Các khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc thiếu lao động trầm trọng

08:42' - 25/03/2016
BNEWS Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI ở các Khu công nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc lâm vào cảnh thiếu lao động trầm trọng và thông báo tuyển dụng lao động số lượng lớn một cách ồ ạt.
Các khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc thiếu lao động trầm trọng. Ảnh minh họa: TTXVN

Một trong những điều đáng quan tâm là hiện nay việc tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp đã khác trước.

Doanh nghiệp muốn tuyển dụng đã chủ động thông báo với nội dung thông tin đầy đủ mô tả công việc, giờ gian làm việc, chế độ quyền lợi về lương thưởng... trên bảng thông báo công khai, sàn giao dịch lao động và việc làm để mọi người lựa chọn công việc phù hợp với chuyên môn đào tạo, sở thích.

Công ty TNHH Cammsys Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Bá Thiện, ngành nghề kinh doanh sản xuất và gia công linh kiện, sản phẩm điện tử đang cần tuyển 500 công nhân, mức thu nhập phổ biến từ 6,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Công ty TNHH Vina Circuit 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, tại Khu công nghiệp Bá Thiện, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, sản xuất linh kiện điện thoại Smartphone, cần tuyển 200 công nhân, tuổi từ 18 đến 35, lương theo thỏa thuận.

Công ty TNHH Daeduck Việt Nam với 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, địa chỉ tại Khu công nghiệp Bá Thiện, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, chuyên sản xuất về Công nghệ thông tin, quản lý hệ thống mạng, thu nhập từ trên dưới 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, các khu công nghiệp Bình Xuyên, huyện Bình Xuyên; khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên; một số nhà máy ở cụm công nghiệp, khu công nghiệp Tam Dương cũng tuyển bổ sung hàng ngàn lao động vào làm việc do những doanh nghiệp này có kế hoạch mở rộng sản xuất.

Ông Nguyễn Tiến Hạnh, Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thời gian gần đây, Vĩnh Phúc đã thu hút thêm nhiều dự án đến đầu tư và nhu cầu tuyển dụng sẽ là rất lớn.

Riêng trong 2 tháng đầu năm 2016, Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 60 triệu USD.

Các dự án đầu tư mới chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực may mặc, xuất nhập khẩu, linh kiện điện tử… đòi hỏi số lượng lao động lớn.

Đây là những tín hiệu rất đáng mừng bởi sự có mặt của các nhà đầu tư trong thời gian tới, chủ yếu bố trí địa điểm về các khu công nghiệp ở các huyện, thành thị trong tỉnh, giải quyết nhiều việc làm, giúp người dân gần khu công nghiệp phát triển các loại hình dịch vụ và đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ở những địa bàn mà tỉnh quy hoạch theo đúng lộ trình.

Điều đáng quan tâm là cuối năm 2015, tỉnh Vĩnh Phúc đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Hạ tầng khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc cho nhà đầu tư Nhật Bản - Tập đoàn Sumitomo.

Đây là dự án Vĩnh Phúc, kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho công nghiệp ​của tỉnh. Dự kiến, khi hoàn thành, khu công nghiệp sẽ thu hút được 79 dự án đầu tư thứ cấp đến từ Nhật Bản với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,5 tỷ USD và thu hút khoảng 25.000 lao động.

Khu công nghiệp này có quy mô hơn 213 ha tại khu vực địa giới hành chính xã Thiện Kế và xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên để phục vụ các nhà đầu tư của Nhật Bản. 

Chưa bao giờ lao động ở Vĩnh Phúc có cơ hội tìm kiếm việc làm dễ dàng như hiện nay, nhưng các doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc cũng đang phải đối phó với một trào lưu, một xu hướng mới, đó là người lao động quay lưng với doanh nghiệp trả thu nhập rẻ mạt.

Trong năm 2015, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 89 doanh nghiệp đã báo cáo tuyển dụng lao động với hơn 7.400 lao động và 89 doanh nghiệp này cũng thông báo chấm dứt gần 4.900 lao động với các lý do nghỉ hưu, hết thời hạn hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng, sa thải, bỏ việc... 

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi làm việc với hàng chục doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về tuyển lao động trên địa bàn.

Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phải lưu ý trước các doanh nghiệp rằng, người lao động phổ thông quê hương Vĩnh Phúc nhiều năm qua đã gắn bó với các doanh nghiệp dệt may, điện tử...

Và giờ đây các tỉnh thành khác lân cận công nghiệp cũng phát triển, chi trả thu nhập cao hơn và đây là vấn đề để các doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc cũng cần xem xét, điều chỉnh thu nhập cho người lao động mức cao hơn hiện nay mới có khả năng tuyển dụng được lao động, nhất là giữ chân họ ở lại làm việc lâu dài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục