10 thành tựu nổi bật trong khoa học nông nghiệp Trung Quốc

07:20' - 20/11/2021
BNEWS Ngày 19/11, Trung Quốc đã công bố 10 thành tựu quan trọng trong khoa học nông nghiệp của năm 2020.

10 thành tựu quan trọng trong khoa học nông nghiệp của năm 2020 được công bố trong khuôn khổ hội thảo giới thiệu phát triển công nghệ và khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và tại các khu vực nông thôn ở thủ đô Bắc Kinh.

Nổi bật trong số các thành tựu trên phải kể đến cơ chế điều chỉnh phân tử cho năng suất vụ mùa cao, cơ chế chống lại dịch bệnh và sức đề kháng của gia súc và gia cầm trước virus SARS-CoV-2.

Cụ thể, các nhà khoa học Trung Quốc đã xác định được gene NGR5 và khám phá ra rằng số lượng gene NGR5 càng nhiều, càng giúp lúa đâm chồi nhanh hơn và cho sản lượng cao hơn mà không cần tới phân bón giàu ni-tơ.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã đánh giá độ nhạy cảm với virus SARS-CoV-2 ở chồn sương và những động vật có tiếp xúc gần gũi với con người. Họ phát hiện ra rằng mèo và chồn là hai con vật nhạy cảm với virus SARS-CoV-2 nhất, trong khi gà, lợn, vịt không bị nhiễm bệnh.

Ngoài ra, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Nông nghiệp Sơn Đông đã nhân bản được gene Fhb7. Gene này cho thấy sức chống chịu tốt trước FHB - căn bệnh gây hại chính tới lúa mỳ do nấm gây ra.

Đây là căn bệnh tạo ra độc tố và làm giảm năng suất cây lúa mỳ. Việc sử dụng Fhb7 trong thương mại sẽ giúp giảm bớt nguy cơ thất thoát mùa màng và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Một số thành tựu khác phải kể đến nghiên cứu trong kỹ thuật xen canh - trồng đồng thời nhiều loại giống cây khác nhau trên cùng một khu đất, xây dựng bộ gene đậu tương chất lượng cao và xác định nguyên nhân giúp các cây họ đậu cộng sinh với vi khuẩn rhizobia (loại vi khuẩn có khả năng chuyển hóa ni-tơ không khí thành đạm để cây trồng có thể hấp thu).

Cũng tại hội thảo trên, Trung Quốc đã công bố báo cáo về phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp và tại các khu vực nông thôn trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (từ năm 2016-2020)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục