ADB: Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thương mại

15:19' - 03/04/2019
BNEWS Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 3/4, ADB đã dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.
Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong năm 2019. Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews/TTXVN

Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 3/4, ADB đã dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.

Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2018, do xuất khẩu và nhu cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ. Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ được giữ vững trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, và cầu nội địa được duy trì.

"Động lực tăng trưởng dự kiến cũng sẽ được giữ vững nhờ vào những nỗ lực cải cách góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư tư nhân. Dự kiến lạm phát ở mức bình quân 3,5% trong năm 2019 và tăng nhẹ lên 3,8% trong năm 2020”, ông Eric Sidgwick nói.

Mặc dù, năm nay và trong năm sau, môi trường bên ngoài sẽ kém thuận lợi hơn và làm giảm tốc độ tăng trưởng; cũng như thu hẹp thặng dư tài khoản vãng lai… nhưng lạm phát vẫn có thể được giữ ổn định trong năm 2019, song sẽ gia tăng vào năm 2020.

Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2019 của ADB, Việt Nam là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất trong khu vực, với tổng kim ngạch thương mại đạt gấp đôi quy mô GDP. Ở trong nước, sự chậm trễ của tiến trình cải cách ở các doanh nghiệp Nhà nước có thể là lực cản đối với tiềm năng tăng trưởng.

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần chú trọng thúc đẩy sự hội nhập của các doanh nghiệp tư nhân vào các chuỗi giá trị toàn cầu, vốn là một trong những thách thức chính sách quan trọng đối với sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Việc cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cũng như nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bao gồm yếu tố kỹ năng, yếu tố con người… là những biện pháp quan trọng giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể áp dụng tốt hơn công nghệ mới và đạt được giá trị gia tăng cao trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam tiếp tục cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là nhân tố khuyến khích đầu tư tư nhân, cũng như những nỗ lực tăng cường quan hệ với các đối tác trên toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại.

Việc phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương trong năm 2018 và dự kiến là Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu sắp diễn ra cũng là các nhân tố kích thích đầu tư trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp nước ngoài đang ngày càng quan tâm tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Thông qua các hiệp định thương mại này đã thể hiện rằng Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mở cửa nền kinh tế. Chính phủ đề ra mục tiêu thành lập thêm 140.000 doanh nghiệp trong năm 2019, là tín hiệu tốt đối với cả hoạt động xuất khẩu, dòng vốn FDI và đầu tư tư nhân nói chung.

Triển vọng tiêu dùng cá nhân vẫn tiếp tục mạnh mẽ nhờ các hộ gia đình có sự cải thiện về thu nhập và tình hình lạm phát ổn định. Hoạt động đầu tư sẽ được hỗ trợ từ việc gia tăng chi tiêu đầu tư công trong năm nay và năm tới nhằm hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục