Ấn Độ sắp phát hành trái phiếu kỳ hạn 50 năm lần đầu tiên

07:30' - 01/10/2023
BNEWS Ấn Độ sẽ lần đầu tiên bán trái phiếu kỳ hạn 50 năm, động thái nằm trong kế hoạch tung ra các khoản nợ có kỳ hạn cực kỳ dài để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các quỹ bảo hiểm và lương hưu.

Theo kế hoạch do Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI tức ngân hàng trung ương) công bố hồi đầu tuần này, trái phiếu kỳ hạn mới sẽ góp phần bổ sung vào các trái phiếu có kỳ hạn 30 năm và 40 năm đã bán, kéo dài đường cong lợi suất của quốc gia này.

 

Các ngành bảo hiểm nhân thọ và quỹ hưu trí đang phát triển của Ấn Độ đang thay đổi cục diện của thị trường trái phiếu chính phủ trị giá 1.000 tỷ USD.

Việc phát hành trái phiếu mới phản ánh sức mạnh ngày càng tăng của các quỹ này và giúp chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi giảm sự phụ thuộc vào các ngân hàng để tài trợ cho các khoản vay kỷ lục.

Gaura Sen Gupta, chuyên gia kinh tế tại IDFC FIRST Bank, cho biết: “Nhu cầu của nhà đầu tư rất mạnh, với việc các hộ gia đình phân bổ phần tiết kiệm tài chính lớn hơn vào bảo hiểm nhân thọ, lương hưu và quỹ dự phòng”.

Một quan chức Chính phủ giấu tên nói với các phóng viên: “Các nhà chức trách đang cố gắng tăng thời hạn của các trái phiếu đã bán và dự kiến lợi suất sẽ giảm sau khi trái phiếu Ấn Độ được đưa vào chỉ số chung của nhóm các thị trường mới nổi của JPMorgan Chase & Co.”.

Chính phủ Ấn Độ dự kiến bán 300 tỷ rupee (3,6 tỷ USD) trái phiếu kỳ hạn 50 năm trong khoảng thời gian từ tháng 10/2023 đến tháng 2/2024, chiếm gần 5% tổng số khoản vay của nước này.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Ấn Độ đã giảm 11 điểm cơ bản xuống 7,34%, vượt xa mức giảm 7 điểm cơ bản trong kỳ hạn 5 năm.

RBI cho biết Chính phủ sẽ bán 6.550 tỷ rupee trái phiếu trong nửa cuối năm tài chính này (bắt đầu từ 1/4/2023). Điều đó phù hợp với kỳ vọng và là một phần của mục tiêu phát hành kỷ lục 15.430 tỷ rupee trái phiếu cho cả năm tài chính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục