6 tháng, tăng trưởng kinh tế Bình Dương đạt 6,85%​

14:59' - 15/06/2022
BNEWS Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Dương tăng 6,85% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, công nghiệp – xây dựng tăng hơn 7,8%; dịch vụ tăng hơn 6%...

Ngày 15/6, tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ 13 – Khóa XI, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các cấp, các ngành bám sát chỉ tiêu, kế hoạch đề ra; tập trung hoàn thành chỉ tiêu quan trọng về kinh tế trong năm 2022.

 

Đặc biệt, chú ý về giải ngân vốn đầu tư công, thu chi ngân sách và đảm bảo sản xuất, cung ứng hàng hóa; chăm lo đời sống nhân dân…
Hội nghị đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,85% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, công nghiệp – xây dựng tăng hơn 7,8%; dịch vụ tăng hơn 6%, nông lâm nghiệp tăng xấp xỉ 3%.
Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng cao; trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 8,3%; công nghiệp chế biến tăng 8,4%, góp phần vào doanh thu của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đạt hơn 21,3 tỷ USD.

Từ đó, góp phần chung vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 19,1 tỷ USD, tăng 10%; kim ngạch nhập khẩu đạt 12,7 tỷ USD; duy trì thặng dư thương mại gần 6,4 tỷ USD.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, đến nay đã có 13/34 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm. Tuy nhiên, có 4 chỉ tiêu đạt thấp gồm chi ngân sách nhà nước, kim ngạch nhập khẩu, số bác sỹ trên 1 vạn dân và số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt thấp.

Theo đó, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, có giải pháp cụ thể trong từng tháng cuối năm, từng quý để phấn đấu hoàn thành 34/34 chỉ tiêu quan trọng đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, để thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2022, tỉnh Bình Dương đề nghị các cấp, ngành nỗ lực, quyết tâm cao hơn trong những tháng cuối năm, nhất là trong chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; tranh thủ thời gian đẩy nhanh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có giải pháp cân đối, bình ổn kịp thời, nhất là điện, xăng dầu. Tổ chức hoạt động tiếp xúc hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng… để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu tập trung phân tích, đánh giá hạn chế, yếu kém trong điều hành giải ngân vốn đầu tư công.

Đây là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là tiêu chí quan trọng đánh giá, xếp loại cuối năm; rà soát, kiên quyết điều chỉnh vốn từ dự án chậm giải ngân sang các dự án giải ngân tốt, những dự án còn thiếu vốn để đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch; phối hợp theo dõi tiến độ, đôn đốc triển khai các dự án đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; cảng An Tây, tuyến đường sắt Bàu Bàng – Thị Vải - Cái Mép…
Ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt, nhưng việc khó không thể dồn hết xuống ở cấp dưới. "Những việc khó cũng cần đến trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy" – ông Lợi nói!./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục