Amazon Nhật Bản bị phạt vì để hàng giả lưu hành

14:19' - 27/04/2025
BNEWS Vụ việc này làm nổi bật trách nhiệm pháp lý của các nền tảng thương mại điện tử trong việc kiểm soát hàng hóa giả mạo.

Tòa án Nhật Bản, ngày 25/4, ra phán quyết yêu cầu “gã khổng lồ” thương mại trực tuyến Amazon chi nhánh tại Nhật Bản phải bồi thường 35 triệu yen (khoảng 244.000 USD) vì không thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc bán hàng giả trên nền tảng của mình. Vụ việc này làm nổi bật trách nhiệm pháp lý của các nền tảng thương mại điện tử trong việc kiểm soát hàng hóa giả mạo.

Vụ kiện do Tòa án Tokyo xét xử tập trung vào mức độ trách nhiệm của Amazon Nhật Bản trong việc giám sát các danh mục sản phẩm bán trên nền tảng và nỗ lực cần thiết để phát hiện, loại bỏ hàng giả.

Hai nguyên đơn là công ty sản xuất thiết bị y tế Try and E Co. và nhà phân phối Excel Plan Co. đã yêu cầu Amazon bồi thường 280 triệu yen đền bù cho việc doanh số của họ sụt giảm do sự xuất hiện của các sản phẩm giả mạo trên Amazon.

Vụ kiện xoay quanh các sản phẩm máy đo nồng độ oxy trong máu (pulse oximeter) do Try and E, một công ty có trụ sở tại tỉnh Kobe, phát triển và sản xuất, và được Excel Plan phân phối độc quyền.

Theo đơn kiện, vào năm 2021, Excel Plan bán máy đo nồng độ oxy trên trang mạng Amazon, nhưng một người bán khác đã liệt kê một sản phẩm giả mạo trên cùng trang với mức giá chỉ bằng khoảng 10% so với sản phẩm chính hãng.

Hệ thống của Amazon, vốn ưu tiên hiển thị các sản phẩm có giá thấp nhất, đã khiến sản phẩm giả mạo trở nên nổi bật hơn trên trang web. Excel Plan đã báo cáo tình trạng này và yêu cầu Amazon có hành động thích hợp, nhưng thay vì loại bỏ sản phẩm giả, trang liệt kê máy đo nồng độ oxy chính hãng lại bị xóa, khiến công ty không thể tiếp tục bán sản phẩm.

Thẩm phán Yuko Shintani, chủ tọa phiên toà, khẳng định Amazon có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp quản lý để chống lại hàng giả. Bà nhấn mạnh rằng công ty đã không ngăn chặn được các danh mục sản phẩm giả, dù đã được thông báo về vấn đề này.

Luật sư đại diện cho các nguyên đơn nhận định rằng phán quyết này là một cột mốc quan trọng, bởi nó công nhận trách nhiệm của các nền tảng như Amazon trong việc xây dựng hệ thống xác thực hàng hóa phù hợp.

Phán quyết không chỉ ảnh hưởng đến Amazon Nhật Bản mà còn có thể tạo tiền lệ cho các nền tảng thương mại điện tử khác tại Nhật Bản và trên toàn cầu. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các công ty công nghệ phải chủ động ngăn chặn hàng giả để bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất và nhà phân phối hợp pháp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục