Agribank tích cực giải ngân Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao

12:55' - 21/07/2025
BNEWS Sử dụng nguồn lực tự có của ngân hàng, Agribank sẽ hỗ trợ giảm lãi suất đối với khách hàng tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp nhận được sự quan tâm lớn của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và nhiều đối tác nước ngoài. Trong đó, ngân hàng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã và được “định vị” đơn vị chủ lực, tiên phong đối với Đề án này.

Mới đây, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại TP. Cần Thơ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, hệ thống ngân hàng đã vào cuộc rất tích cực, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đồng thời triển khai nhiều giải pháp, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực cho vay đối với Đề án này.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nói thêm, tính đến nay, ngoài hệ thống Agribank là ngân hàng chủ lực tham gia không giới hạn hạn mức tín dụng đối với Đề án, thì 7 ngân hàng thương mại khác cũng đã đăng ký tham gia cho vay đối với các thành viên của Đề án với số vốn đăng ký trong giai đoạn thí điểm (đến hết 2025) là khoảng 17.000 tỷ đồng. 

“Điều đáng ghi nhận là chỉ một tháng sau khi Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố danh mục các mô hình, doanh nghiệp tham gia Đề án, đến hết tháng 6/2025 các ngân hàng đã tích cực tiếp cận khách hàng để giải ngân cho vay. Nhờ đó đến nay doanh số giải ngân cho vay đối với Đề án này đã đạt khoảng 5.200 tỷ đồng”, ông Phạm Thanh Hà báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thống đốc khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực tiếp cận những khách hàng đủ điều kiện vay theo Đề án để tăng tốc độ giải ngân; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các địa phương, đơn vị liên quan để kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai tài trợ vốn cho Đề án này.

Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, phát triển ngành nông nghiệp bền vững đang trở thành “con đường phải bước tới” của nông nghiệp Việt Nam chứ không còn là sự lựa chọn. Trong đó, nông nghiệp phát thải thấp là mục tiêu và đích đến. Điều này đặc biệt quan trọng khi ngành nông nghiệp sẽ tham gia vào mục tiêu Việt Nam đạt NetZero vào năm 2050 theo lời cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26.

Có thể nói, mục tiêu NetZero trong nông nghiệp, hay còn gọi là "Phát thải ròng bằng không" là giảm lượng khí nhà kính (như CO2, CH4, N2O) từ hoạt động nông nghiệp xuống mức mà Trái đất có thể hấp thụ hoặc loại bỏ, đưa tổng lượng khí thải ròng về 0. Điều này hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Và, đây cũng là mục tiêu và ý nghĩa của “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ.

Tại buổi làm việc mới đây với các bộ, ngành, địa phương về Đề án phát triển bền vững một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp là dự án đầu tiên trên thế giới cũng là niềm tự hào của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự chủ động của các tỉnh ĐBSCL trong việc triển khai các mô hình và sự vào cuộc, hưởng ứng tích cực của bà con nông dân và các HTX. Bên cạnh đó, việc triển khai Đề án mang lại ý nghĩa rất lớn, không chỉ về mặt vật chất mà còn quan trọng về chính trị và giá trị tinh thần. Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong quý III/2025 phải hoàn thành việc quy hoạch vùng chuyên canh 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao.

Thực hiện các chỉ đạo Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhiều năm qua, Agribank luôn thể hiện vai trò đầu tàu trong việc hỗ trợ tín dụng trong lĩnh vực “Tam nông” để hướng đến một nền nông nghiệp bền vững. Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg, Agribank đã ký kết Bản ghi nhớ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cam kết sẽ cung cấp các sản phẩm dịch vụ đến cá nhân, hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia Đề án.

“Agribank rất vinh dự là ngân hàng duy nhất được lựa chọn thí điểm cho vay phục vụ Đề án trong giai đoạn 1 kéo dài đến năm 2025. Ngay sau khi Nhân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn Chương trình cho vay, Agribank cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ để triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL tới các cá nhân, hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và doanh nghiệp thuộc đối tượng tham gia Đề án. Sử dụng nguồn lực tự có của ngân hàng, Agribank sẽ hỗ trợ giảm lãi suất đối với khách hàng tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường” - Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng nhấn mạnh.

Hiện Agribank cũng đang xây dựng các sản phẩm tín dụng chuyên biệt đối với từng nhóm khách hàng cá nhân, hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để có thể triển khai ngay khi UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố danh sách các vùng chuyên canh, các liên kết, chủ thể tham gia liên kết và định mức chi phí, định mức kinh tế kỹ thuật để sản xuất theo đúng tiêu chuẩn tại Đề án. 

Tổng Giám đốc Agribank cho biết, trước mắt quy mô triển khai tối thiểu 30.000 tỷ đồng và trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục bổ sung. Các sản phẩm về cho vay sẽ được tối ưu hóa về lãi suất, giảm bớt thủ tục trên cơ sở quản lý được dòng tiền trong liên kết, từ đó góp phần thực hiện thành công Đề án 1 triệu hecta lúa.

Cũng về Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank chia sẻ, đối với các đối tượng tham gia chuỗi liên kết trong đề án, Agribank giảm lãi suất 1-2%/năm giúp các doanh nghiệp và nông dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn. Agribank không giới hạn vốn cho vay trung, dài hạn và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tham gia Đề án, đồng thời mong muốn xây dựng chuỗi liên kết khép kín, từ hộ nông dân, nhà cung cấp nguyên vật liệu đến doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu. Điều này sẽ giúp các bên giảm chi phí, được hưởng chính sách ưu đãi như phí dịch vụ và các điều kiện bảo đảm tiền vay. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục