2 năm thực thi EVFTA: Bài 1 - Sức bật cho tăng trưởng

07:45' - 01/08/2022
BNEWS Mặc dù 2 năm qua dịch COVID-19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng chính cam kết của Hiệp định EVFTA đã góp phần bù đắp sự suy giảm và đẩy nhanh phục hồi kinh tế, nhất là xuất khẩu.

Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) trong khu vực ASEAN sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Đây là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU; trong đó, cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: Việt Nam coi trọng vai trò của EU - một trong những đối tác quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 song nhờ triển khai hiệu quả  Hiệp định EVFTA, 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 31,65 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 8,52% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, góp phần duy trì vị trí EU là đối tác kinh tế - phát triển hàng đầu của Việt Nam. Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 5 bài viết nhìn lại 2 năm thực thi hiệp định và những bước đi trong thời gian tới.

Bài 1: Sức bật cho tăng trưởng

Có thể khẳng định Hiệp định EVFTA đã tạo ra cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Mặc dù 2 năm qua dịch COVID-19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy nhưng chính cam kết của Hiệp định EVFTA đã góp phần bù đắp sự suy giảm và đẩy nhanh phục hồi kinh tế, nhất là xuất khẩu. Điều này giúp doanh nghiệp hoàn toàn có thể lạc quan vào một sức bật mạnh mẽ trong phát triển hợp tác thương mại đầu tư Việt Nam – EU trước bối cảnh bình thường mới.

*Chất xúc tác cho xuất khẩu

Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long, tỉnh Bình Dương cho biết, Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nhất là từ khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi.

Với 95% sản phẩm phục vụ xuất khẩu; trong đó thị trường chính là EU công ty luôn đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư đổi mới công nghệ nhằm bảo đảm chất lượng, giảm giá thành để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Vì vậy, đến thời điểm này đơn hàng của công ty đã được ký tới tháng 10/2022. Đây là tín hiệu rất tích cực và kỳ vọng doanh thu xuất khẩu sẽ tăng trưởng khoảng 5 - 7% so với năm 2021. Trong khi đó, năm 2021, công ty đạt mức tăng trưởng trên 26% so với năm trước đó.

Hiện tại, sản xuất của ngành gốm sứ nói chung đã và đang có bước phục hồi và tăng trưởng khá, nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng đó, hầu hết các doanh nghiệp đều có đơn hàng sản xuất sang châu Âu đến hết quý III, thậm chí sang cả quý IV/2022.

Đối với ngành lúa gạo cũng có nhiều tín hiệu khả quan. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho hay: Qua 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp đã có bước phát triển mới trong xuất khẩu.

Nếu như trước đây Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chỉ tập trung vào xuất khẩu gạo thì hiện tại đã mở rộng thêm thị trường và đa dạng sản phẩm với dòng bún, phở khô.

Điều đáng mừng là các sản phẩm của công ty đều được người tiêu dùng châu Âu đón nhận, tạo động lực để công ty liên tục đổi mới hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng xanh, sạch. Hơn nữa, do nhu cầu nhập khẩu lớn nên công ty đã mở rộng thêm quy mô sản xuất để đẩy mạnh xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, nhờ lợi thế từ Hiệp định EVFTA, quan hệ  thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Riêng 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 31,65 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 8,52% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 23,77 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 12,8% xuất khẩu cả nước.

Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 2,7 tỷ USD, tăng 24%; hàng dệt may đạt 12,7 tỷ USD, tăng 24%; hàng giày dép đạt 2,91 tỷ USD, tăng 19%; hàng thuỷ sản đạt 686 triệu USD, tăng 41,2%...

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu từ EU đạt 7,88 tỷ USD, giảm tới 4,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 4,3% nhập khẩu cả nước. Trong đó, các mặt hàng nhập khẩu chính từ EU là thức ăn gia súc và nguyên liệu, sản phẩm hóa chất, dược phẩm, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị và phụ tùng khác.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của EU trong quá trình triển khai thực thi Hiệp định EVFTA thời gian qua và những kết quả tích cực trong thúc đẩy trao đổi thương mại song phương, bất chấp bối cảnh kinh tế, giao thương đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, năm 2021 và nửa đầu năm 2022, kim ngạch hai chiều Việt Nam – EU đã chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng mạnh, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch.

Tuy nhiên, sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, nhiều doanh nghiệp đã chỉ ra những khó khăn xuất hiện như việc thuế giảm không bù nổi cho cước phí tàu biển tăng khiến giá thành sản phẩm vẫn chưa thể cạnh tranh.

Không chỉ chi phí cho logistics bị đội giá mà ngay cả phí nhân công cũng tăng cao dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay chưa thể thay đổi tổ chức sản xuất để đáp ứng yêu cầu từ thị trường EU.

Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng xanh được dự báo sẽ bùng nổ cũng là thách thức đặt ra với doanh nghiệp trong việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Bởi, thực tế cho thấy, việc đáp ứng "tiêu chuẩn xanh'' đã trở thành xu thế nên bất kỳ ngành hàng, doanh nghiệp nào cũng phải đáp ứng nếu không muốn nằm ngoài cuộc đua.

*Trái ngọt ở cuối con đường

Chia sẻ từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy, trên thị trường thế giới, nhất là thị trường EU, đa số doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn đã tiếp nhận những “tiêu chuẩn xanh” trong sản xuất.

Vì vậy, để đón đầu cơ hội, một số doanh nghiệp Việt đã đẩy mạnh chuyển hướng sang phát triển xanh. Không cạnh tranh bằng chi phí lao động giá rẻ mà bằng các tiêu chuẩn gắn với bảo vệ môi trường.

Công ty Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) sau một hành trình dài làm bạn với hàng nghìn hộ nông dân nhằm giúp họ thay đổi từ nhận thức đến phổ biến về tiêu chuẩn hữu cơ cho việc trồng quế, hồi, giờ đây công ty là nhà cung cấp nguyên liệu cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng thế giới.

Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Vinasamex, con đường sản xuất xanh gắn với bảo vệ môi trường dù khó khăn nhưng nếu kiên trì thành quả thu về của doanh nghiệp là không nhỏ. Đây cũng là xu hướng mà nếu doanh nghiệp nào đi trước, đón đầu sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội.

Công bố mới đây của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho thấy: Có tới hơn 73% doanh nghiệp Đức tin rằng việc thực thi Hiệp định EVFTA làm tăng khả năng cạnh tranh của họ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, phía doanh nghiệp Đức mong muốn Việt Nam cần đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thành thạo kỹ năng vận hành sản xuất. Điều này sẽ giúp Việt Nam thu hút tốt hơn đầu tư từ Đức và các quốc gia khác.

Để tận dụng lợi ích từ Hiệp định EVFTA, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng doanh nghiệp phải có sự tiếp cận và hiểu rõ được lợi ích từ hiệp định này. Đơn cử, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nào phải tìm hiểu rõ yêu cầu kỹ thuật của thị trường nhập khẩu, sản phẩm có kiểm tra về an toàn thực phẩm và kiểm định chất lượng hay không để sẵn sàng đáp ứng.

Ông Trần Thanh Hải cũng lưu ý, hiện nay một số thị trường đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu. Do vậy, doanh nghiệp phải lường trước các tình huống bởi nếu xuất khẩu sang thị trường tăng trưởng quá nóng sẽ đứng trước nguy cơ áp dụng phòng vệ thương mại.

Trong trường hợp đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các chứng từ, hồ sơ để chứng minh không phải là sản phẩm được trợ cấp, bán phá giá và sẽ được hưởng những ưu đãi mà hiệp định đem lại.

Nhằm tận dụng các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục đổi mới phương thức theo hướng tăng cường hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Cục tiếp tục đa dạng hóa hoạt động để phù hợp với các nhóm đối tượng doanh nghiệp khác nhau; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai theo chuỗi giá trị từ  sản phẩm, xúc tiến đầu tư, xây dựng thương hiệu tới phát triển thị trường xuất khẩu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Với nền tảng hợp tác hiện có, cùng lợi thế lớn từ Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tạo thuận lợi cho hàng hóa tiếp cận thị trường của nhau nhằm hạn chế tối đa các rào cản kỹ thuật, hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng đa dạng bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị phía EU tiếp tục ủng hộ cũng như dành những ưu tiên hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, chuyển giao công nghệ để triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác về nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống chính sách và mô hình sản xuất.

Điều này nhằm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của EU cũng như tạo điều kiện cho quá trình sản xuất, kiểm tra, kiểm định và trao đổi thương mại giữa hai bên diễn ra thuận lợi.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng khuyến khích các dự án đầu tư của EU trong các lĩnh vực triển vọng như chế biến nông sản thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao hướng đến kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ cùng hệ thống Thương vụ Việt Nam tại EU khai thác tối đa ưu thế từ Hiệp định EVFTA, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư và hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Đặc biệt, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực, đổi mới phương thức sản xuất theo hướng bền vững nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA trong năm nay và những năm tiếp theo./.

>>>2 năm thực thi EVFTA - Bài 2: Mở rộng dư địa hợp tác Việt Nam - EU

>>>2 năm thực thi EVFTA - Bài 3: Áp lực vượt khó để tuân thủ " luật chơi"!

>>>2 năm thực thi EVFTA - Bài 4: Đưa nông sản Việt hướng đến trách nhiệm, minh bạch

>>>2 năm thực thi EVFTA - Bài cuối: Yếu tố then chốt để tận dụng cơ hội

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục