An ninh lương thực - "dư chấn" của dịch COVID-19

10:27' - 04/05/2020
BNEWS Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc cảnh báo dịch COVID-19 có thể làm tăng gần gấp đôi số người bị mất an ninh lương thực khẩn cấp lên tới 265 triệu người vào cuối năm 2020.

Trước tình trạng sự suy giảm kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) Qu Dongyu mới đây kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hành động để đưa hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh mất an ninh lương thực khẩn cấp.

Ông Qu Dongyu nhấn mạnh rằng không thể bỏ qua những ảnh hưởng hiện nay của dịch COVID-19 đối với tình trạng an ninh lương thực của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất thế giới, đồng thời khẳng định FAO đang nỗ lực giảm nguy cơ dịch COVID-19 làm gián đoạn hệ thống cung cấp lương thực và gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cảnh báo dịch COVID-19 có thể làm tăng gần gấp đôi số người bị mất an ninh lương thực khẩn cấp từ 135 triệu người năm 2019 lên tới 265 triệu người vào cuối năm 2020. Theo WFP, tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp là tình trạng thiếu lương thực khiến cuộc sống hoặc sinh kế của một người gặp nguy hiểm ngay lập tức. Điều này nghiêm trọng hơn tình trạng thiếu ăn trong nhiều năm - khái niệm định nghĩa việc một người không thể tiêu thụ đủ thực phẩm để duy trì cách sống năng động, bình thường.

Trước tình hình trên, một loạt cơ quan, tổ chức quốc tế hàng đầu như Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) của Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… đã lần lượt lên tiếng cảnh báo về nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng của thế giới như là một trong những hệ lụy lớn nhất của dịch COVID-19.

Chủ tịch IFAD Gilbert F. Houngbo nhấn mạnh: "Hậu quả từ dịch COVID-19 có thể đẩy nhiều gia đình ở khu vực nông thôn rơi vào tình trạng nghèo khổ, thiếu đói. Đây là một mối đe dọa thực sự đối với sự thịnh vượng và ổn định toàn cầu”.

Giám đốc phụ trách chính sách phát triển của WB, bà Mari Pangestu, cho rằng các nước nghèo nhất thế giới đang đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực do dịch COVID-19, sự sụt giảm nguồn thu ngoại hối, những hạn chế về xuất khẩu lương thực cũng như sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng.

Nhiều nước phải thực hiện biện pháp phong tỏa, khiến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ các nhà hàng và người tiêu dùng sụt giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới những người nông dân. Người nông dân phải vứt bỏ cây trồng, không thu hoạch thay vì tiếp tục sản xuất để tiết kiệm chi phí thuê người thu hoạnh cũng như chi phí vận chuyển.

Chuyên gia kinh tế của FAO Maximo Torero cảnh báo kịch bản xấu nhất là các chính phủ hạn chế xuất khẩu lương thực để ưu tiên cung cấp trong nước, dẫn đến nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vì thiếu hụt nguồn cung và tăng giá lương thực toàn cầu. Cùng với đó, các nhà nhập khẩu thực phẩm lớn cố gắng tăng cường dự trữ bằng cách đẩy nhanh hoạt động nhập khẩu.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn rộng hơn, COVID-19 chỉ là yếu tố làm trầm trọng hơn thực trạng vốn đã khó khăn trên một thị trường lương thực đang phải gồng mình để đối phó với một loạt yếu tố tiêu cực xảy ra liên quan đến một vấn đề cố hữu - đó là tình trạng biến đổi khí hậu, với sức ảnh hưởng chắc chắn không chỉ gói gọn ở những nước nghèo nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục