75 năm TTXVN: Lớp học “đặc biệt, có một không hai” đối với cán bộ TTX Lào

13:54' - 13/09/2020
BNEWS Trong ký ức của các cựu cán bộ Thông tấn xã Lào (TTX Lào), những người từng được tham dự một lớp học “đặc biệt, có một không hai” vào những năm 1981-1985.

Nhiều thập niên đã trôi qua, tuy nhiên, trong ký ức của các cựu cán bộ Thông tấn xã Lào (TTX Lào), những người từng được tham dự một lớp học “đặc biệt, có một không hai” vào những năm 1981-1985, những tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc hết sức tận tình, chu đáo và quyết tâm rất cao của các lãnh đạo, cũng như của các cán bộ nhân viên TTXVN dành cho họ, để giúp họ có được những năm tháng xa nhà ấm cúng nhất, đầy đủ nhất và kết thúc việc học với chất lượng cao nhất, vẫn không thể nào phai nhạt.

Đối với họ, TTXVN không chỉ là nơi giúp họ trưởng thành mà còn là mái ấm một thời gắn liền với những kỷ niệm không thể nào quên.

Là một trong 6 cán bộ trẻ của TTX Lào được cử sang TTXVN để học nâng cao trình độ chuyên môn giai đoạn 1981-1985, ông Khamphan Suvannakha, nguyên cán bộ TTX Lào (KPL) đến nay vẫn cảm thấy hết sức xúc động khi nhắc lại những năm tháng được tham gia lớp học mà ông và các bạn gọi là “đặc biệt và có một không hai” đó.

Theo ông Khamphan, đặc biệt bởi đây là lớp học đầu tiên và duy nhất mà TTXVN đào tạo dài hạn lên tới 4 năm dành riêng cho cán bộ TTX Lào và TTX Campuchia (Các khóa khác đều ngắn hạn chỉ kéo dài vài tháng); Có một không hai bởi đây là lớp học có sự phối hợp tốt và có tính ứng dụng rất cao khi TTXVN phối hợp với Trường Đại học Bách khoa tổ chức lớp tại trường.

Theo đó, những gì liên quan tới kiến thức chuyên môn cơ bản về kỹ thuật sẽ do giáo viên Trường Đại học Bách khoa dạy, những gì liên quan đến kỹ thuật, kỹ năng, dính dáng tới ngành thông tấn sẽ do các chuyên gia TTXVN dạy.

Ông Khamphan hồi tưởng lại những năm 1981-1985, Việt Nam khi đó còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn, tuy nhiên, để giúp các học viên đạt được kết quả học tập cao nhất, lãnh đạo TTXVN đã tạo điều kiện tối đa và tốt nhất cho lớp học, ví dụ như bố trí hẳn một xe ô tô chuyên đưa đón các học viên từ 79 Lý Thường Kiệt đến Đại học Bách khoa vào các buổi sáng, trưa, chiều trong suốt những năm học.

Để đảm bảo các học viên có sức khỏe tốt, TTXVN cũng bố trí chỗ ăn ở và người nấu ăn riêng cho các học viên. Để hỗ trợ sinh viên Lào học hiệu quả, lãnh đạo TTXVN khi đó đã giao trách nhiệm riêng cho phòng CK (Phòng Lào – Campuchia) trực tiếp chăm lo và giúp đỡ mọi mặt cho các học viên.

Hằng năm, sinh viên Lào ở các trường khác không được về nước, nhưng sinh viên Lào tại TTXVN vẫn được tạo điều kiện để về thăm nhà 1 năm 2 lần. Ông Khamphan cho biết, thời đó, chiếc xe đạp là cả một gia tài và rất quý, dù hết sức khó khăn, nhưng TTXVN vẫn cấp cho mỗi học viên một chiếc xe đạp Thống Nhất để phục vụ việc đi lại cá nhân.

Ông chia sẻ: “Để giúp các học viên có kiến thức đầy đủ và đạt chất lượng tốt nhất, TTXVN thậm chí còn cử người giỏi toán và lý kèm riêng cho học sinh tại nhà. Trong học tập, các thầy cô giáo cũng quan tâm đặc biệt, nếu có bạn vì lý do nào đó không đến trường, các thầy cô sẽ đến tận nơi thăm hỏi và dạy trực tiếp tại nhà. Đây có thể nói là sự quan tâm đặc biệt của TTXVN, cho thấy TTXVN đã làm hết lòng, hết sức để giúp các học viên có được trình độ tốt nhất và chất lượng cao nhất để sau này về nước phục vụ thật tốt cơ quan, cho đất nước”.

Ông Khamphan khẳng định nhờ phương thức giáo dục kết hợp giữa lý thuyết và thực hành có hiệu quả cao, sự tận tình và tận tâm của các thầy cô giáo TTXVN và Đại học Bách khoa, sự hỗ trợ và chăm lo hết sức có thể về cả vật chất và tinh thần mà Ban Lãnh đạo TTXVN dành cho, lớp học của ông đã đạt được kết quả học tập rất tốt.

Bản thân ông cũng có được nền tảng kiến thức vững chắc để không chỉ hoàn thành tốt mà còn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao khi trở về nước làm việc, dù trên cương vị Trưởng phòng Kỹ thuật của TTX Lào, hay với tư cách là Cục Phó Cục Công nghệ thông tin và truyền thông, rồi Chánh Thanh tra Bộ Bưu chính Viễn thông Lào cho đến khi nghỉ hưu.

Ông chia sẻ: “Những kiến thức mà các thầy cô giáo của TTXVN và Đại học Bách khoa tận tâm truyền dạy đã giúp tôi có đủ nền tảng để phục vụ, phát triển và trưởng thành trong công việc trong suốt những năm tháng sau này. Những tình cảm và sự quan tâm chăm sóc như người thân trong gia đình của Ban Lãnh đạo, của các cán bộ TTXVN, đặc biệt là của các cán bộ phòng CK và Trung tâm Kỹ thuật như bác Hóa, bác Vũ Quang và anh Đinh Đăng Quang… đã để lại ấn tượng cho tôi đến suốt cuộc đời”.

Ông Khamphan tâm sự, gần 30 năm làm việc cho TTX Lào (1981-2009), ông nhận thấy sự giúp đỡ mà TTXVN dành cho TTX Lào đều hết sức chân thành, thực chất và có hiệu quả cao. Dù đã rời khỏi KPL nhiều năm và đã về hưu, nhưng ông  vẫn luôn mong muốn trong tương lai, hai hãng thông tấn sẽ tiếp tục gìn giữ và vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt này.

Là bạn học cùng ông Khamphan và cũng là 1 trong 6 cán bộ được TTX Lào cử sang TTXVN để học nâng cao trình độ giai đoạn 1981-1985, ông Khampin Sishophavong, nguyên cán bộ TTX Lào và sau này trở thành Tổng Biên tập Báo Tài chính, Bộ Tài chính Lào tự xưng mình là trường hợp “đặc biệt của đặc biệt” trong hợp tác giữa TTX Lào và TTXVN.

Ông xúc động nhớ lại, dù đời sống cán bộ nhân viên của TTXVN khi đó còn hết sức khó khăn, tuy nhiên, trên tinh thần đoàn kết hữu nghị, hiểu rõ được nhu cầu đổi mới và phát triển của TTX Lào và TTX Campuchia, lãnh đạo TTXVN khi đó đã có quyết tâm rất cao để giúp các học viên có được điều kiện ăn, ở và học tập tốt nhất.

Điều ông Khampin nhớ nhất, đó chính là sự tận tình của các giáo viên, đặc biệt là của các thầy cô là chuyên gia của TTXVN, những người ngoài giờ học ở Trường Đại học Bách khoa, còn đến tận nơi ở của các học viên ở 79 Lý Thường Kiệt để dạy thêm kiến thức cho các học viên. Có những lúc, theo ông Khampin, các giáo viên còn vào tận giường khi ông đang ngủ để gọi dậy và dạy học.

Ông cười vui chia sẻ: “Điều đó quả thực hết sức đặc biệt, có lẽ chả ở đâu có thầy cô tận tình đến vậy và cũng chả tìm đâu ra học sinh lười đến thế”.

Theo ông Khampin, nhờ sự giúp đỡ tận tình và tận tâm của TTXVN, các học viên Lào khóa ông đều hoàn thành việc học với kết quả tốt và trở về nước đóng góp vào sự phát triển của KPL. Ông nói: “Những kiến thức mà chúng tôi được truyền dạy khi đó, sau khi được áp dụng ở KPL đã giúp TTX Lào có một diện mạo mới, phát triển vượt bậc, thậm chí là vượt trội về kỹ thuật so với các cơ quan trong nước thời bấy giờ. Không chỉ nhận các cán bộ KPL sang đào tạo dài hạn theo chế độ đặc biệt, thời đó, TTXVN còn cử các chuyên gia kỹ thuật sang tận nơi giúp đỡ TTX Lào, theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn các cán bộ của KPL áp dụng kiến thức được học vào thực tế công việc”.

Một trong những điều đặc biệt, đó chính là nhờ thời gian học tại TTXVN, ông đã làm quen và yêu một người con gái Hà Nội, người sau này đã trở thành vợ và hiện đang chung sống hạnh phúc với ông ở thủ đô Viêng Chăn. Đặc biệt hơn, ông Khampin bộc bạch, khi ông cưới vợ vào năm 1985, do hoàn cảnh khó khăn nên người thân trong gia đình ông tại Lào không thể sang dự được, chính phòng CK của TTXVN đã đứng ra làm đại diện nhà trai.

Không những vậy, cuộc đời của ông tiếp tục có duyên với TTXVN, tiếp tục được TTXVN “chăm sóc” khi từ năm 1991-1995, ông vinh dự được sang Hà Nội làm chuyên gia biên tập tiếng Lào cho tạp chí Báo Ảnh Việt Nam.

Đến nay, gần 40 năm đã qua, nhưng ông vẫn nhớ rất rõ những tình cảm mà TTXVN đã dành cho ông và các học viên, đặc biệt là các cán bộ phòng CK, những người trực tiếp chăm lo cho lớp học như bác Mão, bác Ngạc, bác Tặng, bác Chinh… những cô giáo như cô Túy…

Theo ông Khampin, hợp tác giữa hai cơ quan thông tấn hai nước là hết sức chặt chẽ, hết sức chân thành và vô cùng đặc biệt và với bản thân ông còn đặc biệt hơn nữa, bởi ông là cán bộ duy nhất của TTX Lào vừa được TTXVN đào tạo, được TTXVN giúp cưới vợ và sau này còn trở thành chuyên gia của TTX Lào tại TTXVN, đó là lý do tại sao ông hay nói vui rằng mình là “người đặc biệt của đặc biệt”, là minh chứng cho sự hợp tác chân thành, trong sáng và hiệu quả TTXVN và TTX Lào.

Mối quan hệ và hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa TTXVN và KPL trong hàng chục năm, nhất là trong đào tạo nhân sự, cơ sở vật chất, kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, chính là nền tảng vững chắc để KPL vững bước phát triển và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong hơn 5 thập niên qua.

Đánh giá về sự đồng hành của TTXVN trong suốt quá trình hình thành, trưởng thành và phát triển của TTX Lào nhân dịp 75 năm thành lập TTXVN (15/9/1945-15/9/2020), nguyên Tổng Giám đốc TTX Lào Sounthone Khanthavong đã thay mặt Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ nhân viên của TTX Lào chân thành cảm ơn sự giúp đỡ vô cùng quý báu mà TTXVN đã dành cho TTX Lào kể từ khi thành lập năm 1968 cho đến ngày nay; khẳng định điều đó đã giúp TTX Lào trưởng thành và có thể hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước Lào giao phó.

Đây là minh chứng không chỉ về quan hệ hữu nghị và hợp tác đặc biệt giữa hai cơ quan thông tấn hai nước, mà còn thể hiện quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào và Lào – Việt Nam nói chung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục