Ảnh hưởng hạn, mặn, người dân Bến Tre e ngại thả giống tôm

18:06' - 21/05/2020
BNEWS Chiều 21/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị Tìm kiếm giải pháp phát triển thủy sản năm 2020.

 

Tại hội nghị, đại diện các địa phương cho biết, trong 6 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của hạn, mặn, nắng nóng kéo dài nên người dân còn e ngại, hạn chế thả giống hoặc thả giống tôm chậm so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh đó, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 làm giá tôm nguyên liệu giảm thấp (giá bán từ 65.000 - 70.000 đồng/kg loại 100 con/kg) và doanh nghiệp hạn chế mua tôm nguyên liệu, nên người dân hạn chế thả giống.

Theo ông Trịnh Quốc Toàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại, toàn huyện có trên 14.900ha nuôi tôm biển nhưng những tháng đầu năm 2020, tiến độ thả nuôi chỉ đạt 72,1% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là do tình trạng xâm nhập mặn, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao nên người nuôi lo ngại về nguy cơ phát sinh dịch bệnh. So cùng kỳ năm 2019, tình hình thiệt hại trên tôm nuôi tăng 33,33% trong năm 2020 .

Trước ảnh hưởng của hạn, mặn đã tác động đến sự phát triển của con tôm, ông Trịnh Quốc Toàn cũng đề xuất ngành nông nghiệp hỗ trợ người dân các giải pháp công nghệ giúp người nuôi thủy sản thích ứng với những biến đổi ngày càng gay gắt của thời tiết như: nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao 2 giai đoạn, ít thay nước nhằm hạn chế sử dụng nước suốt mùa khô.

Đồng thời, tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao khoa học - công nghệ cho nông dân, nhất là quy trình sử dụng các sản phẩm công nghệ sinh học thân thiện với môi trường, đảm bảo cho phát triển bền vững.

Ông Đặng Văn An, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú cũng cho biết, thời gian qua, mặc dù, hạn, mặn, nắng nóng kéo dài nhưng nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong 2 giai đoạn mà diện tích nuôi tôm của ông không bị ảnh hưởng do kiểm soát tốt môi trường nuôi và hạn chế được dịch bệnh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, hằng năm, tăng trưởng khu vực I (nông-lâm-thủy sản) của tỉnh khoảng 2 - 3% nhưng dự báo 6 tháng đầu năm 2020 âm 1,8%.

Theo ông Nguyễn Hữu Lập, muốn kéo khu vực I tăng trưởng không có giải pháp nào hơn là phát triển thủy sản; trong đó, tập trung vào phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập cũng đề nghị tăng diện tích nuôi tôm công nghệ cao 2-3 giai đoạn trong 6 tháng cuối năm khoảng 1.500ha. Ưu tiên cải tiến, áp dụng các phương pháp kỹ thuật mới để đem lại hiệu quả trong việc nuôi tôm. Nghiên cứu thị trường nước ngoài và trong nước để phục vụ theo nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Lập đề nghị, lãnh đạo các huyện chỉ đạo các xã, vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh đảm bảo lịch thời, có sự quản lý, hướng dẫn người dân thả nuôi để đem lại hiệu quả. Đặc biệt, đảm bảo con giống tốt.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng diện tích nuôi thủy sản thả giống ước đạt trên 36.000ha, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng sản lượng nuôi thủy sản tỉnh Bến Tre đã thu hoạch ước đạt trên 110.700 tấn (giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2019) và đạt 36,91% kế hoạch năm 2020.

Những tháng đầu năm 2020, mặn từ các cửa sông chính đã xâm nhập sâu vào đất liền, nắng nóng kéo dài khiến tôm nuôi quảng canh (tôm - lúa) có hiện tượng chết rải rác và chậm lớn so với nhiều năm trên địa bàn các xã thuộc huyện Thạnh Phú.

Hiện nay, hệ thống cống và đê ngăn mặn trên địa bàn một số huyện chưa hoàn chỉnh, hoạt động chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao ảnh hưởng đến quá trình lấy nước của các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tập trung.

Ngoài ra, dịch bệnh COVID-19 cũng ảnh hưởng rất lớn tới giá cả của một số loại thủy sản như tôm sú, tôm chân trắng, cá điêu hồng và cá tra. Các điều kiện bất lợi trên ảnh hưởng đến hoạt động lựa chọn đối tượng nuôi và thả giống; ảnh hưởng định hướng và xây dựng phương án sản xuất trong thời gian tới của người nuôi.

Theo tin từ Chi cục Thủy sản, dự báo đến hết quý II - 2020, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giảm mạnh chỉ còn khoảng 17.000 - 18.000 đồng/kg. Hiện nay, giá thành sản xuất cá tra dao động từ 21.500 - 23.500 đồng/kg. Do đó, đa số hộ nuôi cá tra đều bị lỗ. Một số doanh nghiệp và hộ nuôi chờ giá tăng nên chưa xuất bán.

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hai đợt nghêu chết hàng loạt ở hầu hết các hợp tác xã thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ thiệt hại từ 20% - 90%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục