2024 là năm của đầu tư trái phiếu

06:30' - 23/03/2024
BNEWS Sau hai năm liên tiếp chìm trong sắc đỏ, thị trường trái phiếu toàn cầu đã bắt đầu khởi sắc trở lại nhờ kỳ vọng về việc các ngân hàng trung ương lớn chuẩn bị cắt giảm lãi suất.

Đánh giá về triển vọng của thị trường trái phiếu, nhật báo Les Echos của Pháp dẫn nhận định của chuyên gia Peter Bentley, Phó Giám đốc Đầu tư tại Insight Investment, cho rằng dù có những vấn đề địa chính trị, dẫn đến những biến động của thị trường, mức lãi suất cao hiện tại là một cơ hội thực sự để đầu tư vào thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ cần phải thận trọng đối với những đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo.

Sau hai năm liên tiếp chìm trong sắc đỏ, thị trường trái phiếu toàn cầu đã bắt đầu khởi sắc trở lại. Các triển vọng về việc giảm lãi suất từ các ngân hàng trung ương đã làm tăng giá trị của các chứng khoán nợ chính phủ và các doanh nghiệp. Thị trường có thể đang quá lạc quan và đặt quá nhiều niềm tin vào một kịch bản tích cực, có thể dẫn đến những rủi ro không mong muốn nếu tình hình không phát triển theo dự đoán.

 

Dấu hiệu hồi phục đã lan tỏa trên thị trường trái phiếu vào năm 2023, sau một năm 2022 được ghi nhận là tồi tệ nhất trong thế kỷ. Chỉ số Bloomberg Global Aggregate, một chỉ số phản ánh hiệu suất của tất cả các loại trái phiếu trên toàn cầu, dự kiến sẽ tăng với mức hơn 5%.

Theo chuyên gia Peter Bentley, mặc dù thị trường tài chính vẫn đang trong tình trạng biến động do căng thẳng địa chính trị còn cao, năm 2024 có thể mang lại những cơ hội sinh lời đáng kể cho các nhà đầu tư trái phiếu. Với việc lãi suất tăng lên mức chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, một số nhà đầu tư thực sự thấy có sự cải thiện rõ rệt trên nhiều phân khúc của thị trường trái phiếu.

Cụ thể là thị trường đầu tư trái phiếu có xếp hạng cao, nghĩa là các trái phiếu được các cơ quan xếp hạng đánh giá là đáng tin cậy cho các nhà đầu tư vì có mục tiêu ổn định và an toàn, thường ít hấp dẫn từ quan điểm tài chính thuần túy, tuy nhiên lại đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nhờ mức nợ của các doanh nghiệp rõ ràng thấp hơn so với đỉnh điểm đạt được trong đại dịch COVID-19.

Trái phiếu có lãi suất cao, nói cách khác là trái phiếu được xếp hạng thấp hơn và do đó rủi ro cao hơn, dự kiến sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong tương lai gần. Đó là các loại như trái phiếu được phát hành bởi các công ty có trụ sở hoặc hoạt động chính trong các quốc gia đang phát triển nhanh (được gọi là các thị trường mới nổi) hay trái phiếu ‘‘thiên thần gãy cánh’’, những trái phiếu doanh nghiệp từng được đánh giá rất cao và hiện đã bị mất xếp hạng. Có thể hầu như chắc chắn rằng một số trong nhóm tài sản này sẽ mang lại lãi suất cao hơn so với thị trường chứng khoán trong năm nay.

Hàng loạt bất ổn

Các xu hướng này diễn ra trong bối cảnh ngân hàng trung ương đẩy lãi suất tăng cao nhằm kiềm chế lạm phát. Do đó, các nhà đầu tư cũng cần phải cẩn trọng và đề phòng đối với các quyết định sắp tới của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên quan đến việc điều chỉnh lãi suất, vốn có thể gây ra biến động trong thị trường trái phiếu. Rất có khả năng lãi suất đã đạt đỉnh và chúng có thể sẽ được duy trì ổn định trong thời gian tới. Nhưng câu hỏi cũng được đặt ra là khi nào các ngân hàng trung ương sẽ thực hiện chính sách giảm lãi suất, mức độ của sự điều chỉnh đó là như thế nào?

Một sự không chắc chắn khác liên quan đến nhiều cuộc bầu cử trên thế giới trong năm nay sẽ diễn ra trong bối cảnh địa chính trị vẫn còn rất căng thẳng. Môi trường chính trị thay đổi có thể tạo ra biến động lớn trên thị trường tài chính, nhưng cũng có thể mang lại cơ hội mới cho các nhà đầu tư, miễn là phải có một phương pháp quản lý đầu tư hoạt động tích cực, linh hoạt hơn, thường xuyên điều chỉnh danh mục đầu tư để tận dụng các cơ hội và giảm thiểu rủi ro trong một môi trường thị trường biến động lớn.

Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nhà quản lý thể hiện giá trị thực sự của họ và khả năng tránh những rủi ro để tạo ra hiệu suất cao. Cách tiếp cận toàn diện đối với thị trường trái phiếu cũng sẽ giúp họ tận dụng được nhiều cơ hội hơn và đa dạng hóa rủi ro trong trường hợp thị trường đảo chiều.

Cơ hội mới

Thêm một yếu tố đáng chú ý nữa, đó là sự khác biệt giữa thị trường tín dụng châu Âu và thị trường tín dụng Mỹ. Trên thực tế, có một khoảng cách đáng kể giữa chênh lệch lãi suất bằng đồng euro, tức là sự khác biệt giữa lãi suất trái phiếu và lãi suất ngân hàng trung ương, và chênh lệch lãi suất bằng đồng USD. Đây là một tình huống mà các nhà quản lý tích cực có thể khai thác để tìm kiếm cơ hội mới. Chênh lệch lãi suất ở châu Âu có vẻ rẻ hơn so với các loại tương tự ở Mỹ, ngay cả khi tính đến một số vấn đề nhất định trên thị trường bất động sản của “Lục địa già”.

Cuối cùng, không nên bỏ qua khoản nợ của các quốc gia hoặc khu vực mới nổi trong nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù sự thận trọng luôn là cần thiết, song mức độ rủi ro liên quan đến nợ của các doanh nghiệp trong các quốc gia này thường thấp hơn so với những gì nhiều người tưởng tượng.

Các yếu tố cơ bản của các quốc gia hay khu vực mới nổi có thể cung cấp một lớp đệm đáng tin cậy trong trường hợp tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm chậm lại, có lẽ đáng ngạc nhiên là hiệu ứng đòn bẩy nợ ở các quốc gia mới nổi thường thấp hơn so với nhiều thị trường phát triển. Nhìn chung, đây là một lớp tài sản có quy mô đáng kể, có thể bao gồm nhiều loại tài sản khác nhau, có thể mang lại cơ hội sinh lời thực sự trong bối cảnh hiện tại.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục