Ảnh hưởng toàn cầu từ động thái tăng tích trữ chip của Trung Quốc

05:30' - 04/03/2024
BNEWS Nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc giúp bù đắp những yếu kém trong kinh doanh của các công ty bán dẫn toàn cầu vào năm ngoái, đặc biệt là các công ty sản xuất chip bộ nhớ, khi chi tiêu vốn tăng chậm lại.
Theo tờ The Wall Street Journal (WSJ), các công ty Trung Quốc hiện đang tích cực dự trữ nguồn đầu vào thiết bị sản xuất chất bán dẫn (chip). Điều đó đã mang lại khoản doanh thu khổng lồ cho các nhà cung cấp phương Tây và Nhật Bản, nhưng cũng báo trước những diễn biến đáng lo ngại có thể xảy ra trong tương lai.

Một trong những công ty đã hưởng lợi từ chính sách này của Trung Quốc là nhà sản xuất chip Tokyo Electron của Nhật Bản. Cổ phiếu của công ty đã tăng 20% kể từ khi Tokyo Electron công bố nâng triển vọng lợi nhuận vào hai tuần trước. Theo báo cáo của công ty, doanh số bán hàng trong quý IV/2023 đã tăng gấp đôi so với một năm trước, trong đó thị trường Trung Quốc đã đóng góp gần một nửa số doanh thu này.

Nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc giúp bù đắp những yếu kém trong kinh doanh của các công ty bán dẫn toàn cầu vào năm ngoái, đặc biệt là các công ty sản xuất chip bộ nhớ, khi chi tiêu vốn tăng chậm lại. Theo dữ liệu hải quan của Nhật Bản, xuất khẩu thiết bị bán dẫn sang Trung Quốc đã tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023 lên gần 40 tỷ USD. Theo số liệu của Hiệp hội Bán dẫn Toàn cầu (SEMI), doanh số bán thiết bị bán dẫn toàn cầu trong năm 2023 đã giảm 6,1% so với năm trước, xuống còn 101 tỷ USD. Tuy nhiên, sự suy giảm thực tế này đã cải thiện đáng kể so với dự báo vào tháng 7/2023 là giảm 18,6%.

Có một vài lý do giải thích cho sự chi tiêu mạnh mẽ của Trung Quốc đối với nguồn nguyên liệu chip. Đầu tiên, các nhà sản xuất chip Trung Quốc đang gấp rút dự trữ thiết bị trước khi các lệnh hạn chế xuất khẩu công nghệ cứng rắn, đặc biệt là đối với máy in thạch bản, sử dụng ánh sáng để in các mạch điện nhỏ trên tấm silicon gắn các con chip được mở rộng. Dưới các lệnh hạn chế của Chính phủ Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan, những nhà cung cấp chính các loại máy quang khắc này đã thu hẹp quy mô xuất khẩu thiết bị dùng cho sản xuất chip sang Trung Quốc.

Theo dữ liệu hải quan của Trung Quốc, nhập khẩu máy in thạch bản từ Hà Lan vào nước này trong năm 2023 gần như tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh số bán hệ thống in thạch bản sang Trung Quốc từ công ty ASML của Hà Lan, công ty dẫn đầu thị trường về thiết bị in thạch bản, đã tăng gấp ba lần. Trung Quốc chiếm 29% tổng doanh số bán hệ thống ròng của ASML vào năm ngoái - tăng từ mức chỉ 14% vào năm 2022.

ASML đã không thể bán máy in thạch bản cực tím tiên tiến hay EUV cho Trung Quốc trong một thời gian dài. Nhưng những hạn chế mới, gần đây hơn, có nghĩa là họ cũng sẽ không thể xuất khẩu một số máy móc kém tiên tiến hơn sang Trung Quốc. Vào tháng trước, công ty này cho biết chính phủ Hà Lan đã thu hồi giấy phép xuất khẩu một số máy in thạch bản sang Trung Quốc. Do đó, khoảng 10% đến 15% doanh số bán hàng của ASML sang Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng trong năm nay.

Đối với các công ty, tin xấu là việc Trung Quốc tích trữ quá nhiều chip trong năm ngoái có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng vào năm 2024. Mặc dù vậy, việc cường quốc lớn thứ hai thế giới đầu tư mạnh mẽ vào năng lực sản xuất chất bán dẫn vẫn là một xu hướng dài hạn.

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo ra những con chip tiên tiến nhất bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt, nhưng các công ty của nước này đang nỗ lực phát triển các công nghệ tốt hơn. Nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất Trung Quốc là SMIC cho biết, chi tiêu vốn trong năm nay sẽ vẫn gần bằng năm ngoái, ở mức khoảng 7,5 tỷ USD.

Một rủi ro dài hạn khác đối với các nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip là nỗ lực của Trung Quốc nhằm loại bỏ nguồn cung cấp từ phương Tây. Mặc dù Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để bắt kịp một số công nghệ then chốt như in thạch bản, nhưng đã có những bộ phận mà các nhà cung cấp Trung Quốc có thể thay thế các đối tác phương Tây. Bernstein ước tính rằng các nhà cung cấp trong nước chiếm khoảng 14% thị trường thiết bị chế tạo tấm bán dẫn của Trung Quốc vào năm ngoái, tăng từ mức 3% vào năm 2018. Họ kỳ vọng thị phần đó sẽ tăng lên 29% vào năm 2026.

Những công ty “con cưng” như vậy bao gồm Advanced Micro-Fabrication Equipment Inc (AMEC), công ty sản xuất các công cụ khắc để tạo ra các mẫu mạch trên tấm bán dẫn. Công ty vẫn chưa báo cáo kết quả kinh doanh cả năm 2023, nhưng ước tính công khai mới nhất cho thấy tăng trưởng doanh thu ở mức 32% so với cùng kỳ năm trước. AMEC cho rằng doanh số bán thiết bị khắc khô quan trọng của họ đã tăng 49%. Đơn đặt hàng mới cho máy này đã tăng 60% trong năm ngoái, cho thấy tốc độ tăng trưởng vẫn tiếp tục.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục