trường hợp động đất kích hoạt hỏa hoạn.

Chính sự kiềm chế của mọi người, mặc dù vô cùng sợ hãi trong lòng, đã khiến nỗi hoảng loạn không lây lan và giúp tất cả bình tĩnh làm đúng các bước đã được hướng dẫn.

Cô đồng nghiệp người Nhật ngồi kế bên – Hirade - bảo tôi cùng chui xuống gầm bàn làm việc ngồi để tránh đồ vật rơi xuống. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác ngồi run rẩy dưới gầm bàn, thì thào hỏi Hirade: “Em có sợ không?” Cô ấy cười nói: “Sợ chứ, em chưa bao giờ thấy động đất mạnh thế!” Mặc dù nói sợ, nhưng cái vẻ cười cười của Hirade đã phần nào trấn an tôi.

Ngồi dưới gầm bàn, tôi lôi điện thoại ra gọi chồng, lúc đó đang làm việc ở một khu vực khác của Tokyo, gọi trường học của con trai, gọi nhà trẻ của con gái, gọi mẹ ở Việt Nam, gọi bạn bè ở Việt Nam… mà không cuộc gọi nào thông… 

Hoảng sợ vô cùng! Tôi đã nghĩ chắc tôi không còn gặp được ai nữa, tôi lo lắng tột độ không biết trẻ con ở trường thế nào, gần 3h chiều là lúc con trai tôi tan học về… 

Cứ điên cuồng bấm điện thoại mà không hề biết khi có sự cố xảy ra, tất cả các cuộc gọi thông thường sẽ bị cắt để nhường băng thông cho các hotlines, không hề biết Internet vẫn thông tức là vẫn có thể nhắn tin trên Yahoo Messenger...

Động đất hiệp 1 hơn 2 phút mà tưởng như vô tận, cuối cùng cũng chậm dần lại… Vừa thở phào thấy mình vẫn sống, chui ra khỏi gầm bàn thì hiệp 2 ập tới, với cường độ còn mạnh mẽ hơn hiệp 1. Lại chui xuống gầm bàn, nhắm mắt lại và chờ đợi mọi thứ đổ sập xuống… Vẫn không ai chạy đi…

Loa nội bộ trong đài liên tục thông báo, kêu gọi mọi người hãy giữ bình tĩnh vì đây không phải trận đại động đất Tokyo mà tâm chấn nằm ở ngoài khơi Tohoku (miền Đông), cách Tokyo gần 400km… Trời ơi, xa thế mà sao rung lắc dữ dội vậy, tôi là đứa không say tầu xe mà rung lắc lâu quá cũng bắt đầu thấy nôn nao, cảm giác như ai đó cho mình vào cái chai và lắc lên…

Cuối cùng thì sau tất cả gần 6 phút, cơn giận dữ điên cuồng của trời đất cũng lắng dần. Nhà không đổ, hàng dãy tivi treo trên tường không cái nào rớt xuống, đèn không rớt, cửa không vỡ… như một điều kỳ diệu.

Sau động đất 9 phút, đài NHK bắt đầu phát live tin tức. Những hình ảnh đầu tiên của cơn sóng thần hủy diệt đã được ống kính NHK ghi lại khi các phóng viên của Đài ngay lập tức đã lên máy bay trực thăng cùng Lực lượng phòng vệ trên biển bay ra ngoài khơi.

Vừa dứt cơn động đất, mọi người trong văn phòng bắt đầu theo dõi tin tức. Nhìn những bức tường đen ngòm di chuyển trên biển, những giây đầu tôi còn chưa kịp định thần hiểu ra đó là cái gì, lại hỏi cô đồng nghiệp. 

“Tsunami, sóng thần đấy chị ạ! Có sóng thần như vậy chắc chắn là thiệt hại sẽ vô cùng lớn đấy!” Dán mắt vào màn hình tivi, mọi người trong văn phòng bắt đầu lặng đi, thoảng thốt sau giây phút òa ra sung sướng vì động đất đã dứt và mọi người bình an vô sự.

Trận động đất Tohoku 2011 có cường độ 9.0 độ Richter, hay 7 shindo, tức là mức cao nhất theo thang đo độ rung lắc thực tế của Nhật Bản, tạo ra những bức tường sóng thần có nơi cao hơn 40m, di chuyển với vận tốc hơn 700km/giờ và vào sâu tới 10km trong đất liền.

Trong khi Tokyo mới chỉ có độ rung lắc là 5+ và thiệt hại là không đáng kể nhưng tại khu vực Tohoku, trận động đất và sóng thần đã cướp đi ngay lập tức sinh mạng của gần 16.000 người và khiến cho gần 3.000 người khác mất tích, đó là chưa kể nó còn khiến nhiều người thiệt mạng sau đó do trầm cảm và các căn bệnh tâm thần khác.

Trận động đất đã khiến đảo lớn Honshu của Nhật Bản bị dời đi 2,4m và trục quay của trái đất lệch khoảng 10-25cm. Trận động đất và sóng thần cũng khiến 3 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị tan chảy, gây ra thảm họa hạt nhân lớn chưa từng có ở Nhật Bản, được xếp vào thang độ 7 - cùng cấp với thảm họa Chernobyl năm 1986, và khiến cho 154.000 người phải sơ tán.

Sau trận đại động đất ngày 11/3 đã có hơn 800 trận dư chấn khác với cường độ từ 4,5 độ Richter trở lên. Thế nên cả một thời gian dài sau động đất, tôi thường xuyên có cảm giác chóng mặt lao đao.

20 ngày sau động đất, tìm đủ mọi cách, tôi cũng lên được thị trấn Rikuzen-takata ở tỉnh Iwate cùng một nhóm bạn nước ngoài đi tặng quà từ thiện. Iwate là tỉnh chịu sóng thần cao nhất và bị thiệt hại vô cùng nặng nề.

Bàng hoàng nhìn tận mắt đống đổ nát mới thấy con người thật bé nhỏ biết bao trước thiên tai. Có nhìn tận mắt, gặp trực tiếp các nạn nhân, lắng nghe những câu chuyện của họ mới thấy nể trọng thật sâu sắc những con người Nhật Bản bình dị.

1 năm sau trận động đất, tôi lại có dịp trở lại Tohoku để tham gia làm chương trình phát thanh đặc biệt kể về những con người sống sót. Tôi thật biết ơn nghề báo đã cho tôi những trải nghiệm đặc biệt, gặp những con người đặc biệt và được họ kể cho nghe những câu chuyện vô cùng đặt biệt của họ.

 

Hôm nay đúng 10 năm sau động đất, xin dành 1 phút tưởng niệm những người đã ra đi và cũng dành một khoảng lặng để hồi tưởng lại những gì đã trải qua

*Anh Đào Thanh Tùng, phóng viên TTXVN thường trú tại Nhật Bản: “Máu nghề nghiệp đã át đi nỗi sợ”

Ngày 11/3/2011, trận động đất có cường độ 9 độ Richter đi kèm các đợt sóng thần khổng lồ đã tàn phá khu vực Đông Bắc Nhật Bản, khiến 15.365 người chết, 8.206 người bị mất tích và hàng trăm ngàn người khác mất hết nhà cửa (tính đến ngày 5/6). Đây là trận động đất có cường độ cao nhất trong lịch sử hiện đại của nước này và cao thứ 5 trên thế giới. 

Sau động đất, Nhật Bản trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, không chỉ vì những hậu quả khủng khiếp mà thiên tai đã gây ra mà còn vì cuộc khủng hoảng hạt nhân sau các sự cố liên tiếp ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima I. 

Chỉ vài ngày sau động đất, một số nước đã sơ tán hoặc khuyên công dân nước mình sơ tán khỏi Nhật Bản. Nhiều người nước ngoài đã dời “xứ sở hoa anh đào”, trong khi nhiều người khác, trong đó có cả người Nhật, đã di chuyển về phía Nam. Tuy nhiên, tôi và các phóng viên thường trú khác của TTXVN vẫn quyết tâm bám trụ ở Tokyo.

Tất nhiên, cũng như những người bình thường khác, chúng tôi cũng có những giây phút hoảng sợ và lo âu. Sợ vì tòa nhà Gaien House, nơi có Văn phòng của TTXVN, có thể sập bất cứ lúc nào bởi vì, theo thông báo của Ban Quản lý Gaien House, tòa nhà này chỉ chịu được trận động đất có cường độ tối đa là 7 độ, trong khi các dư chấn mạnh, thậm chí hơn 7 độ, vẫn liên tục xảy ra. 

Lo vì chúng tôi có thể nhiễm phóng xạ phát tán từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima I và vì cuộc sống trở nên khó khăn hơn, nhất là trong những ngày đầu tiên sau động đất, khi một số mặt hàng thiết yếu trở nên khan hiếm không khác gì thời bao cấp ở Việt Nam.

Tuy nhiên, “máu nghề nghiệp đã át đi nỗi sợ”. Chỉ vài phút sau động đất, tôi đã ngồi vào bàn làm việc và gửi các tin đầu tiên về sự kiện này cho dù ngôi nhà vẫn tiếp tục rung rinh bởi các dư chấn. Những ngày sau đó, bất chấp các dư chấn mạnh và những khó khăn trong sinh hoạt, tôi và các đồng nghiệp trong Phân xã vẫn đều đặn gửi tin về Tổng xã. 

Chúng tôi không chỉ cố gắng phản ánh tình hình thiệt hại và các nỗ lực khắc phục thảm họa của người dân Nhật Bản mà còn cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình cộng đồng người Việt Nam tại nước này. Chúng tôi hiểu rằng có hàng triệu người ở Việt Nam đang từng giờ, từng phút chờ đợi tin tức về người thân của mình đang sinh sống, học tập và làm việc ở đây.

Trong tuần đầu tiên sau động đất, mỗi ngày, tôi chỉ ngủ khoảng ba đến bốn tiếng vì vừa phải gọi điện đi các nơi để cập nhật thông tin về tình hình cộng đồng người Việt, vừa làm tin để gửi về Tổng xã, vừa trả lời phỏng vấn trên truyền hình và vừa đi ra ngoài đường để phỏng vấn người dân. 

Bên cạnh đó, tôi cũng liên tục trả lời điện thoại của nhiều người ở trong nước hỏi thăm về tình hình người thân của họ ở Nhật Bản hay các bạn tu nghiệp sinh trong khu vực thảm họa muốn cập nhật thông tin về địa bàn mình đang sống bởi vì, các bạn hầu như không có thông tin. 

Do làm việc căng thẳng và ăn uống thất thường nên chỉ một tuần sau, tôi đã bị sút gần 2kg và nhiều lúc cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, những tin vui dồn dập sau đó như “chưa có người Việt Nam nào bị thiệt mạng hay mất tích trong thảm họa động đất-sóng thần” hay “83 người Việt di chuyển an toàn ra khỏi vùng thảm họa” đã nhanh chóng giúp tôi xua tan sự mệt mỏi này.

Hôm 16/3, ngay sau khi nhận được tin khoảng 60 trong số 83 tu nghiệp sinh và sinh viên Việt Nam trở về từ khu vực thảm họa đang tá túc tại chùa Nissin Kutsu, gần tháp Tokyo, tôi và một đồng nghiệp đã lên đường tới ngôi chùa này cho dù có một số người lo ngại về khả năng các tu nghiệp sinh trở về từ tỉnh Fukushima có thể nhiễm phóng xạ. 

Chúng tôi thật sự xúc động khi tận mắt chứng kiến hành động nghĩa hiệp của Hòa thượng Daichi Yoshimizu trụ trì ngôi chùa này và các bạn bè Nhật Bản khác. Sự giúp đỡ đó thật đáng trân trọng, nhất là trong lúc các bạn bè Nhật Bản vẫn đang gặp khó khăn. Cùng với các bạn tu nghiệp sinh và sinh viên, chúng tôi đã reo hò khi được biết không có ai trở về từ các khu vực nguy hiểm bị nhiễm phóng xạ. 

Tối hôm đó, tôi đã thức suốt đêm để làm tin và gửi video về Tổng xã (do đường truyền Internet giữa Việt Nam và Nhật Bản bị trục trặc sau động đất), với hy vọng người thân của các bạn sinh viên và tu nghiệp sinh sẽ sớm nhận được tin vui này.

Gần ba tháng đã trôi qua kể từ sau trận động đất kinh hoàng đó, cuộc sống của tôi và nhiều người khác ở thủ đô Tokyo đang dần ổn định. Cho dù cuộc sống hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ vượt qua những khó khăn đó để tiếp tục phản ánh một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời về tình hình ở Nhật Bản và các nỗ lực tái thiết đất nước của người dân nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục