Ấn Độ đề xuất áp thuế đối ứng đối với thuế ô tô của Mỹ tại WTO

07:34' - 05/07/2025
BNEWS Ấn Độ đã đệ trình lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đề xuất áp thuế đối ứng đối với các thuế quan mà Mỹ áp dụng đối với ô tô và một số linh kiện ô tô.

Ngày 4/7, Ấn Độ đã đệ trình lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đề xuất áp thuế đối ứng đối với các thuế quan mà Mỹ áp dụng đối với ô tô và một số linh kiện ô tô, trong bối cảnh hai quốc gia đang tiến gần đến việc hoàn tất một hiệp định thương mại tạm thời.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, thông báo của WTO cho biết “việc (Ấn Độ) đề xuất đình chỉ các ưu đãi hoặc nghĩa vụ khác sẽ được thực hiện dưới hình thức tăng thuế đối với một số sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ.

Không ảnh hưởng đến việc thực hiện hiệu quả quyền đình chỉ các nghĩa vụ tương đương như quy định tại Điều 8.2 của Hiệp định về Biện pháp tự vệ (AoS) của WTO, Ấn Độ bảo lưu quyền đình chỉ các ưu đãi sau khi hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo này”.

 

Từ ngày 3/5, Mỹ đã áp dụng biện pháp tự vệ bằng cách tăng thuế suất 25% đối với ô tô chở khách, xe tải nhẹ và một số linh kiện ô tô nhập khẩu. Ấn Độ khẳng định rằng các biện pháp này chưa được Mỹ thông báo đúng cách và không phù hợp với các quy tắc thương mại toàn cầu.

Ấn Độ nhấn mạnh rằng các biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm ô tô có xuất xứ từ Ấn Độ trị giá 2,895 tỷ USD/năm, với tổng mức thuế bổ sung lên tới 723,75 triệu USD. Do đó, Ấn Độ dự kiến sẽ đình chỉ các ưu đãi thương mại có giá trị tương đương để đáp trả.

Tháng trước, Ấn Độ đã đệ trình thông báo chính thức lên WTO theo hiệp định AoS, thông báo ý định đình chỉ các ưu đãi liên quan đến thuế quan mà Mỹ áp đặt đối với thép, nhôm và các sản phẩm dẫn xuất.

Quan điểm của Ấn Độ là: thuế quan mà Mỹ áp dụng theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại Mỹ năm 1962 chính là biện pháp tự vệ, theo định nghĩa của WTO. Do đó, Ấn Độ có quyền đình chỉ các ưu đãi thương mại tương ứng.

Hiện tại, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào thỏa thuận thương mại tạm thời giữa hai nước, khi thời hạn tạm hoãn 90 ngày đối với kế hoạch của Mỹ về thuế đối ứng riêng theo từng quốc gia sẽ kết thúc vào ngày 9/7. Hai bên đang nỗ lực hoàn tất giai đoạn đầu tiên của một Hiệp định thương mại song phương toàn diện (BTA) được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hồi tháng 2.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục