Anh đầu tư 370 triệu USD cho phát triển công nghệ giao thông xanh

13:14' - 26/08/2019
BNEWS Anh đã công bố khoản đầu tư 370 triệu USD hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, giúp các phương tiện giao thông xanh hơn và sạch hơn.
Anh muốn đưa máy bay vận tải hàng hoá không người lái vào hoạt động để bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong tương lai, Anh sẽ đưa vào vận hành các loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường như taxi bay, máy bay thương mại điện hay máy bay vận tải hàng hóa không người lái.

Đây là định hướng phát triển của Chính phủ Anh trong nỗ lực góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Anh đã công bố khoản đầu tư 370 triệu USD hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, giúp các phương tiện giao thông xanh hơn và sạch hơn. 

Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo khoản đầu tư nói trên bao gồm 154 triệu USD từ nguồn ngân sách và 216 triệu USD là do các doanh nghiệp trong nước đóng góp.

Theo đánh giá Thủ tướng Anh Boris Johnson, khoản đầu tư này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phát triển thế hệ máy bay chở khách, vận tải hàng hóa thân thiện với môi trường, góp phần khẳng định vị thế của Anh là một trung tâm công nghệ "Xanh" được toàn thế giới công nhận.

Mục tiêu trước mắt của Anh là tập trung phát triển máy bay cỡ nhỏ và các loại máy bay không người lái để đảm bảo sự ổn định của các công nghệ mới trước khi phát triển các dòng máy bay chở khách cỡ lớn thân thiện với môi trường.

Ngoài dự án trên, Chính phủ Anh sẽ đầu tư 6,15 triệu USD cho 5 mạng lưới nghiên cứu giao thông mới do các trường đại học danh tiếng trong nước đảm nhận.

Khoản kinh phí được dùng để hỗ trợ các dự án phát triển các loại năng lượng sạch cũng như những sáng tạo công nghệ nhằm giảm lượng khí thải và cải thiện chất lượng không khí.

Ô nhiễm không khí đang là một trong những thách thức đối với nước Anh, nhất là tại thủ đô London - nơi lượng khí phát thải chủ yếu từ các phương tiện giao thông.

Trước thực trạng này, Anh tạm thời đưa ra các biện pháp để cải thiện tình hình như hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, tăng gấp đôi ngân sách cho quỹ cải thiện chất lượng không khí, tổng vệ sinh định kỳ các loại xe taxi, xe buýt lưu thông trong khu vực thủ đô, tăng phí lưu thông của các loại xe khi di chuyển vào trung tâm thành phố...

Theo một nghiên cứu công bố cuối tháng 7 vừa qua, tình trạng ô nhiễm không khí ở những trục đường có mật độ giao thông đông đúc nhất tại khu vực West End thuộc trung tâm London đã cao gấp 10 lần so với những con đường cắt nhỏ hơn chỉ cách đó vài mét.

Thông tin trên được đưa ra trong dự án mang tên "Breathe London", chuyên giám sát và đo mức độ ô nhiễm tại London.

Trong 8 tháng triển khai, đã có 40% số thiết bị cảm biến tại các nơi khác nhau ghi nhận mức ô nhiễm không khí cao.

Trong đó, phải kể đến những trục đường ở khu vực sầm uất West End có độ nitrogen dioxide (NO2) cao gấp 10 lần so với những con đường nhỏ hơn chỉ cách đó vài mét.

Thị trường thành phố London Sadiq Khan tuyên bố đây là cuộc khủng khoảng sức khỏe cộng đồng vì tình trạng ô nhiễm không khí tại London là nguyên nhân dẫn tới hàng nghìn trường hợp chết sớm ở London mỗi năm, cản trở sự phát triển hệ hô hấp của trẻ và gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp.

Ông nhấn mạnh dữ liệu của hệ thống thiết bị cảm biến hàng đầu thế giới này là lời cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí tại London.

Theo Thị trưởng Khan, tình trạng ô nhiễm ở London không chỉ còn là vấn đề đối với những người sống và làm việc tại trung tâm thủ đô và việc giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này không chỉ cần có sự vào cuộc của chính quyền thành phố mà cần cả sự hỗ trợ thiết thực của chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục