144 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội sẽ bị khởi kiện

19:54' - 21/02/2017
BNEWS Đến hết tháng 2/2017, sẽ có 144 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội bị tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội sẽ bị khởi kiện. Ảnh minh họa: TTXVN

Thông tin trên được ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 2/2017, do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức chiều 21/2.

Theo ông Lê Đình Quảng, hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp cho 52 Liên đoàn Lao động các tỉnh trên 1.150 bộ hồ sơ các doanh nghiệp nợ đọng để tổ chức công đoàn khởi kiện.

Liên đoàn Lao động 11 tỉnh đã khởi kiện được 76 doanh nghiệp ra tòa. Ngoài việc khởi kiện doanh nghiệp ra tòa, Liên đoàn Lao động tỉnh cùng cơ quan chức năng đôn đốc, gửi thông báo đến doanh nghiệp về việc sẽ khởi kiện nếu doanh nghiệp không khắc phục, qua đó đã thu hồi được 21 tỷ đồng trước khi khởi kiện.

Tuy nhiên, ông Quảng cho rằng quá trình khởi kiện gặp nhiều khó khăn do Công đoàn khởi kiện theo quy trình của tranh chấp lao động tập thể và giữa các văn bản (Luật bảo hiểm xã hội, Luật công đoàn, Bộ luật lao động, Bộ luật tố tụng dân sự) cũng chưa có sự đồng bộ, thống nhất.

Vướng mắc được ông Quảng đưa ra là theo trình tự thủ tục tố tụng về tranh chấp lao động, công đoàn cơ sở phải là nơi đứng ra khởi kiện hoặc theo ủy quyền cho công đoàn cấp trên.

“Phải nói thật, công đoàn cơ sở mà lại đi khởi kiện ngay người sử dụng lao động thì họ rất ngại, họ không dám khởi kiện và cũng không dám ủy quyền”, ông Quảng bày tỏ.

Chính vì vậy, trong số 74 đơn khởi kiện doanh nghiệp thời gian qua, có 12 đơn bị tòa trả lại do không có thủ tục ủy quyền. Còn lại chưa vụ việc nào được đưa ra xét xử.

Cũng theo ông Quảng, trình tự thủ tục khởi kiện rất phức tạp, qua các bước giải quyết của tranh chấp lao động tập thể, pháp luật lại chưa đồng bộ nên mặc dù hai ngành Bảo hiểm xã hội và Liên đoàn Lao động rất quyết liệt, đã họp cả với Chủ tịch 63 tỉnh, thành, nhưng mới chỉ là ở bước tiền khởi kiện và thu hồi được 21 tỷ đồng, còn việc thực hiện theo trình tự thủ tục khởi kiện ra tòa do tổ chức công đoàn đứng ra viết đơn theo Điều 14 Luật bảo hiểm xã hội là chưa được vụ việc nào.

“Dự kiến Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ họp liên ngành với Tòa án nhân dân Tối cao, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tư pháp, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội để tháo gỡ, không loại trừ việc sửa các quy định của pháp luật, trong đó có Bộ luật lao động để những quy định về công đoàn khởi kiện được đồng bộ, thống nhất triển khai được trong thực tiễn”, ông Quảng nói.

Qua kinh nghiệm, tỷ lệ thi hành án sau các vụ kiện nợ đọng bảo hiểm xã hội không cao, ông Quảng nhận định, khởi kiện chỉ là một trong những biện pháp để giảm nợ đọng, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, giải pháp quan trọng là cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử phạt.

Đại diện Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thông tin, Bộ này đang phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các đối tượng, mức độ vi phạm cũng như trao đổi các phương án xử lý. Quan điểm chung là phải đảm bảo quyền lợi tối đa nhất cho người lao động.

Còn ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, đã có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội mất khả năng đòi. Số tiền này được theo dõi trên hệ thống sổ sách đã hơn 10 năm.

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, những doanh nghiệp đang làm hồ sơ giải thể, phá sản hoặc đã giải thể, phá sản nhưng không có nguồn tài chính để thanh toán bảo hiểm xã hội, thì cơ quan Bảo hiểm xã hội được phép chốt sổ đến thời điểm đơn vị đã trả cho người lao động. Với các doanh nghiếp cố tình chây ỳ, trốn đóng, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Ban Thu đã đề xuất phương án doanh nghiệp đóng cho người lao động được đến đâu thì chốt sổ đến đó để người lao động được cầm sổ sang đơn vị mới, có thể làm căn cứ để hưởng quyền lợi. Khi đơn vị đó đóng được phần nợ Bảo hiểm xã hội sẽ ghi bổ sung vào sổ sau.

Liên quan đến việc này, ông Thắng cho hay Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang rất khó khăn trong việc chốt sổ và trả sổ cho người lao động để xác định được thời gian.

Theo kế hoạch, năm 2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ trả sổ cho khoảng 7,2 triệu người lao động.

Đến hết năm 2018, cơ quan này sẽ hoàn thành trả sổ bảo hiểm xã hội cho 12 triệu lao động.

Hiện việc trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động quản lý mới được triển khai thí điểm tại Tổng Công ty May 10./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục