An Giang: Phát hiện hai mảng nứt lớn trên Quốc lộ 91

18:39' - 03/01/2020
BNEWS Vào khoảng 20 giờ ngày 2/1, người dân trong khu vực phát hiện hai mảng nứt lớn tại khu vực sạt lở Quốc lộ 91 cũ (đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang).
Vết nứt mới xuất hiện trên khu vực sạt lở Quốc lộ 91 cũ, đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Chiều 3/1, ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, cho biết, Quốc lộ 91 cũ, đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (sát bờ sông Hậu) tiếp tục xảy ra sạt lở nghiêm trọng.

Theo đó, vào khoảng 20 giờ ngày 2/1, người dân trong khu vực phát hiện hai mảng nứt lớn tại khu vực sạt lở Quốc lộ 91 cũ (đoạn qua ấp Bình Tân). Mảng nứt thứ nhất rộng 1,5m, dài 5m, mảng nứt thứ 2 rộng 2m, dài 15m tiếp nối về hướng thành phố Long Xuyên. Đến khoảng 2 giờ ngày 3/1, mảng nứt thứ nhất đã đổ sụp xuống bờ sông Hậu.

Nhận được tin báo, lãnh đạo UBND huyện Châu Phú và xã Bình Mỹ đã đến khảo sát hiện trường kiểm tra tình hình sạt lở, vận động các hộ dân trong khu vực di dời đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, chính quyền đã cắt cử lực lượng túc trực 24/24 để kịp thời cảnh báo người dân không đi vào khu vực nguy hiểm.

Nhận định về tình trạng sạt lở Quốc lộ 91 nói riêng và sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập các hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết, nguyên nhân chính của vấn đề sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long là thiếu hụt cát và phù sa.

Ông Thiện cho rằng thiếu hụt cát làm cho đáy sông sâu hơn, làm tăng chiều cao bờ sông, khiến bờ sông nặng hơn. Trong khi đó, thiếu hụt phù sa làm cho dòng nước thành “nước đói” tìm phù sa để bù vào dòng chảy. Dòng chảy thường ăn đứt chân bờ phía bên dưới vào đầu mùa nước.

Khi mực nước xuống thấp, dòng chảy mạnh sẽ tạo nên hiện tượng dư năng lượng, gây ra sạt lở. Những vị trí thường xảy ra sạt lở là nơi sông bị lệch vào một bên như phía bờ lõm của đoạn sông cong, nơi có dòng chảy giao nhau hoặc nơi tiết diện dòng sông bị thu hẹp.

Theo Thạc sỹ Thiện, sạt lở sẽ còn tiếp diễn nếu vấn đề cốt lõi chưa được khắc phục. Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng vấn đề không phải là kinh phí mà cần một nghiên cứu tổng thể của các dòng sông để đưa ra phương án xử lý hiệu quả tình huống sạt lở, tiết kiệm kinh phí nhất.

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện cũng đề xuất rằng có những nơi thay vì cố gắng chống lại sạt lở, chống lại quy luật tự nhiên thì chúng ta có thể chấp nhận và chọn phương án khác như: làm đường tránh, di dời, tái định cư và ổn định sinh kế cho người dân...

Như TTXVN đã đưa tin, tối 31/7/2019 và rạng sáng 1/8/2019, trên tuyến Quốc lộ 91 (đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) liên tục xảy ra sạt lở đất bờ sông. Hậu quả, 1/2 mặt đường nhựa Quốc lộ 91, với chiều dài 85m về phía hạ lưu bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu, 26 hộ dân trong khu vực nguy hiểm buộc phải di dời khẩn cấp.

Theo khảo sát của ngành chức năng, tại vị trí sạt lở cách bờ 70m có hố xoáy sâu 25m, dốc đứng. UBND tỉnh An Giang đã ban bố tình huống khẩn cấp, triển khai công tác khắc phục sự cố. Phương án được đưa ra là thả bao tải cát gia cố mái ta luy (tổng lượng cát khoảng 34.000 m3) nhằm tạo mái dốc bảo vệ đường bờ, ngăn không cho lở sâu thêm vào đất liền. Tổng kinh phí khắc phục sự cố là 25 tỷ đồng.

Đến sáng 18/8/2019, toàn bộ phần cát gia cố bảo vệ Quốc lộ 91 và khu dân dư bị sụp lún xuống sông Hậu. Tại khu vực sạt lở nói trên tiếp tục xuất hiện thêm vết nứt mới. Đến chiều 19/8/2019, UBND tỉnh An Giang cho ngừng thi công công trình khắc phục sự cố sạt lở Quốc lộ 91 để chờ khảo sát đánh giá một cách cụ thể hơn của cơ quan chuyên môn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục