Âm thầm vớt rác ở bãi đá 7 màu: Thể hiện tình yêu với biển theo cách riêng

16:52' - 12/02/2025
BNEWS Những ngày đầu xuân, bãi đá Cà Dược (hay còn gọi là bãi đá 7 màu) ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận thu hút rất đông du khách khắp mọi nơi đến tham quan, du lịch.

Điều gây ấn tượng mạnh đối du khách không chỉ là vẻ đẹp độc đáo, hiếm có của bãi đá mà còn là hình ảnh một người đàn ông nhỏ nhắn, rắn rỏi kéo lê thùng xốp âm thầm đi thu gom rác thải.

 

Người đàn ông ấy là ông Lê Thanh Tục (58 tuổi), trú tại thôn 2, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Người dân ở đây hay gọi ông bằng cái tên thân thương là ông Chín Tục. Hơn một năm nay, ông Tục giữ cho mình một tình yêu với biển, với quê hương theo cách riêng - ông là “người nhặt rác ở bãi đá”.

Bãi đá Cà Dược hình thành cách đây hàng trăm năm, trải dài gần 1,5 km trên bờ biển Bình Thạnh, được các ngành chức năng của tỉnh và địa phương thống nhất khoanh vùng bảo vệ với tổng diện tích 10 ha. Do sự tác động của thủy triều, hải lưu, nước biển và đá được sóng biển đẩy trồi lên từ năm này qua năm khác hình thành nên bãi đá 7 màu tự nhiên. Nơi đây được công nhận là di tích thắng cảnh cấp tỉnh; từng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Bãi đá có hình dạng, màu sắc nhiều nhất Việt Nam” và là một trong 13 bãi đá đẹp nhất trên cả nước.

Chính vì sự độc đáo kết hợp với thắng cảnh bãi rêu Cổ Thạch, bãi biển đẹp nên người dân địa phương và du khách thường tìm đến đây để vui chơi, tắm biển, chụp ảnh. Điều này đi kèm với lượng rác thải ra môi trường. Thêm nữa, rác từ đại dương do sóng biển đánh vào khiến cho bãi đá có nhiều rác thải.

Yêu biển, yêu thiên nhiên và nỗi ám ảnh về rác đã đưa người đàn ông ấy đến với một công việc đặc biệt. Ông Chín Tục thuộc nơi này như lòng bàn tay, ông biết thời gian nào, con nước tháng nào sẽ mang rác tới khu vực nào để dễ thu gom. Vì tình yêu quê hương nên hơn ai hết ông Chín Tục không thể chịu đựng được hình ảnh rác thải bủa vây bãi đá 7 màu.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Chín Tục chia sẻ: “Biển của mình đẹp thế, trong xanh thế; bãi đá cũng vậy, đẹp và độc đáo hiếm nơi nào có được. Sinh ra và gắn bó với bãi đá gần hết cuộc đời, mình không thể làm ngơ để những viên đá cuội đầy sắc màu ở đây bị túi ni lông, rác thải đại dương che phủ. Thế nên có sức thì mình cứ làm, coi công việc này như niềm vui. Nhờ nó mà mình được lao động, có sức khỏe hơn; biết đâu từ việc làm của mình sẽ có nhiều người làm theo”.

Mỗi ngày, sau khi thức dậy, tầm 4 - 5 giờ mỗi sáng, ông Chín Tục lại ra biển, ra bãi đá để nhặt rác. Ông dành ra 2 giờ để làm công việc mà nhiều người cho là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Hết nhặt rác dọc theo bãi đá, ông lại xuống bãi biển nhặt nhạnh những chai lọ, những ngư lưới cụ sóng biển mang lên bờ. Sau đó ông lại quay về bận rộn với những công việc mưu sinh của gia đình. Dụng cụ đi nhặt rác của ông Chín Tục luôn có một cái đèn đội đầu, một cái bao và một thùng xốp được cột ngang hông để tiện cho việc thu gom rác thải. Dù kéo lê theo thùng rác hơn chục ký nhưng người đàn ông chỉ nặng tầm 55 kg này vẫn thoăn thoắt, đi bộ dọc theo bãi đá để nhặt rác. Mỗi ngày của ông đều bắt đầu như thế, thầm lặng, bền bỉ.

Ông Chín Tục kể: “Những ngày đầu làm công việc này, rất là đau lưng, nhất là mười đầu ngón tay đau nhức, chai sần nhưng riết rồi thành quen. Sức người thì ít, rác thải thì nhiều. Có nhiều hôm mới nhặt xong sạch sẽ sáng hôm sau ra lại y như cũ. Sóng mạnh cuốn nhiều rác đại dương vào bờ và cũng dường như cuốn đi hết công sức của mình. Nhưng không sao mình vẫn làm, đơn giản chỉ vì nơi này cần mình và mình yêu quý nơi này”.

Hơn một năm làm công việc không giống ai này, ông Chín Tục cũng đã trải qua nhiều lần bị lời ra tiếng vào; bị cho là người không bình thường. Nhưng ông mặc kệ, vẫn âm thầm làm. Và rồi, dần dà gia đình và nhiều người hiểu ông hơn, quay sang ủng hộ và đồng hành.

“Ban đầu mình nói với vợ con là đi tắm biển chứ không nói đi nhặt rác. Về sau đều đặn ngày gió lạnh cũng như ngày biển lớn mình đều đi ra biển nên gia đình biết được. Thêm nữa nhiều người chụp ảnh, quay phim đưa lên mạng xã hội nên vợ con đều biết. Nhưng may mắn mọi người không phản đối, ngược lại còn vui vẻ ủng hộ; chỉ khuyên rằng nên đảm bảo sức khỏe, đừng làm cố sức. Vui hơn là có hôm mấy người tắm biển ở đây cũng tham gia dọn rác cùng mình”, ông Chín Tục cho biết.

Anh Nguyễn Anh Tươi, người dân ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong cho biết: Người dân ở đây không còn quá xa lạ với hình ảnh của chú Chín Tục ở bãi đá. Lúc đầu nhiều người nghĩ chú này rảnh rỗi quá nhưng về sau thấy thương, khâm phục chú. Có những hôm rảnh rỗi công việc, bản thân và một số người dân ở đây cũng cùng phụ với chú song chú là người bền bỉ, kiên trì nhất.

Theo Ban Quản lý Khu du lịch Bình Thạnh, thời gian qua, Ban Quản lý đã triển khai 3 nhóm giải pháp trọng tâm để bảo vệ Khu di tích bãi đá Cà Dược, bao gồm: Giữ gìn chống lấy cắp đá; công tác cứu hộ cứu nạn bãi tắm và đảm bảo vệ sinh môi trường bãi đá. Đối với vấn đề bảo vệ môi trường rác thải, Ban Quản lý đã bố trí rất nhiều thùng rác, thùng xốp để du khách bỏ rác đúng chỗ. Bên cạnh đó còn có một loại rác đại dương trôi dạt vào. Khi lượng rác trôi dạt vào nhiều, Ban Quản lý thuê người thu gom, xử lý nhưng có những thời điểm, lượng rác quá lớn nên xử lý không xuể.

Ông Hồ Công Tiền, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Bình Thạnh cho biết: Ông Chín Tục là một gương sáng, điển hình trong phong trào giữ gìn vệ sinh, thu gom rác thải. Ngày nào cũng vậy, cứ tờ mờ sáng ông Chín Tục lại có mặt ở đây, một mình nhặt rác từ đầu tới cuối bãi rác. Hy vọng hình ảnh ông Chín Tục tạo được sự lan tỏa đến với người dân và du khách cùng hành động để bảo vệ bãi đá nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.

Việc làm của ông Chín Tục chỉ là một hành động nhỏ nhưng nó mang lại một ý nghĩa hết sức to lớn; không chỉ đơn thuần giúp thắng cảnh bãi đá Cà Dược sạch đẹp hơn mà còn giúp lan tỏa tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường đến những du khách khi đến nơi này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục