7 ngân hàng trung ương lớn xem xét thiết lập quy định chung cho tiền kỹ thuật số

14:18' - 09/04/2021
BNEWS Bảy ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang xem xét thiết lập các quy định và nền tảng chung cho các loại tiền kỹ thuật số, qua đó nâng cao hiệu quả cho các khoản thanh toán xuyên biên giới.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 8/4 cho biết một nhóm gồm bảy ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang hướng đến việc thiết lập các quy định và nền tảng chung cho các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ, qua đó nâng cao hiệu quả cho các khoản thanh toán xuyên biên giới.

Kazushige Kamiyama, người đứng đầu bộ phận giám sát phát triển tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) thuộc BoJ, đánh giá CBDC giữ vai trò khác nhau đối với các quốc gia tiên tiến có hệ thống ngân hàng mạnh mẽ và các nền kinh tế mới nổi vốn có thể sử dụng CBDC để bù đắp những thiếu hụt trong hạ tầng tài chính.

Do đó, ông Kamiyama nhấn mạnh nên đưa ra các quy định chung giữa các quốc gia có cấu trúc kinh tế tương tự. Vì vậy, BoJ mong muốn thảo luận các quy định chung với sáu ngân hàng trung ương lớn khác.

Hiện BoJ nằm trong nhóm bảy ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đang xem xét các đặc điểm cốt lõi của CBDC.

Theo ông Kamiyama, đối với các nền kinh tế tiên tiến, cách tiếp cận tốt nhất là nâng cao chức năng của hệ thống thanh toán và quyết toán trong một số giai đoạn, đồng thời thiết kế theo hướng để công nghệ mới có thể được kết hợp một cách linh hoạt.

Các ngân hàng trung ương toàn cầu đã tăng cường nỗ lực phát triển các loại tiền kỹ thuật số của riêng mình để hiện đại hóa hệ thống tài chính và tăng tốc độ thanh toán trong nước và quốc tế.

BoJ trong tháng này đã khởi động giai đoạn thử nghiệm đầu tiên để phát hành CBDC, cùng với nỗ lực của các ngân hàng trung ương khác nhằm phù hợp với sự đổi mới mà khu vực tư nhân đạt được.

Ông Kamiyama cho biết ưu tiên ngắn hạn là làm cho hệ thống thanh toán và quyết toán của mỗi quốc gia trở nên thuận tiện. Về cơ bản, vẫn còn dư địa để xem xét việc sử dụng xuyên biên giới của các CBDC.

Thách thức lớn là tạo ra một CBDC hấp dẫn nhưng không quá mạnh để kích hoạt dòng tiền từ tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.

Theo ông Kamiyama, đặt ra giới hạn về số lượng CBDC mà mỗi đơn vị có thể nắm giữ là một giải pháp, cho dù có giảm tính tiện lợi của CBDC./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục