ACB tối ưu hóa lợi nhuận

14:57' - 24/05/2021
BNEWS Trọng tâm chiến lược của ACB là tập trung vào ngân hàng bán lẻ nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, với tỷ suất sinh lời cao hơn.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 được tổ chức mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ Á Châu (ACB) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu lãi trước thuế tăng hơn 10% so với năm 2020.

Ngoài ra, tổng tài sản tăng 10%, tiền gửi khách hàng tăng 9%, tín dụng tăng 9,5% và tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 2%. Trọng tâm chiến lược của ACB là tập trung vào ngân hàng bán lẻ nhằm tối ưu hóa lợi nhuận.
Theo quan sát của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVS), dư nợ cho vay khách hàng của ACB tăng tập trung chủ yếu bởi tăng trưởng cho vay cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỷ trọng cho vay với các đối tượng này chiếm 93% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này khẳng định trọng tâm chiến lược của ACB là tập trung vào ngân hàng bán lẻ nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, với tỷ suất sinh lời cao hơn; đa dạng hóa rủi ro khi quy mô khoản vay bán lẻ, khách ở ngân hàng này có xu hướng giảm trong những năm qua và hiện ở mức dưới 1 tỷ đồng; đồng thời, tập trung cho các phân đoạn mục tiêu ở khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

ACB triển khai gói tài chính hỗ trợ lãi suất vay giảm cho tiểu thương, hộ kinh doanh. Ảnh: acb.com.vn

Bên cạnh đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục đà tăng thông qua các sáng kiến Gói dịch vụ tài chính nguồn nhân lực Việt (Employee Banking) và triển khai giải pháp tài trợ thương mại (Transaction Banking). Chỉ trong quý I năm 2021, cơ sở khách hàng của ACB mở rộng lên 3,3 triệu gồm: 3,1 triệu khách hàng cá nhân, chiếm 82% tiền gửi của khách hàng và 0,2 triệu còn lại là khách hàng doanh nghiệp.
CASA cuối quý I năm 2021 của ACB đạt mức 22,1% so với 21,6% vào cuối năm 2020. Theo ACB, CASA từ khách hàng cá nhân ở mức 18%, trong khi CASA từ doanh nghiệp hơn 40%. ACB đang đặt mục tiêu CASA đạt 25%, giúp ngân hàng này chi phí huy động vốn cạnh tranh hơn.
Về phía Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nhận định, tỷ lệ CASA của các ngân hàng tăng sẽ giúp giảm chi phí vốn và lãi suất cho vay cũng sẽ tăng dần do các chính sách vay ưu đãi dần được thu hẹp cùng sự phục hồi của nền kinh tế. Nhờ đó, xu hướng biên lãi ròng (NIM) sẽ ở mức cao.
Hiện, thu nhập từ phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) cũng được nhiều chuyên gia phân tích kỳ vọng như một điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng với khả năng mang lại lợi nhuận ổn định nhờ vào việc phân bổ các khoản trả trước và phí thu được từ các sản phẩm liên kết đầu tư.
ACB cũng không nằm ngoài cuộc chơi với thương vụ hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kéo dài 15 năm tại Việt Nam với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam. Theo đó, số tiền trả trước 8.500 tỷ đồng một lần sẽ được phân bổ đều hàng quý trong suốt thời gian hợp tác 15 năm. Tại thời điểm ký kết năm 2020, mức phí cho thương vụ này cao hơn nhiều các ngân hàng cùng quy mô do ACB là một trong ba ngân hàng có doanh số bản bảo hiểm tốt nhất.

ACB áp dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh tối ưu hoá chi phí hoạt động. Ảnh: www.acb.com.vn
Chi phí hoạt động cũng đang được ngân hàng này đẩy mạnh tối ưu hóa. Quý I năm 2021, Chi phí hoạt động của ACB giảm khá mạnh, tương đương 16,7%, xuống 1.965 tỷ đồng; trong đó chủ yếu giảm chi phí cho nhân viên.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của BVS cũng cảnh báo, việc kinh doanh chứng khoán và ngoại hối của các ngân hàng có thể kém đi. Khi Ngân hàng Nhà nước thông báo ngừng mua ngoại tệ giao ngay từ đầu năm 2021 và chuyển sang mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng có hủy ngang, thay vì kỳ hạn 3 tháng như trước. Điều này đẩy rủi ro biến động tỷ giá cho các ngân hàng thương mại lên cao hơn. Cùng với đó, với việc chỉ số VN-Index liên tục lập đỉnh trong thời gian gần đây có thể khiến triển vọng của việc kinh doanh và đầu tư chứng khoán giảm xuống.
Vừa qua, ACB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm hơn 5.400 tỷ đồng, lên hơn 27.000 tỷ đồng bằng hình thức phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 25%.
Theo ACB, việc tăng vốn điều lệ nhằm bảo đảm các tỷ lệ an toàn đối với ngân hàng, tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ, thêm nguồn vốn để cải tạo, đầu tư các dự án chiến lược trong những năm tới.
Theo các chuyên gia, kết quả kinh doanh tăng trưởng là một trong những yếu tố đẩy giá cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng; trong đó cổ phiếu ACB của Ngân hàng Thương mại cổ Á Châu thuộc nhóm tăng mạnh. Kết thúc quý I năm 2021, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.105 tỷ đồng, tăng hơn 61% so với cùng kỳ năm 2020; thực hiện được gần 30% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Cổ phiếu này đang giao dịch ở mức 37.500 đồng/đơn vị, tăng 31% giá trị so với đầu năm. Với sự hậu thuẫn từ của nhiều yếu tố, giới chuyên gia phân tích kỳ vọng, cổ phiếu ACB sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Thu nhập lãi thuần quý I năm 2021 của ACB đạt 4.639 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 69% đạt 625 tỷ; trong đó, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 37%, đạt 196 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng gần 8 lần, đạt 113 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/3/2021, tổng tài sản của ACB đạt 449.515 tỷ đồng, tăng 1,1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,1% đạt 324.311 tỷ đồng.
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt 9.596 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2019. Tổng tài sản của ACB đạt 445.000 tỷ đồng, tăng 15,9%; vốn huy động 353.000 tỷ đồng, tăng 14,6%; dư nợ tín dụng 311.000 tỷ đồng, tăng 15,9% so với năm trước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục