80% công nhân lao động không có nhà ở cố định

16:56' - 01/07/2016
BNEWS Thực trạng hiện nay tại các khu công nghiệp mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có nhà ở ổn định, số còn lại là đi thuê ở tạm
80% công nhân lao động hiện chưa có nhà ở cố định. Ảnh: TTXVN

Trong thực tiễn phát triển các khu công nghiệp những năm gần đây nổi lên nhiều vấn đề; trong đó, có vấn đề xây dựng môi trường sống cho người lao động chưa được quan tâm đúng mức.
Chỉ có 20% công nhân có nhà ở ổn định

Ông Trịnh Trường Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, thực trạng hiện nay tại các khu công nghiệp mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có nhà ở ổn định, số còn lại là đi thuê ở tạm với giá 300.000 đến 400.000 đồng/người/tháng.

Nhưng, với mức lương được trả trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, chỉ đáp ứng được 78-83% nhu cầu chi tiêu cơ bản của người lao động.

Trong khi đó, hầu hết các khu nhà trọ cho công nhân thuê đều rất chật hẹp (bình quân 2-3m2/người), tạm bợ, điều kiện vệ sinh, môi trường cũng như hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo điều kiện sống tối thiểu, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của công nhân và tình hình trật tự an toàn xã hội tại nhiều khu công nghiệp.

Qua điều tra trên 100 khu công nghiệp ở Việt Nam, ông Kenichi Hashimoto, trưởng đoàn nghiên cứu JICA cho biết, phần lớn quy hoạch không gian và thiết kế công trình, lựa chọn vị trí xây dựng nhà ở cho công nhân không phù hợp và có rất ít nhà đầu tư bất động sản quan tâm.

Trong khi đó, khả năng hỗ trợ của địa phương không đồng đều hay quy mô nhà ở vượt quá khả năng chi trả của công nhân.

Ông Kenichi Hashimoto, trưởng đoàn nghiên cứu JICA phát biểu tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu cải thiện môi trường sống cho công nhân các khu công nghiệp.Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS

Đáng chú ý, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp hiện phải sống tại các nhà ở với điều kiện sinh hoạt nghèo nàn. Đà đây chính là trở ngại đối với các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp trong việc giữ chân người lao động có tay nghề cao.

Sự đình trệ trong việc cải thiện môi trường sống với kết quả là công nhân thường xuyên bỏ việc, làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia xung quanh trong vai trò là một thị trường đầu tư trực tiếp nước ngoài và gây ảnh hưởng tiêu cực tới các vấn đề xã hội.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế

Phát biểu tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu cải thiện môi trường sống cho công nhân các khu công nghiệp ngày 1/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, sau 25 năm, các khu công nghiệp đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giải quyết việc làm cho hơn 2,6 triệu lao động.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, trong khuôn khổ triển khai Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký biên bản thỏa thuận về dự án nghiên cứu cải thiện điều kiện sống cho công nhân các khu công nghiệp tại Việt Nam.

Theo đó, JICA hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, khảo sát hiện trạng về điều kiện sống cho người lao động các khu công nghiệp nhằm tìm giải pháp cho vấn đề nhà ở cho người lao động. Đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện dự án ở xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

Qua quá trình nghiên cứu dự án ở xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, nhóm JICA đề xuất 19 kiến nghị nhằm cải thiện môi trường sống cho công nhân khu công nghiệp; trong đó có kiến nghị nhà nước hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi thấp hơn 5% với thời gian vay hơn 20 năm.

Đồng thời, bỏ quy định tỷ lệ lợi nhuận định mức 10% đối với nhà để bán và 15% đối với nhà cho thuê trên tổng mức đầu tư để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư.

Bên cạnh đó, nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng đất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật; đứng ra thực hiện dự án và nới lỏng quy định về tỷ lệ diện tích dành cho thương mại 20% như hiện nay. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân hay thuê lại toàn bộ khu nhà cho công nhân thuê…

Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu cải thiện môi trường sống cho công nhân các khu công nghiệp. Ảnh: Văn Xuyên/BNEWS

Hơn nữa, Việt Nam cần có chính sách mới áp dụng trên toàn quốc về quy hoạch không gian, thiết kế công trình thấp tầng để phù hợp với chi phí xây dựng và khả năng chi trả của công nhân; thực thi hệ thống pháp lý mới và tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư.

Trong đó, hỗ trợ tài chính; phối hợp để thực hiện phương thức đầu tư đối tác – công tư; hay mô hình “Nhà cho thuê chất lượng cao được hỗ trợ tài chính”…

Tuy nhiên, để tạo lập được khu nhà ở quy mô, đồng bộ với khu vực xung quanh, ông Kenichi Hashimoto cho rằng, vị trí xây dựng nhà ở cho công nhân nên nằm trong bán kính từ 300m đến 500m để công nhân có thể đi bộ tới khu công nghiệp đi làm. Đồng thời, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội gắn kết với khu dân cư và các dịch vụ lân cận.

Theo tính toán của các chuyên gia JICA tại dự án thí điểm ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, các tổ chức tín dụng có thể cho vay thuê-mua nhà ở xã hội với lãi suất 5%/năm, thời hạn 20 năm.

Doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp hỗ trợ 500.000 đồng/công nhân/tháng cùng với khả năng chi trả 446.500 đồng/tháng đối với công nhân độc thân và 1.066.500 đồng/tháng/công nhân đã có gia đình sẽ tạo điều kiện cho công nhân gắn kết bền chặt với doanh nghiệp hơn.

Là địa phương thí điểm phát triển dự án nhà ở xã hội cho công nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Đặng Ngọc Quỳnh khẳng định, kết quả của dự án là cơ sở để tỉnh triển khai các bước tiếp theo như kêu gọi các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế tham gia vào việc đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp của tỉnh.

Tuy nhiên, ông Quỳnh cũng kiến nghị bỏ quy định về lợi nhuận định mức trên tổng mức đầu tư theo Nghị định 100/20015/NĐ-CP của Chính phủ vì đang hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư bất động sản vào dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Ông Trịnh Trường Sơn cũng cho biết, trong chiến lược phát triển nhà ở xã hội quốc gia, đặc biệt là các mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp giai đoạn 2016-2020 cũng nêu rõ có khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.

Để được mục tiêu này, theo ông Sơn cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, đặc biệt là kế hoạch trung về nguồn vốn từ ngân sách để bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, quy hoạch phát triển khu công nghiệp phải gắn kết với khu đô thị có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở cho công nhân. Cùng với đó, các địa phương cũng cần đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ của địa phương…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục