175 quốc gia nỗ lực hướng đến thỏa thuận lịch sử về rác thải nhựa

14:22' - 30/05/2023
BNEWS Tại thủ đô Paris của Pháp, các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu Phiên đàm phán thứ hai của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về Thỏa thuận quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Mới đây, tại thủ đô Paris của Pháp, các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu Phiên đàm phán thứ hai của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về Thỏa thuận quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Đại diện của 175 quốc gia với những tham vọng khác nhau đã nhóm họp tại trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) với mục đích đạt được bước tiến hướng tới một thỏa thuận lịch sử về chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa vào năm tới.

 
Phát biểu trước các đại biểu, người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên hợp quốc Inger Andersen nhấn mạnh thói quen vứt bỏ đồ nhựa đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bóp nghẹt hệ sinh thái của Trái Đất, làm gia tăng biến đổi khí hậu, gây hại cho sức khỏe của con người và những người dễ bị tổn thương nhất chính là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán Peru (Pê-ru), ông Gustavo Meza-Cuadra Velazquez nhấn mạnh thách thức là "rất lớn, như tất cả chúng ta đều nhận thức được, nhưng không phải là không thể vượt qua...Cả thế giới đang hướng về chúng ta".

Trong thông điệp bằng video được gửi đến cuộc họp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các quốc gia tham gia đàm phán chấm dứt mô hình sản xuất "toàn cầu hóa và không bền vững", theo đó các nước giàu xuất khẩu rác thải nhựa sang các nước nghèo hơn. Ông nhấn mạnh ô nhiễm nhựa là "một quả bom hẹn giờ và đồng thời cũng là một tai họa hiện nay", lưu ý các vật liệu dựa trên nhiên liệu hóa thạch có nguy cơ ảnh hưởng đến mục tiêu giảm thiểu sự ấm lên toàn cầu cũng như đối với đa dạng sinh học và sức khỏe con người. Theo ông, các cuộc đàm phán nên ưu tiên giảm sản xuất nhựa và sớm cấm các sản phẩm gây ô nhiễm nhất như nhựa sử dụng một lần.

Trước đó, hồi tháng 2 năm ngoái, các quốc gia đã nhất trí trên nguyên tắc về sự cần thiết phải xây dựng một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý của Liên hợp quốc để chấm dứt ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới, đặt ra thời hạn đầy tham vọng là năm 2024 đạt được thỏa thuận. Các hành động chính sách sẽ được tranh luận trong các cuộc đàm phán bao gồm lệnh cấm toàn cầu đối với các mặt hàng nhựa sử dụng một lần và giới hạn sản xuất sản phẩm nhựa mới.

Vòng đàm phán ở Paris, kéo dài đến ngày 2/6, là cuộc họp thứ hai trong số năm phiên đàm phán về vấn đề rác thải nhựa. Theo kế hoạch, một cuộc họp nữa sẽ được tổ chức trong năm nay và hai cuộc họp khác sẽ diễn ra vào năm 2024 trước khi hiệp ước được thông qua vào giữa năm 2025.

Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu, không chỉ làm gia tăng phát thải khí CO2 mà còn đe dọa tới đa dạng sinh học, đặc biệt là sự sinh tồn của các loài sinh vật biển. Nguy cơ ngày càng tăng cao do sản lượng nhựa hàng năm đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua lên 460 triệu tấn và đang trên đà tăng gấp ba trong vòng 40 năm. Ước tính khoảng 66% lượng nhựa sản xuất hàng năm bị thải ra môi trường sau khi được sử dụng một hoặc vài lần, trong khi chưa đến 10% được tái chế. Trong tự nhiên, hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong băng gần Bắc Cực và trong cơ thể những con cá sống ở những nơi sâu nhất của đại dương.

Ở người, các mảnh nhựa siêu nhỏ đã được phát hiện trong máu, sữa mẹ và nhau thai. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), quy trình sản xuất nhựa cũng khiến Trái Đất nóng lên khi chiếm 3,4% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2019.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) mới đây công bố báo cáo cho biết các quốc gia có thể giảm 80% ô nhiễm nhựa vào năm 2040 bằng cách sử dụng các công nghệ hiện có và thực hiện các thay đổi lớn về chính sách. Cơ quan của Liên hợp quốc có trụ sở tại Kenya (Kê-ni-a) này đã công bố phân tích về các lựa chọn chính sách để giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải nhựa hai tuần trước khi các nước tập trung tại Paris để tham gia vòng đàm phán thứ hai nhằm xây dựng một hiệp ước toàn cầu nhằm loại bỏ rác thải nhựa.

Báo cáo tập trung vào ba sự thay đổi chính của thị trường để tạo ra một nền kinh tế "tuần hoàn" giúp các mặt hàng sản xuất được lưu hành lâu nhất có thể: tái sử dụng, tái chế và định hướng lại bao bì từ nhựa sang các vật liệu thay thế.

Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành UNEP, cho biết nếu tuân theo lộ trình này, bao gồm cả trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận ô nhiễm nhựa, chúng ta có thể mang lại những thắng lợi lớn về kinh tế, xã hội và môi trường.

Các cuộc đàm phán hiệp ước, được gọi là INC2, diễn ra từ ngày 29/5 đến ngày 2/6 và dự kiến sẽ mang lại những thông tin quan trọng cho dự thảo hiệp ước đầu tiên, cần được thực hiện trước vòng đàm phán thứ ba tại Kenya vào tháng 11/2023.

UNEP ước tính rằng việc chính phủ khuyến khích các lựa chọn tái sử dụng như hệ thống chai có thể đổ đầy lại hoặc các chương trình hoàn trả tiền đặt cọc có thể giảm 30% rác thải nhựa vào năm 2040.

Các quốc gia có những cách tiếp cận khác nhau để giải quyết rác thải nhựa. Một số quốc gia sản xuất nhựa lớn như Mỹ và Saudi Arabia (A-rập Xê-út) ưa thích một hệ thống chiến lược quốc gia.

Một số nước đã thành lập "Liên minh tham vọng cao", bao gồm Na Uy, Rwanda (Ru-an-đa), New Zealand (Niu Di-lân), Liên minh châu Âu và các nước khác, đã kêu gọi cách tiếp cận từ trên xuống trong đó các mục tiêu toàn cầu được đặt ra để giảm sản xuất nhựa nguyên chất và loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, cùng các mục tiêu khác.

Một số nhà vận động môi trường ngày 16/5 đã lên tiếng "kêu ca" UNEP vì đã thúc đẩy việc đốt rác thải nhựa trong lò nung xi măng hoặc lò đốt rác để xử lý rác thải nhựa không thể tái chế. Một cuộc điều tra năm 2021 của hãng tin Reuters cho thấy một số thương hiệu tiêu dùng lớn nhất thế giới đã tài trợ cho các dự án đưa chất thải nhựa đến các lò nung xi măng.

UNEP cho biết trong thời gian ngắn từ nay đến năm 2040, "các giải pháp dưới mức tối ưu" sẽ cần được sử dụng để xử lý lượng chất thải đó mặc dù cần nghiên cứu thêm để cân nhắc tác động của việc gia tăng phát thải khí nhà kính hoặc chất độc trong không khí./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục