AfD trở thành thách thức đối với Thủ tướng Đức Merkel

10:43' - 25/09/2017
BNEWS Phản ứng đầu tiên sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ công bố, Thủ tướng Đức Merkel thừa nhận việc AfD tiến vào Quốc hội liên bang Đức là một thách thức lớn đối với liên đảng CDU/CSU.

Với việc giành được trên 12% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang diễn ra ngày 24/9, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu và dân túy lần đầu tiên tiến vào và trở thành đảng lớn thứ 3 tại Quốc hội liên bang Đức với 95 ghế.

Lãnh đạo CDU, đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái, phía trước) tại một buổi lễ sau bầu cử ở Berlin ngày 24/9. THX/ TTXVN

Đây được cho là chiến thắng mang tính lịch sử đối với một đảng mới thành lập từ năm 2013, song lại trở thành thách thức đối với liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel, xuất phát từ những quan điểm khác biệt trong nhiều vấn đề của nước Đức.

"Chúng tôi sẽ thay đổi đất nước". Đây là tuyên bố mạnh mẽ của ông Alexander Gauland - một trong hai ứng cử viên hàng đầu của AfD sau khi những kết quả bầu cử đầu tiên được công bố sáng 25/9 theo giờ Việt Nam.

Ông thể hiện rõ quan điểm đối lập khi tuyên bố sẽ "săn đuổi" Chính phủ của Thủ tướng Merkel, đồng thời cho biết AfD sẽ ưu tiên thúc đẩy một cuộc điều tra của Quốc hội về chính sách nhập cư của bà Merkel.

Trong khi đó, phản ứng đầu tiên sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ công bố, bà Merkel thừa nhận việc AfD tiến vào Quốc hội liên bang Đức là một thách thức lớn đối với liên đảng CDU/CSU.

Bà khẳng định: "Có một thách thức lớn mới cho chúng tôi, và đó là việc AfD tiến vào Quốc hội".

Tuy nhiên, bà cam kết sẽ lấy lại niềm tin của các cử tri đã ủng hộ AfD bằng những chính sách đúng đắn, đồng thời tuyên bố sẽ đẩy mạnh cuộc chiến chống người nhập cư trái phép cũng như bảo vệ lợi ích của các công dân hợp pháp.

Cùng chia sẻ quan ngại này với bà Merkel, ông David Mcallister - thành viên cấp cao của CDU và là Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Nghị viện châu Âu, khẳng định chính quyền Thủ tướng Merkel sẽ đối mặt với nhiều thách thức bởi có quá nhiều sự khác biệt về quan điểm trong lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và nhiều vấn đề khác.

Tuy nhiên, bất chấp sự đột phá của AfD, nhiều chuyên gia cho rằng không nên đánh giá quá cao vào sức ảnh hưởng của đảng này.

Theo nhận định của Giáo sư, Tiến sĩ Paul Nolte, một chuyên gia lịch sử thuộc Đại học Tự do (FU) ở Berlin, do đảng Xã hội Dân chủ (SPD) - đảng lớn thứ 2 trong Quốc hội, từ chối liên minh với liên đảng CDU/CSD thành lập chính phủ, AfD sẽ không trở thành đảng đối lập lớn nhất tại Quốc hội, do đó, sự "phong tỏa" của đảng này sẽ bị hạn chế.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Hajo Funke - nhà nghiên cứu chính trị cũng thuộc trường FU Berlin cho rằng AfD có thể ở thế đơn độc tại Quốc hội liên bang khi không có bất cứ đảng nào tại cơ quan lập pháp Đức bày tỏ ý định hợp tác với AfD dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo AfD có thể lớn mạnh hơn trong tương lai.

Ngay sau khi các kết quả đầu tiên được công bố, hàng trăm người biểu tình đã tập trung tại quảng trường Alexander ở thủ đô Berlin để phản đổi AfD.

Cảnh sát đã được triển khai đến hiện trường để kiểm soát an ninh tại đây, đồng thời cấm người biểu tình tiến gần đến tòa nhà trụ sở đảng AfD.

Một số cuộc biểu tình phản đối AfD tương tự cũng đã diễn ra tại nhiều thành phố của Đức, như tại Köln và Frankfurt.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục