3 nhóm giải pháp chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Đà Nẵng

11:29' - 10/10/2023
BNEWS Các cấp chính quyền cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các quy trình và công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường; thúc đẩy phát triển công nghệ, nhất là công nghệ thân thiện với môi trường..

Ngày 10/10, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Chuyển đổi xanh - xu hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phổ biến, tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời kết hợp xu thể chuyển đổi nền kinh tế xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net zero) đến năm 2050.

 

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Thúy Mai, Hội thảo là không gian để cộng đồng các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng nhau kết nối, thảo luận và chia sẻ quan điểm về những thách thức và cơ hội khi tham gia tiến trình Net Zero, hành trình kinh tế xanh trong xu thế vượt suy thoái và phát triển ổn định.

Các đại biểu tham gia cùng bàn về bức tranh phát thải toàn cầu chuỗi cung ứng, tầm quan trọng và tính cấp thiết phải chuyển đổi xanh ngành công nghiệp, hướng đến kinh tế tuần hoàn. Cùng đó, doanh nghiệp có thêm thông tin về thực trạng hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trước các yêu cầu xanh hóa sản xuất của thị trường hiện nay; tổng quan chuyển đổi xanh, quy định pháp luật của Việt Nam về Net-Zero và lộ trình thực hiện.

Đặc biệt, cơ hội để các doanh nghiệp cùng trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong việc nắm bắt xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam, từ đó đưa ra lộ trình chuyển đổi xanh phù hợp với doanh nghiệp hiện nay.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp đã được nghe các chuyên gia, nhà quản lý trình bày các tham luận quan trọng như bức tranh phát thải toàn cầu chuỗi cung ứng; tầm quan trọng và tính cấp thiết phải chuyển đổi xanh ngành công nghiệp, hướng đến kinh tế tuần hoàn; quy định pháp luật của Việt Nam về Net-Zero và lộ trình thực hiện; chia sẻ thực trạng hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trước các yêu cầu xanh hóa sản xuất của thị trường hiện nay; kiểm kê khí nhà kính và những khuyến nghị cho doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam…

Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và chuyển đổi xanh, hướng đến phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngành công thương đang hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp triển khai 3 nhóm giải pháp.

Cụ thể, áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính. Cùng đó, khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch - được xem là có mức phát thải khí nhà kính bằng 0 như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối, hydrogen...

Cuối cùng là áp dụng tổng thể các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, nguyên nhiên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường và tận dụng tối đa các cơ hội áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... hướng đến mô hình sản xuất bền vững của doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Hải, Công ty cổ phần Tập đoàn Sohaco Toàn cầu cho rằng, các quy định về kiểm kê khí nhà kính hiện nay sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Việc được chứng nhận kiểm kê khí nhà kính là điều kiện cần thiết để đăng ký nhãn sinh thái, giúp cải thiện uy tín của doanh nghiệp, nâng cao lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng Trần Văn Vũ, ước tính 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều của Đà Nẵng đạt 2.253 triệu USD, giảm 16,0% so với cùng kỳ năm 2022. Nhìn chung, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng, sản xuất cầm chừng theo các đơn hàng truyền thống; một số doanh nghiệp cố gắng tìm kiếm các đơn hàng mới với khối lượng nhỏ, có tính chất tạm thời.

Thời gian tới, các cấp chính quyền cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các quy trình và công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường; thúc đẩy phát triển công nghệ, nhất là công nghệ thân thiện với môi trường; khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất thân thiện với môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp có được chứng chỉ môi trường đối với hàng hóa xuất khẩu…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục