Điều chỉnh chính sách có thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phục hồi tăng trưởng?

05:30' - 19/11/2021
BNEWS Nhiều thách thức trong thời gian gần đây như thiếu điện, khủng hoảng nợ Evergrande, chuỗi cung ứng tắc nghẽn và những biện pháp hạn chế dịch bệnh có thể cản trở đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc.

Theo báo Liên hợp buổi sáng, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đã tạo ra thách thức cho đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Theo số liệu công bố gần đây của Cục thống kế quốc gia Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III/2021 của nước này là 4,9%, chậm lại đáng kể so với mức 7,9% của quý II/2021.

Đặc biệt, vấn đề cần chú ý là Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng Mười ở mức 49,2, thấp hơn mức 49,6 của tháng Chín, phản ánh hoạt động sản xuất tiếp tục thu hẹp.

Bên cạnh đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) của tháng Chín đạt mức cao mới trong lịch sử, tăng 10,7% so với cùng kỳ, cho thấy hoạt động công nghiệp đang đối diện với chi phí cao hơn. Điều này đã làm gia tăng sức ép chuyển chi phí cao hơn cho người tiêu dùng, từ đó có thể dẫn đến lạm phát toàn cầu.

Trung Quốc luôn được coi là một trong những động lực phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những số liệu trên cộng với nhiều thách thức trong thời gian gần đây như thiếu điện, khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande, chuỗi cung ứng tắc nghẽn và những biện pháp hạn chế dịch bệnh có thể sẽ cản trở đà phục hồi.

Liệu những thách thức này có gây nên rủi ro mang tính hệ thống cho thị trường hay không? Các chính sách của Trung Quốc liệu có giúp nền kinh tế phục hồi tăng trưởng hay không? Liệu các nước khác có cần phải cảnh giác đối với tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc hay không? Câu trả lời có thể tìm thấy trong tổng cầu và tổng cung của Trung Quốc.

Nhu cầu phục hồi còn chậm

Tổng cầu là tổng nhu cầu của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng phát sinh trong một nền kinh tế. Tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu ròng là ba nhân tố quan trọng quyết định tổng cầu.

Tiêu dùng suy yếu luôn là vấn đề gây khó khăn cho Trung Quốc, nó đã làm chậm lại đà phục hồi tăng trưởng kinh tế. Năm 2020, chi tiêu tiêu dùng thực tế bình quân đầu người của Trung Quốc giảm 4%. 

Mặc dù ba quý đầu năm đã xuất hiện sự phục hồi, nhưng số liệu doanh số bán lẻ tháng Tám khá thất vọng, chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ, thấp xa mức kỳ vọng tăng trưởng 7%. Đây là hệ quả của việc thực hiện chính sách “không khoan nhượng” đối với COVID-19 và phong tỏa địa phương để kiểm soát biến thể Delta có khả năng lây lan cao của Trung Quốc. Những chính sách này đã cản trở doanh số bán lẻ phục hồi trở lại mức trước khi xảy ra dịch bệnh.

Trước khi xuất hiện biến thể Delta, Trung Quốc đã thành công trong việc giảm số ca nhiễm xuống mức 0. Ngành bán lẻ, du lịch và sản xuất nhanh chóng phục hồi về mức trước khi xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đã phá vỡ cục diện ổn định này. 

Từ tháng Bảy đến nay, nhiều thành phố đã xuất hiện ca lây nhiễm. Những thành phố này đã tạm ngừng tất cả các đoàn tàu và chuyến bay, đóng cửa đường bộ cao tốc đi qua địa phương, triển khai xét nghiệm trên quy mô lớn, đồng thời thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt.

Hiện nay, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy những biện pháp này có thể được nới lỏng trong ngắn hạn. 

Một mặt, người dân phải ở trong nhà, điều này đã hạ thấp nhu cầu của một số hàng hóa tiêu dùng. Mặt khác, một số hoạt động kinh doanh nhỏ như các cửa hàng bán lẻ, tiệm ăn và đại lý du lịch phải gánh chịu chi phí hoạt động cao hơn do ảnh hưởng của tính không xác định. Một bộ phận người lao động phải đối diện với thực tế thu nhập thấp hơn, thậm chí thất nghiệp. Tất cả những vấn đề này đã kiềm chế hơn nữa tiêu dùng của Trung Quốc. 

Chính sách kiểm soát bất động sản gần đây của Trung Quốc đã phủ thêm một bóng đen khác lên nền kinh tế Trung Quốc. Chính phủ đã quyết định giảm sự phụ thuộc vào bất động sản, trong khi cần biết rằng ngành này luôn là động lực thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trước đây.

Theo thông tin của tờ The Guardian, bất động sản chiếm 30% GDP của Trung Quốc, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 10-20% của phần lớn các nước phát triển.

Các nhà phát triển bất động sản mạnh tay vay nợ để đầu tư đã mang lại rủi ro cho toàn bộ nền kinh tế. Tập đoàn Evergrande là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, do chính phủ siết chặt hoạt động vay nợ quá mức của các nhà phát triển bất động sản và thị trường bất động sản ảm đạm, tập đoàn này đã tích tụ khối nợ hơn 300 tỷ USD. Việc chính phủ có ra tay can thiệp để giải cứu hay không vẫn chưa có gì chắc chắn.  

Tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư và người mua nhà sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường bất động sản. Những chủ thể có tài sản bị thiệt hại có thể sẽ cắt giảm tiêu dùng và đầu tư, từ đó ảnh hưởng hơn nữa đến tổng cầu.

May mắn là kể từ khi tình hình dịch bệnh xảy ra vào đầu năm 2020 được kiểm soát, hiệu quả ngành xuất khẩu của Trung Quốc luôn tốt hơn các ngành khác. Sự bùng phát dịch bệnh ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam… đã thúc đẩy nhu cầu của toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc. Xuất khẩu tháng Chín của Trung Quốc tăng mạnh bất ngờ 28,1% so với cùng kỳ năm trước, điều này phản ánh nhu cầu mạnh mẽ của toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc.

Liệu có thể duy trì nguồn cung đầy đủ?

Đối với nhu cầu của toàn thế giới, liệu Trung Quốc có thể luôn duy trì nguồn cung đầy đủ hay không? Muốn cung ứng đầy đủ đòi hỏi nhà sản xuất phải có khả năng mua nguyên vật liệu và nguồn nhân lực đảm bảo với giá cả hợp lý. Điều không may là Trung Quốc đang đối diện với vấn đề thiếu hụt năng lượng và nguồn nhân lực nghiêm trọng. 

Gần đây, chính quyền một số địa phương của Trung Quốc đã công bố kế hoạch cắt điện trong các tháng tới, nguyên nhân do không thể cân đối cung-cầu năng lượng.

Các nhà máy cần nhiều điện hơn để đáp ứng nhu cầu gia hàng hóa tăng mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, những năm gần đây do Trung Quốc thực hiện chính sách thúc đẩy phát triển nguồn điện thân thiện môi trường, nên nhiều mỏ than bị đóng cửa. Việc cắt giảm số lượng các mỏ than và nhu cầu điện lực gia tăng đương nhiên đã đẩy giá than tăng vọt.

Đối với các nhà cung ứng điện, chi phí sản xuất gia tăng, do chính phủ kiểm soát giá điện nên việc nâng cao giá điện là điều không thực tế, hệ lụy là một số nhà cung ứng điện cắt giảm sản lượng, gây nên tình trạng thiếu hụt điện.

Theo tính toán của Goldman Sachs, thiếu điện đã ảnh hưởng đến 44% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc. Nhiều nhà máy đối diện với hai lựa chọn khó khăn: Hoặc là cắt giảm sản lượng, hoặc là chuyển chi phí sản xuất cao sang cho người tiêu dùng. Điều này sẽ gây nên lạm phát trong nước và trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, các nhà máy của Trung Quốc đang đối diện với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực. Thế hệ trẻ không coi trọng việc làm trong nhà máy, cảm thấy nhàm chán và mệt mỏi. Mặc dù ông chủ của nhiều nhà máy đã nâng cao mức lương và cải thiện điều kiện làm việc, nhưng tuyển dụng lao động vẫn là một vấn đề khó khăn.

Ngoài ra, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc (từ 15-59 tuổi) đang suy giảm. Theo thông tin của tờ The Wall Street Journal, tỷ lệ này đã giảm từ 70% vào năm 2010 xuống còn 63% trong năm 2020.

Tác động của sự điều chỉnh chính sách

Mặc dù lương luôn tăng lên, nhưng các vị trí tuyển dụng vẫn thiếu. Nhiều nhà máy đã từ chối đơn đặt hàng của nước ngoài, đồng thời thu hẹp quy mô sản xuất. Việc hạn chế năng lực sản xuất này chắc chắn đang làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế.

Trung Quốc đang điều chỉnh cơ cấu kinh tế, chuyển ngành sản xuất sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn, đồng thời hạ thấp mức nợ cao để tránh xảy ra khủng hoảng nợ. Trong ngắn hạn chắc chắn sẽ trải qua nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế sẽ thấp hơn kỳ vọng.

Hiện nay, các cơ quan chức năng Trung Quốc đang nỗ lực hết sức để ứng phó với tình trạng vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản, tìm cách hạ thấp rủi ro hệ thống. Nếu khủng hoảng nợ do tập đoàn Evergrande gây nên không được xử lý hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của quý IV/2021, đồng thời cũng sẽ gây tác động tiêu cực đối với thị trường tài chính bên ngoài.  

Trong tháng trước, Trung Quốc đã nới lỏng kiểm soát đối với giá điện, cho phép các công ty năng lượng định giá công khai trên thị trường. Điều này một mặt sẽ đẩy cao giá điện, mặt khác cũng sẽ kích thích doanh nghiệp gia tăng nguồn cung điện lực.

Trước đó, Trung Quốc tuyên bố cho phép một cặp vợ chồng tối đa được sinh ba con. Đồng thời, chính phủ quyết định chấn chỉnh ngành dạy thêm để giảm nhẹ gánh nặng cho các cặp vợ chồng trẻ, khuyến khích họ sinh thêm con.

Trong ngắn hạn, chính sách này có thể không mang lại tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, xét về dài hạn, cùng với việc có nhiều người hưởng ứng chính sách  hơn, các gia đình có thể sẽ có thêm nhiều con, từ đó bù đắp sự thiếu hụt nguồn nhân lực. 

Trung Quốc coi thúc đẩy tiêu dùng trong nước là trọng tâm của Quy hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều tỉnh, thành phố đã điều chỉnh mức lương tối thiểu để gia tăng thu nhập của các hộ gia đình. Tuy nhiên, do giá thực phẩm leo thang trong thời gian gần đây, nên mức tăng lương có thể không đủ để bù đắp ảnh hưởng của lạm phát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục