Alibaba “đánh thức” tiềm năng của giới tiêu dùng Trung Quốc (Phần 2)

07:30' - 25/11/2018
BNEWS Trung Quốc hiện là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, với mua sắm trực tuyến đang góp tỷ lệ ngày càng lớn vào tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng của người dân nước này.
Tỷ phú Jack Ma phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong năm nay, Alibaba cho biết doanh số bán hàng trong Ngày Độc thân năm nay tiếp tục xô đổ kỷ lục của năm 2017, với con số 213,5 tỷ NDT (30,7 tỷ USD). Các nhà phân tích cho rằng kết quả của sự kiện năm nay sẽ phần nào thể hiện tâm lý người tiêu dùng tại Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu nguội dần, thị trường thương mại điện tử nước này cũng tiến gần đến tình trạng bão hòa, cạnh tranh từ các công ty đối thủ ngày càng lớn là những thách thức không nhỏ đối với tân Chủ tịch Daniel Zhang – người sẽ lãnh đạo Alibaba vào năm 2020 sau khi ông Jack Ma chính thức rút khỏi vị trí này.

Theo ông Jet Jing, Chủ tịch của Tmall – một trang bán hàng trực tuyến chính của Alibaba, tập đoàn đã tận dụng mọi nền tảng thương mại điện tử của mình để biến Ngày Độc thân thành một “ngày hội”, bao gồm cả các chương trình khuyến mãi về ẩm thực và giải trí. Đồng thời, Alibaba cũng bắt đầu kết nối việc mua sắm trực tuyến với các chương trình giảm giá tại cửa hàng truyền thống.

Mặc dù quy mô của sự kiện này ngày càng lớn mạnh theo từng năm, tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng đã bắt đầu chậm lại, từ mức dưới 65% trong năm 2014 xuống khoảng 40% trong năm 2017. Tuy nhiên, tỷ phú Jack Ma lại không đặt nặng những con số. 

Vào năm 2013, Jack Ma phát biểu trước báo chí vào đêm trước ngày 11/11 rằng ông sẽ không theo đuổi doanh số bán hàng. Ông cũng nhắc lại thông điệp tương tự trong những năm tiếp theo. Thay vì quy mô, ông Jack Ma tìm kiếm một sự tăng trưởng “ổn định”, bởi vì nhu cầu mua sắm đòi hỏi một cơ sở hạ tầng bao quát để cung cấp các chức năng như hậu cần và thanh toán.

Trên thực tế, Alibaba vẫn đang tìm kiếm các đối tác tiềm năng để thúc đẩy “hệ sinh thái” bán lẻ của mình. Năm ngoái, Alibaba đã rót 717 triệu USD vào Huitongda – công ty hỗ trợ các nhà bán lẻ trực tuyến đưa hàng hóa của mình đến với các khách hàng ở khu vực nông thôn. 

Tương tự, Ant Financial – chi nhánh tài chính của tập đoàn Alibaba đã tài trợ cho một số công ty cung cấp giải pháp thanh toán trên toàn thế giới để tăng cường phạm vi tiếp cận của Alibaba trên toàn cầu. Trong khi đó, Alibaba Cloud - bộ phận điện toán đám mây, ra đời vào kỷ niệm sinh nhật lần thứ 10 của công ty, chuyên xử lý nhu cầu giao dịch hàng hóa trị giá 25 tỷ USD mỗi năm.

Ngoài ra, Alibaba cũng triển khai 100.000 “cửa hàng thông minh” kể từ sự kiện năm ngoái với việc áp dụng Công nghệ tương tác ảo (AR - augmented reality). Đây là công nghệ tích hợp đồ họa máy tính và mạng Internet với thế giới thực để khách hàng có thể xem các đối tượng ảo trong môi trường thực.

Tại các cửa hàng thông minh này, người mua có thể thử nhiều loại quần áo, tìm hiểu các thông tin chi tiết về chất liệu và giá cả của sản phẩm trong các phòng thay đồ “ảo”, sau đó đặt lệnh mua và thanh toán trên các nền tảng thương mại trực tuyến của Alibaba. Những đơn hàng như vậy cũng được tính vào tổng doanh số của Ngày Độc thân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục