3 vấn đề lớn của TP. Hồ Chí Minh năm 2022

13:48' - 08/01/2022
BNEWS Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, năm 2022, TP. Hồ Chí Minh vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức, bên cạnh những hệ quả về kinh tế - xã hội, đại dịch đã bộc lộ ra 3 vấn đề lớn cần đặc biệt quan tâm.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 do UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 8/1 đánh giá các kết quả đã được trong năm 2021, đặc biệt thảo luận, đưa ra các nhóm giải pháp trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

* Tháo gỡ các điểm nghẽn 

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, bước vào năm 2022 thành phố vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, bên cạnh những hệ quả về kinh tế - xã hội, đại dịch COVID-19 đã bộc lộ ra 3 vấn đề lớn cần đặc biệt quan tâm.

Cụ thể là vấn đề quản trị thành phố trong tình hình mới, nhất là sự bất cập về cơ cấu kinh tế - cơ cấu lao động - phân bố dân cư - nhà ở - việc làm - hệ thống đảm bảo an sinh - xã hội và môi trường sống….. Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành đồng bộ quản trị thành phố. Nhu cầu đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng thành phố trong tương lai.

“Đây là những vấn đề lớn, đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp mang tính đột phá với tầm nhìn dài hạn và triển khai linh hoạt, phù hợp cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Trung ương mới có thể từng bước khắc phục được”, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhìn nhận.

Trong bối cảnh đó, thành phố đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với 19 chỉ tiêu; trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) đạt từ 6 - 6,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%.

Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 0,75%/GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm...

Để vực dậy nền kinh tế từ tăng trưởng âm 6,78% năm 2021 có thể đạt được mức tăng trưởng năm 2022 từ 6 - 6,5% và tạo đà tăng trưởng bình thường như trước đại dịch là thách thức bao trùm đối với kinh tế thành phố. Song, việc đặt chỉ tiêu GRDP tăng trưởng từ 6 - 6,5% thể hiện quyết tâm cao của thành phố, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2022 trên cơ sở những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị. Cùng với những giải pháp đã triển khai trong năm 2021 sẽ phát huy tác dụng trong năm 2022 và cả giai đoạn 2022 – 2025.

“Điều kiện tiên quyết để đạt được các mục tiêu của năm 2022 là nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện và nâng cao hiệu lực - hiệu quả của chính quyền cơ sở; cải thiện mạnh môi trường đầu tư; điều hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nhất là ở các lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, xây dựng, quy hoạch, kế hoạch đầu tư, thuế, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cấp chính quyền”, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

* Đẩy nhanh phục hồi kinh tế

Chuyển qua trạng thái “bình thường mới”, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thành phố giai đoạn 2022 – 2025 với nhiều nội dung quan trọng.

Cụ thể, giai đoạn 1 phục hồi từ nay đến hết năm 2022, thành phố sẽ khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

Giai đoạn 2 phát triển, từ năm 2023 đến năm 2025, thành phố tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh về kinh tế, tài chính,  thương mại - mua sắm, dịch vụ logistics, du lịch, đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục...

Để thực hiện mục tiêu đó, thành phố xác định nhiều nhóm mục tiêu, giải pháp. Cụ thể trong giai đoạn phục hồi, thành phố sẽ tiếp tục củng cố hệ thống y tế, tập trung cho phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; từng bước khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp.

Bên cạnh đó, phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch chung Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; tổ chức chính quyền đô thị đồng bộ với đề án xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số tại thành phố và thực hiện đề án “Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh thành thành phố thông minh giai đoạn 2022 - 2025”.

Trong giai đoạn 2023 – 2025, thành phố đa dạng các hình thức trong hợp tác công tư; trong đó có quyền cho thuê đất, cho thuê tài sản gắn với 2 đề án quan trọng là đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn và đề án chuyển một số huyện thành quận giai đoạn 2021 - 2030. Cùng với đó, hoàn thành đường Vành đai 2 khép kín, khởi công hệ thống đường Vành đai 3 và 4, tuyến Metro số 1, số 2; cầu Cát Lái, cầu Thủ Thiêm, tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh)…

Để có nguồn lực tài chính, Tp. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết cho thành phố giai đoạn 2023 - 2026 trên cơ sở giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 21% hoặc tăng lên từ 23- 25%, huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội thông qua các hình thức xã hội hóa, hợp tác công tư… và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế thành phố.

UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cập nhật danh mục ưu tiên thuộc chương trình kích cầu đầu tư, tính toán nhu cầu về vốn để vận hành chương trình, có sự phối hợp với chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng. Cùng đó, cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư trong nước và đầu tư có vốn nước ngoài so với quy định tại Luật Đầu tư năm 2020.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả Tổ công tác đầu tư trong việc phối hợp các sở, ban, ngành giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có sử dụng đất trên địa bàn; đề xuất các giải pháp thực hiện đa dạng các hình thức trong hợp tác công tư; trong đó, có quyền cho thuê đất, cho thuê tài sản; đầu tư hạ tầng thành phố.

Về vấn đề đầu tư công, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công của thành phố giai đoạn 2021 – 2025 là 142.557 tỷ đồng. Đối với mức vốn này, thành phố dự kiến sẽ chỉ đáp ứng, cân đối được khoảng 21,2% tổng nhu cầu vốn ngân sách địa phương của thành phố trong giai đoạn 2021 – 2025 (672.862,119 tỷ đồng).

Vì thế, thành phố xác định sẽ lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược kết hợp với việc rà soát lại toàn bộ nguồn lực tiềm năng trong huy động nguồn vốn cho đầu tư công.

Thành phố sẽ tăng cường khả năng cân đối vốn đầu tư ngân sách thành phố; huy động các nguồn lực đầu tư từ quỹ đất công và tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo đột phá trong xã hội hóa đầu tư và thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất; kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư công nhằm góp phần đưa hoạt động đầu tư công thực hiện có hiệu quả, đảm bảo đúng quy định.

Về vấn đề thu ngân sách, theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính Tp. Hồ Chí Minh, năm 2022 chỉ tiêu thu ngân sách của Tp. Hồ Chí Minh là 386.568 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, ngành tài chính đề ra 3 nhóm giải pháp lớn. Theo đó, cơ quan thuế, hải quan sẽ tăng cường biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, chống xói mòn nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời; theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá cụ thể cho từng địa bàn, từng sắc thuế, báo cáo thu hàng tháng, quý; tăng cường các biện pháp quản lý rủi ro đối với các nghiệp vụ quản lý thuế, đấu tranh chống nợ thuế, trốn thuế, gian lận thương mại.

Trong khi đó, theo đại diện Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh, ngành hải quan cũng sẽ tập trung nhóm nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại như: thường xuyên rà soát, đánh giá các quy trình, quy định, văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định mơ hồ, thiếu hoặc không rõ nội hàm gây lúng túng trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, tiếp tục rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí giao dịch qua biên giới; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để đẩy nhanh tiến độ thiết kế kiến trúc hải quan số, xây dựng hoàn thiện các bài toán nghiệp vụ, đưa vào vận hành thử nghiệm và chính thức hệ thống hải quan thông minh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục