5 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng gần 17%

16:23' - 30/05/2022
BNEWS Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt khoảng 41,3 tỷ USD, tăng 8,6% so cùng kỳ năm 2021; riêng xuất khẩu đạt khoảng 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt khoảng 41,3 tỷ USD, tăng 8,6% so cùng kỳ năm 2021; trong đó xuất khẩu đạt khoảng 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%; nhập khẩu ước khoảng 18,1 tỷ USD, giảm 0,3%. Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt gần 5,1 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 5, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục đà tăng trưởng tốt. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 5,1 tỷ USD, tăng 18,1% so với tháng 5/2021, tăng 3,8% so với tháng 4/2022. Riêng giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 2 tỷ USD, lâm sản chính ước gần 1,7 tỷ USD, thủy sản đạt trên 1,1 tỷ USD và chăn nuôi đạt 32,4 triệu USD.

Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 10,4%; lâm sản chính đạt gần 7,7 tỷ USD, tăng 7,6%; thủy sản ước đạt gần 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%; chăn nuôi ước đạt 138,9 triệu USD, giảm 16,2%; các sản phẩm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 59,3%.

Đã có 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD là: cà phê, cao su, gạo, điều, nhóm rau quả, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và nhóm đầu vào phục vụ sản xuất.

Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: cà phê đạt gần 2 tỷ USD, tăng 54%; cao su đạt trên 1 tỷ USD, tăng 12%; hồ tiêu khoảng 476 triệu USD, tăng 25,7%; sắn và sản phẩm sắn đạt 636 triệu USD, tăng 20,3%; cá tra đạt khoảng 1,2 triệu USD, tăng 91,2%; tôm đạt trên 1,9 tỷ USD, tăng 42,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,2 tỷ USD; tăng 6,9%; mây, tre, cói thảm tăng 19,1%.

Tuy nhiên, cũng có những mặt hàng có giá trị  xuất khẩu giảm như: chè đạt giảm 6,5%; nhóm hàng rau quả đạt khoảng 1,5 tỷ USD, giảm 13,6%; hạt điều ước đạt trên 1,2 tỷ USD, giảm 2,9%. Dù giá trị xuất khẩu nhóm gỗ và sản phẩm gỗ tăng 6,9% nhưng giá trị xuất khẩu của sản phẩm gỗ lại giảm 4,6%.

Về thị trường xuất khẩu, ước giá trị  xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm tới các thị trường thuộc khu vực châu Á, chiếm 41,6% thị phần; châu Mỹ 30,4%; châu Âu 12%; châu Đại Dương 1,7% và châu Phi là 1,5%.

Thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ đạt gần 6,5 tỷ USD, chiếm 28% thị phần; trong đó kim ngạch  xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 67,5% tỷ trọng kim ngạch  xuất khẩu nông, lâm, thủy sản  của Việt Nam tại thị trường này. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với trên 4,1 tỷ USD, chiếm 17,8% thị phần; riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm 20,8%.

Tiếp đến là thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lần lượt là 7% và 4,8%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường. Các đơn vị đã tập trung đàm phán, thúc đẩy xuất khẩu chanh leo và bưởi sang Australia; chôm chôm, vú sữa, na, bưởi, sắn lát, đường, sữa sang Thái Lan; chanh, bưởi sang New Zealand, yến sào, sản phẩm lông vũ, bột cá sang Trung Quốc.

Bộ cũng đã ký Công hàm gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc để kiểm tra và đưa vào danh sách được phép xuất khẩu vào Trung Quốc; tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy định Lệnh 248, Lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Tháo gỡ vướng mắc cho 21 doanh nghiệp liên quan đến hai lệnh trên; xuất nhập khẩu sắn; xuất nhập khẩu rau quả (ớt và thanh long); xuất khẩu điều. Hiện đã có 2.100 mã sản phẩm được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp cho Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc; thống nhất phương án giám sát xử lý vải xuất khẩu của niên vụ 2022 trong điều kiện dịch COVID-19. Đồng thời, chuẩn bị tổ chức Đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc.

Bộ tiếp tục tập trung hướng dẫn địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đẩy mạnh giám sát, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi. 

Các đơn vị sẽ theo dõi, khảo sát nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất, nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương và tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt tại các cửa khẩu.

Về nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị nhập khẩu  các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 11,3 tỷ USD, giảm 1,5%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 1 tỷ USD, tăng 17,3%; nhóm lâm sản chính trên 1,3 tỷ USD, tăng 0,1%; nhóm sản phẩm chăn nuôi khoảng 1,3 tỷ USD, giảm 13,7%; nhóm đầu vào sản xuất ước gần 3,2 tỷ USD, tăng 5,6%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục