15 tỉnh miền núi phía Bắc đã có bản đồ cảnh báo trượt lở đất đá

11:22' - 16/10/2020
BNEWS Bộ bản đồ này sẽ giúp các cấp chính quyền nắm bắt được toàn cảnh mức độ nguy cơ có thể xảy ra trượt lở đất đai ở địa phương, được chi tiết tới cấp xã.

Sau 8 năm triển khai, Dự án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam” do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản triển khai thực hiện từ năm 2012 đã thành lập được bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 trên 22 tỉnh miền núi phía Bắc và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 cho 15 tỉnh.

*Hai loại bản đồ

Theo TS. Trịnh Xuân Hòa – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, sản phẩm chính của Dự án là 2 loại bản đồ: Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đai (TLĐĐ) và bàn đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ.

Về bản đồ hiện trạng trượt lở đất đai (TLĐĐ) tỷ lệ 1:50.000, đến hết tháng 5/2020, đã hoàn thành tại 22 tỉnh miền núi phía Bắc gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Năm 2020 sẽ thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá cho 3 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên.

Về bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ tỷ lệ 1:50.000, 15 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Hòa Bình đã có loại bản đồ này.

Hai loại bản đồ có giá trị sử dụng khác nhau, trong đó bản đồ hiện trạng giúp địa phương hình dung một cách tổng quan về tình hình TLĐĐ tại địa phương để đề ra hướng giải quyết; còn bản đồ phân vùng cảnh báo đóng vai trò quan trọng trong việc đề  ra giải pháp để giảm thiểu thiệt hại.

Theo TS. Trịnh Xuân Hòa, bộ bản đồ hiện trạng TLĐĐ giúp các cấp chính quyền nắm bắt được toàn cảnh thực trạng xảy ra TLĐĐ ở địa phương mình. Bản đồ này cung cấp thông tin chi tiết về từng vị trí, từng khu vực đã xảy ra TLĐĐ đến thời điểm được điều tra, khoanh vùng sơ bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra TLĐĐ cao trên cơ sở tổng hợp các kết quả khảo sát.

“Địa phương và các đơn vị liên quan có thể sử dụng bộ bản đồ như một công cụ cảnh báo sơ bộ về nguy cơ tái xuất hiện TLĐĐ tại các vị trí đã từng xảy ra trong các khu vực đã điều tra, cũng như cảnh báo về nguy cơ xảy ra TLĐĐ tại các vị trí, khu vực có điều kiện tự nhiên - môi trường tương đồng. Trên cơ sở đó, các địa phương có thể chuẩn bị các biện pháp ứng phó phù hợp tại mỗi vị trí tùy mức độ quy mô, nguy cơ (tái) xuất hiện trượt lở trong mùa mưa bão”, ông Trịnh Xuân Hòa nói.

Còn theo TS. Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc Trung tâm Viễn thám và Tai biến địa chất (VKHĐC&KS), các bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác chủ động phòng chống và giảm thiểu thiên tai. Bản đồ này cung cấp các thông tin về các mức độ nguy cơ xảy ra TLĐĐ tại mỗi khu vực khi hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi, kích hoạt các quá trình TLĐĐ xảy ra.

“Bộ bản đồ này sẽ giúp các cấp chính quyền nắm bắt được toàn cảnh mức độ nguy cơ có thể xảy ra TLĐĐ ở địa phương, được chi tiết tới cấp xã. Các địa phương có thể sử dụng bộ bản đồ này làm cơ sở khoa học để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư cho các địa phương, đồng thời, vẫn đảm bảo cho chính quyền các cấp tỉnh, huyện, xã và nhân dân địa phương có thể lồng ghép các kế hoạch và biện pháp phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do TLĐĐ gây ra”, ông Nguyễn Quốc Khánh cho hay.

* Xác định hơn 200 xã trọng điểm cần tiến hành điều tra bổ sung

Từ các kết quả điều tra hiện trạng và phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ được thực hiện từ năm 2012, trên cơ sở phối hợp với Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai và Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn của các tỉnh địa phương, các cơ quan thực hiện đề án đã xác định được hơn 200 xã trọng điểm cần tiến hành công tác điều tra bổ sung, chuyển giao và hướng dẫn sử dụng cho địa phương các loại bản đồ cảnh báo nhằm giảm thiểu thiệt hại do TLĐĐ trong mùa mưa bão; phục vụ kịp thời công tác di dân tái định cư, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội bền vững của địa phương.

Trên cơ sở đó, trong các năm 2017 - 2019, đề án đã triển khai công tác điều tra cập nhật, bổ sung thông tin hiện trạng và nguy cơ TLĐĐ cho 50 xã trọng điểm có nguy cơ TLĐĐ cao thuộc 6 tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình và Thanh Hóa.

Theo ông Trịnh Xuân Hòa, trong năm 2020, Viện sẽ tiếp tục công tác điều tra và thành lập bản đồ hiện trạng TLĐĐ, bản đồ phân vùng nguy cơ TLĐĐ tỷ lệ 1:50.000. Bên cạnh đó, thu thập, phân tích, tổng hợp, cập nhật các tài liệu hiện có về địa hình - địa mạo, địa chất, địa chất công trình, địa chất thủy văn, khí tượng thủy văn, thảm phủ thực vật, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng TLĐĐ và các tai biến địa chất khác liên quan trên địa bàn 18 tỉnh.

Ngoài ra, tiến hành công tác chuyển giao kết quả, hướng dẫn quản lý, sử dụng các sản phẩm thực hiện năm 2019 của Đề án cho các đơn vị sử dụng ở Trung ương và các địa phương đã điều tra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục