10 năm thảm họa động đất-sóng thần tại Nhật Bản: Chú trọng hơn phòng chống thiên tai

07:55' - 11/03/2021
BNEWS Nhân 10 năm thảm hoạ động đất sóng thần tại Nhật Bản, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã hối thúc các nước chú trọng hơn nữa tới phòng ngừa và ứng phó với thiên tai.

Ngày 10/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã gửi video tưởng nhớ đến những nạn nhân Nhật Bản đã thiệt mạng và mất tích trong trận động đất sóng thần gây sóng thần lịch sử xảy ra cách đây đúng 10 năm tại vùng biển Đông Bắc Nhật Bản (11/3/2011 - 11/3/2021).

Ông đã hối thúc các nước chú trọng hơn nữa tới công tác phòng ngừa và ứng phó với thiên tai.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Tổng Thư ký  Guterres nhấn mạnh: "Từ tận đáy lòng, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến những người đã mất đi người thân yêu của mình, đồng thời bày tỏ sự cảm thông với những người dân Nhật Bản đến nay vẫn không thể trở về quê hương do ảnh hưởng của sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.” 

Cũng theo Tổng Thư ký  Guterres, kể từ sau khi xảy ra thảm họa, LHQ đã phát huy vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và hỗ trợ rất lớn để Nhật Bản có thể nhanh chóng tái thiết vùng thiên tai.

Nhân dịp này, Tổng Thư ký  Guterres kêu gọi các nước đầu tư nhiều hơn nữa vào công tác giáo dục, xây dựng kế hoạch để chủ động ứng phó hiệu quả với những thảm họa thiên nhiên như biến đổi khí, động đất và dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy đến trong tương lai.

Điều quan trọng là người dân trên khắp thế giới phải đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, nhất là quan tâm đến đối tượng là người cao tuổi và người tàn tật, với phương châm không bỏ lại ai phía sau.

Cùng ngày, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cũng đã gửi một thông điệp video nhấn mạnh tầm quan trọng của các khuôn khổ quản lý an toàn hạt nhân nhìn từ sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 cách đây 10 năm.

Ông Grossi nêu rõ trong 10 năm qua, IAEA đã hỗ trợ Nhật Bản thông qua cử đoàn chuyên gia đến Nhật Bản để đánh giá mức độ thiệt hại cũng như tìm hiểu vấn đề ô nhiễm nước biển do rò rỉ phóng xạ gây ra.

Sau sự cố tại Nhật Bản, các nhà máy điện hạt nhân trên khắp thế giới đã được đánh giá lại, bổ sung thêm các biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết và hiện tại hầu hết đã hoàn thành các bài kiểm tra nghiêm ngặt.

Người đứng đầu IAEA nhấn mạnh bài học được rút ra là các nước phải tăng cường tính độc lập và đầu tư tiền của nhiều hơn nữa cho công tác quản lý an toàn năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, vai trò của khuôn khổ quản lý an toàn hạt nhân, nòng cốt là IAEA, là đặc biệt quan trọng./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục