30 năm thu hút FDI - Bài 1: Câu chuyện mở rộng sản xuất ở một doanh nghiệp

16:06' - 25/09/2018
BNEWS Nhiều doanh nghiệp FDI ban đầu đến Đồng Nai chỉ đầu tư một số vốn ít, nhưng sau đó liên tục tăng vốn, sản xuất, kinh doanh lâu dài.

Đầu năm 1988, Luật Đầu tư nước ngoài chính thức có hiệu lực, từ đây, nhà đầu tư thuộc nhiều quốc gia và vũng lãnh thổ đã tìm đến Đồng Nai. Sau 30 năm, Đồng Nai trở thành một trong 3 địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Nhiều doanh nghiệp FDI ban đầu đến Đồng Nai chỉ đầu tư một số vốn ít, nhưng sau đó liên tục tăng vốn, sản xuất, kinh doanh lâu dài. Nguyên nhân không phải vì địa phương có chính ưu đãi sách riêng, "xé rào" mà vì nhà đầu tư nhận thấy ở đây có môi trường đầu tư tốt; ngành chức năng giải quyết các vấn đề theo luật định, phù hợp thông lệ quốc tế.

Bài 1: Câu chuyện mở rộng sản xuất ở một doanh nghiệp

Năm 2006, ông Jame Hiếu, một Việt kiều Australia cùng vài người bạn nước ngoài đầu tư 5 triệu USD xây dựng Công ty TNHH Koyu & Unitek (chuyên chế biến gà), tại Khu công nghiệp Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Những năm đầu hoạt động, Công ty TNHH Koyu & Unitek chỉ có 200 công nhân, vài dây chuyền máy, sản phẩm làm ra tiêu thụ ở thị trường Việt Nam; doanh thu mỗi tháng gần 40 tỷ đồng.

Công nhân Công ty Koyu & Unitek làm sạch gà trước khi chế biến. Ảnh: Công Phong/TTXVN

Hơn 10 năm sau, vốn đăng ký của công ty đạt gần 15 triệu USD với 4 dây chuyền sản xuất; sử dụng hơn 600 lao động, doanh thu mỗi tháng hơn 120 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty TNHH Koyu & Unitek trở thành doanh nghiệp đầu tiên (và duy nhất đến thời điểm này) đưa gà Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản. Hiện Công ty TNHH Koyu & Unitek đang có ý định tiếp tục tăng vốn, xây dựng thêm nhà máy.

Ông Jame Hiếu chia sẻ: “Trong lĩnh vực chăn nuôi, Thái Lan đi trước Việt Nam hàng chục năm, họ có hệ thống hạ tầng tốt. Tuy nhiên, tôi vẫn chọn Việt Nam để đầu tư, tôi thấy Việt Nam có những chính sách phù hợp, nhiều cơ hội phát triển. Trong lĩnh vực chế biến gia cầm, Đồng Nai có thế mạnh lớn về nguồn cung. Tương lai, việc chăn nuôi sẽ được quy hoạch bài bản, đảm bảo tiêu chuẩn sạch, an toàn, gia cầm Việt Nam sẽ xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới”.

Theo ông Jame Hiếu, lao động Việt Nam thông minh, nắm bắt nhanh cái mới, việc chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vì thế rất thuận lợi. Trước đây, tất cả dây chuyền máy tại Công ty TNHH Koyu & Unitek đều do người nước ngoài vận hành, đến nay, cả 4 dây chuyền máy đều do người Việt đảm nhận. Khi người Việt đảm đương được công việc đòi hỏi kỹ thuật cao, công ty không phải thuê lao động nước ngoài, giảm được nhiều chi phí.

Trong thời gian sản xuất, kinh doanh ở Đồng Nai, lãnh đạo Công ty TNHH Koyu & Unitek nhận thấy cơ quan chức năng giải quyết rất nhanh các thủ tục hành chính, không gây phiền hà, đẩy cái khó cho doanh nghiệp. Mỗi lần doanh nghiệp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, xin giấy phép xây dựng đều được tạo thuận lợi, giải quyết hồ sơ trước hạn.

Để xuất khẩu gà sang Nhật, Công ty TNHH Koyu & Unitek phải liên kết với nông dân, chăn nuôi trong vùng không có dịch bệnh. Nhờ chính quyền vào cuộc quyết liệt, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại huyện Tân Phú nên Công ty TNHH Koyu & Unitek mới có nguồn cung gà đảm bảo tiêu chuẩn sạch, được đối tác Nhật Bản chứng nhận.

Ông Jame Hiếu nhìn nhận: “Hạn chế lớn nhất trong hệ thống hạ tầng của Đồng Nai là giao thông, đường nhỏ hẹp. Nếu tỉnh đầu tư mở rộng đường cũ, xây dựng thêm đường mới nhằm kết nối các khu công nghiệp với những tuyến quốc lộ, cao tốc thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến tỉnh nhiều hơn”.

Dây chuyền giết mổ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Koyu & Unitek. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Đến nay, Công ty TNHH Terumo BCT Việt Nam (Công ty Terumo, vốn đầu tư Nhật Bản, chuyên sản xuất thiết bị y tế) đã hoạt động tại Khu công nghiệp Long Đức (tỉnh Đồng Nai) được 6 năm. Khi mới vào Đồng Nai, Công ty Terumo đăng ký số vốn gần 99 triệu USD, đến nay, doanh nghiệp đã 3 lần tăng vốn, lên gần 175 triệu USD. Dự kiến, 5 năm tới, công ty sẽ đầu tư thêm 50 triệu USD nữa để mở rộng sản xuất. Lao động hiện tại của công ty là 1.500 người, đến giữa năm 2019 dự kiến tăng lên 2.500 người.

Ông Florian Deichmann, Tổng giám đốc Công ty Terumo cho biết: "Chúng tôi quyết định mở nhà máy ở Đồng Nai vì ở đây có môi trường đầu tư thuận lợi, hệ thống pháp luật đầy đủ, phù hợp thông lệ quốc tế. Việc cung cấp điện và những tiện ích khác cũng rất tốt. Từ khi có cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, việc di chuyển từ Tp. Hồ Chí Minh đến Khu công nghiệp Long Đức chỉ mất gần 1 giờ. Điều này giúp những người lao động kỹ thuật cao (đang sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh) của Công ty Terumo tiết kiệm thời gian đi lại, việc vận chuyển hàng hóa cũng nhanh chóng hơn.

Theo ông Mai Văn Nhơn, Phó Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, từ khi mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài đến nay, 95% doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh sản xuất, kinh doanh hiệu quả góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Riêng năm 2017, doanh nghiệp FDI đóng góp gần 11 tỷ USD (chiếm 63%) giá trị xuất khẩu và trên 30% (nộp thuế và các khoản khác) thu ngân sách hàng năm của tỉnh. Thống kê cho thấy, khoảng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 100 doanh nghiệp FDI điều chỉnh tăng vốn, mở thêm nhà xưởng. Đáng lưu ý, tính đến đầu tháng 9, Đồng Nai đã thu hút gần 140 dự án FDI với số vốn khoảng 1,2 tỷ USD; trong đó có 65 dự án tăng vốn, với vốn tăng thêm là 600 triệu USD.

Trong số này, có những dự án tăng vốn lớn như: Nhà máy Bosch Gasoline Systems – HCP (Khu công nghiệp Long Thành) vốn tăng thêm trên 71 triệu USD. Công ty Cao su Kenda Việt Nam (Khu công nghiệp Giang Điền) vốn đăng ký tăng thêm 56 triệu USD. Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5) đăng ký tăng vốn thêm 36 triệu USD, nâng số vốn của của doanh nghiệp này tại Đồng Nai lên hơn 1,5 tỷ USD./.

Bài 2: Sàng lọc để "nâng chất" dự án đầu tư

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục