5 năm liền EVNNPT được Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm BB+

13:19' - 29/04/2025
BNEWS Theo Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), trong 5 năm liên tiếp (2020-2025), EVNNPT được tổ chức Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm BB+.

Ông Phạm Lê Phú – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết: Trong 5 năm liên tiếp (2020-2025), EVNNPT được tổ chức Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm BB+. Đây là một trong ba tổ chức xếp hạng thống kê được công nhận trên toàn quốc ( NRSRO ) do Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ chỉ định và được coi là một trong " Ba công ty xếp hạng tín dụng lớn ", cùng với Moody's và Standard & Poor's . Việc xếp hạng này ngang bằng tín nhiệm quốc gia và công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). EVNNPT cũng đủ tiêu chuẩn xếp doanh nghiệp loại A, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa các kênh huy động vốn trên thị trường trong nước, quốc tế. Hiện trong giai đoạn này, EVNNPT đã tăng vốn điều lệ từ 25.013 tỷ đồng lên 29.826 tỷ đồng. 

Theo Phó Bí thư Đảng ủy Phạm Lê Phú, Đảng ủy EVNNPT lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp, đồng bộ, hoạt động hiệu quả theo chủ trương, quy định của Trung ương, cấp trên và tình hình thực tiễn của EVNNPT. Thực hiện bố trí, sắp xếp lại lao động bảo đảm theo đúng định biên gắn với tái cơ cấu tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, đội ngũ CBCNV; cải cách thu nhập, tiền lương phù hợp với năng suất lao động. 

 

Cụ thể, EVNNPT đã nghiên cứu, đề xuất và rà soát, sắp xếp bộ máy tham mưu giúp việc Cơ quan EVNNPT; thành lập Ban quản lý dự án Truyền tải điện (NPTPMB) nhằm đẩy mạnh đầu tư xây dựng, giảm áp lực cho các Ban QLDA hiện tại. Riêng năm 2024, thực hiện tái cơ cấu Công ty dịch vụ kỹ thuật truyền tải điện (NPTS), chuyển các bộ phận làm sửa chữa, thí nghiệm về các Công ty truyền tải để đáp ứng yêu cầu sản xuất trong giai đoạn mới. Đồng thời tích cực triển khai các Đề án nâng cao năng lực các đơn vị trực thuộc, Đề án phát triển nguồn nhân lực, Đề án cải cách hành chính, Đề án tối ưu hóa chi phí, Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh... góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí. 

Quán triệt, thực hiện tinh thần chỉ đạo về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Đảng ủy EVNNPT đã chỉ đạo xây dựng Đề án tinh gọn tổ chức, bộ máy hoạt động của EVNNPT và các đơn vị trực thuộc theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động trong giai đoạn mới.

Đáng chú ý, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động đã được EVNNPT coi là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên trong suốt nhiệm kỳ qua. Tiêu biểu như: Số hóa trên 90% quy trình nghiệp vụ; 100% vật tư thiết bị chính mua sắm cho dự án được quản lý trong cơ sở dữ liệu giá toàn EVN, ứng dụng QR code cho công tác quản lý vật tư thiết bị; áp dụng phần mềm IMIS 2.0 cho tất cả các dự án từ khâu lập kế hoạch đến kết thúc đầu tư; 100% các thông tin hồ sơ, lý lịch thiết bị được cập nhật lên PMIS; nhân rộng ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) cho các dự án trạm biến áp (TBA) Duy Xuyên, TBA 220 kV Krông Ana và đấu nối… 

Ngoài ra các đơn vị trong Tổng công ty còn tập trung ứng dụng AI phân tích hình ảnh trong quản lý đường dây; thiết bị thông minh trong quản lý TBA và các công tác thí nghiệm, an toàn, sửa chữa lớn. Làm chủ các hệ thống điều khiển tích hợp SICAM PAS của SIEMENS, Zenon của COPADATA, SurvalentOne của Survalent, MicroSCADA của ABB và nghiên cứu làm chủ các hệ thống DS Agile của GE, PACiS của ALSTOM và PCS9700 của Nari. Triển khai thành công các Trạm GIS 220 kV Hải Châu, TBA số 220 kV Thủy Nguyên; tích cực ứng dụng công nghệ bản đồ thông tin địa lý (GIS) trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải. 

Theo đánh giá của lãnh đạo EVNNPT, việc đẩy mạnh công tác ứng dụng KHCN, chuyển đổi số gắn với thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bước đầu hình thành nền tảng chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền tải điện. Trong nhiệm kỳ qua, dù khối lượng quản lý vận hành tăng cao như đường dây tăng 22,5%, TBA tăng 27,2%, lao động thực tế giảm nhưng nhờ bố trí sắp xếp lao động khoa học, hợp lý nên các chỉ tiêu quản lý kỹ thuật vẫn cơ bản bảo đảm theo kế hoạch giao và năng suất lao động ngày càng tăng. Đến nay, năng suất lao động của EVNNPT đạt 42,77 triệu kWh/người, vượt 14,7% so với chỉ tiêu Nghị quyết đại hội đề ra.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục