Ấn tượng về văn hóa xếp hàng của người Nhật

15:18' - 02/04/2017
BNEWS Đối với nhiều người, việc xếp hàng và chờ đợi có thể gây ra cảm giác khó chịu nhưng với người dân ở xứ Phù Tang, xếp hàng đã trở thành “luật bất thành văn” trong văn hóa ứng xử hàng ngày.
Người dân Nhật xếp hàng chờ vào một quán ăn ở thủ đô Tokyo. Ảnh: Đào Tùng/BNEWS

Nhật Bản được cả thế giới biết đến không chỉ về sự phát triển thần kỳ của đất nước này sau chiến tranh Thế giới thứ 2, tinh thần bất khuất của các samurai và vẻ đẹp thanh khiết của hoa anh đào mà còn về những nét đẹp trong văn hóa ứng xử. Một trong những nét đẹp văn hóa của người Nhật khiến tôi vẫn còn ấn tượng đến bây giờ chính là văn hóa xếp hàng.

Đối với nhiều người, việc xếp hàng và chờ đợi có thể gây ra cảm giác khó chịu nhưng với người dân ở xứ Phù Tang, xếp hàng đã trở thành “luật bất thành văn” trong văn hóa ứng xử hàng ngày. Nó được vận hành như một “cỗ máy tự động”. Tất cả người Nhật, từ trẻ em đến người già, đều tuân thủ một cách tự giác và nghiêm túc “luật bất thành văn” đó.

Ở Nhật Bản, đâu đâu bạn cũng có thể bắt gặp những hàng dài người xếp hàng để chờ đến lượt mình, từ các ga tàu điện ngầm, trạm chờ xe bus cho đến các nhà hàng, rạp chiếu phim hay thậm chí cả nhà vệ sinh công cộng. Họ xếp hàng một cách trật tự và nhẫn nại. Tuyệt nhiên, không thấy một người Nhật nào cảm thấy khó chịu khi phải xếp hàng.

Từ góc nhìn của người Nhật, xếp hàng không phải là văn hóa, mà là một thói quen đã được dưỡng thành cùng với thời gian. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em ở đây đã được dạy rằng xếp hàng là một quy tắc cần phải tuân thủ như những “luật bất thành văn” khác trong cuộc sống hàng ngày như: chỉ được đứng bên trái thang cuốn (ở Osaka thì ngược lại), xếp hàng chờ hai bên cửa tàu điện ngầm/xe bus cho đến khi những người ở trong ra hết thì mới vào, không nói chuyện ồn ào ở nơi công cộng...

Ở trường học, mỗi khi đi đâu hay làm gì, các giáo viên luôn nhắc nhở học sinh xếp hàng trật tự và nghiêm túc. Bài học ấy cứ lặp đi, lặp lại hàng ngày và trở thành một thói quen tốt cho những đứa trẻ. Rời trường học về nhà, các em lại được giáo dục cùng một đạo lý. Và cứ thế, việc xếp hàng trở thành thói quen của tất cả người Nhật. Trong trường hợp có ai không tuân thủ quy tắc đó, họ sẽ được nhắc nhở một cách rất lịch sự.

Một lần, tôi đưa anh bạn từ Việt Nam mới sang chơi vào một cửa hàng dược phẩm để mua hàng. Do chưa quen với các “luật bất thành văn” của người Nhật, bạn tôi đã không xếp hàng mà đi thẳng tới quầy thanh toán. Cô bán hàng đã từ chối thanh toán và nhẹ nhàng nhắc bạn tôi quay lại xếp hàng để chờ đến lượt.

Có lẽ, việc giáo dục và rèn giũa ngay từ khi còn nhỏ đã khiến thói quen xếp hàng của người Nhật không thay đổi ngay cả khi những tình huống khẩn cấp. Ở những nơi khác, trong thời điểm xảy ra thảm họa, người ta có thể bỏ qua những phép tắc thường ngày nhưng tại Nhật Bản, điều đó không xảy ra.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thể quên hình ảnh những hàng dài người xếp hàng ở thủ đô Tokyo sau thảm họa động đất-sóng thần hồi tháng 3/2011. Ngay sau trận động đất kinh hoàng có cường độ lên tới 9 độ Richter đó, hệ thống giao thông công cộng ở Tokyo gần như tê liệt. Hàng trăm ngàn người đã bị mắc kẹt và phải ngủ qua đêm tại các ga tàu điện ngầm. Sáng hôm sau, một số tuyến tàu điện đã hoạt động trở lại. Mặc dù đều mệt mỏi sau một đêm không ngon giấc nhưng tất cả mọi người đều xếp hàng trật tự và nhẫn nại chờ đợi để lên tàu. Không một ai chen lấn, không một ai kêu ca cho dù họ vừa trải qua một trong những thời khắc kinh hoàng nhất trong cuộc đời.

Không chỉ có hệ thống giao thông công cộng, hệ thống điện thoại di động rất chập chờn. Người ta buộc phải sử dụng các post điện thoại cố định để liên lạc với nhau. Tại thời điểm đó, tôi đã chứng kiến những hàng dài người xếp hàng một cách trật tự và nhẫn nhại để chờ đến lượt tại các post điện thoại công cộng. Hầu hết mọi người vào đó chỉ để gọi cho người thân và hỏi một câu có an toàn hay không rồi dập máy ngay lập tức để dành thời gian cho những người còn lại.

Sau thảm họa, hầu hết các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc Nhật Bản đều bị tàn phá một cách nặng nề, cuộc sống người dân nơi đây trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không có tình trạng bạo loạn, cướp bóc. Người Nhật vẫn tràn đầy tự tin, lạc quan và sống một cách có trật tự. Có thể nói, thảm họa đó không chỉ cho thấy bản lĩnh và tinh thần bất khuất của người Nhật mà còn phô diễn những nét đẹp tinh túy nhất trong văn hóa ứng xử của đất nước này. Và tôi sẽ không bao giờ quên những ấn tượng đó!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục