Hàn Quốc có nguy cơ mất đi lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất chip

09:13' - 26/02/2024
BNEWS Với việc Mỹ và Nhật Bản đang nỗ lực hết mình để giành lại vị trí dẫn đầu thế giới trong sản xuất chất bán dẫn, Hàn Quốc có nguy cơ mất đi lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Theo Korea Herald ngày 26/2, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo trong phát biểu cuối tuần trước cho biết Mỹ sẽ cần Đạo luật CHIPS và Khoa học thứ hai nếu muốn “dẫn đầu thế giới” trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn và đáp ứng nhu cầu công nghệ cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

 

Đạo luật CHIPS và Khoa học, do Tổng thống Mỹ Joe Biden ký vào năm 2022, dành 39 tỷ USD tài trợ trực tiếp và thêm 75 tỷ USD cho các khoản vay và bảo lãnh tín dụng để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn tiên tiến ở trong nước.

Nhà sản xuất chất bán dẫn Intel của Mỹ, công ty đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy với tổng giá trị đầu tư 20 tỷ USD ở Ohio và mở rộng 20 tỷ USD ở Arizona, đang thảo luận về các ưu đãi tín dụng và tài trợ trị giá hơn 10 tỷ USD.

Tuần trước Intel cho biết họ đã ký hợp đồng với Microsoft với tư cách là khách hàng sản xuất chip với kỳ vọng sẽ vượt qua Công ty Sản xuất chất bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc).

Trong lĩnh vực sản xuất chip tiên tiến, Intel đặt kế hoạch sản xuất hàng loạt trước thời hạn dự kiến là năm 2025. Intel cũng tìm cách sản xuất hàng loạt chip 1,8nm vào cuối năm nay, trước khi Samsung và TSMC có kế hoạch sản xuất chip 2nm với số lượng lớn vào năm 2025. "Gã khổng lồ" công nghệ này cũng đặt mục tiêu sản xuất chip 1,4nm siêu mịn như Samsung và TSMC vào năm 2027.

Bộ trưởng Raimondo trong phát biểu của mình đã nhấn mạnh Mỹ không thể và không muốn sản xuất mọi thứ ở Mỹ, song Mỹ cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng chất bán dẫn  và tăng cường sản xuất nhiều hơn ở trong nước, đặc biệt là các chip tiên tiến hàng đầu để có dẫn dẫn dắt và đáp ứng lĩnh vực AI.

Cùng với Mỹ, Nhật Bản đã chi mạnh tay để thuyết phục các công ty như TSMC, Samsung Electronics và Micron Technology chuyển cơ sở sang nước này để đảm bảo nguồn cung cấp chip sử dụng trong ô tô và điện thoại di động.

Ngày 24/2, TSMC đã khai trương nhà máy bán dẫn đầu tiên tại Nhật Bản trên một địa điểm từng là cánh đồng bắp cải ở Kumamoto, đánh dấu sự khởi đầu thuận lợi trong cuộc đua sản xuất chip toàn cầu. Ban đầu, người ta dự đoán sẽ phải mất khoảng 5 năm để xây dựng nhà máy này song Nhật Bản đã triển khai và hoàn tất dự án chỉ trong hai năm với sự hỗ trợ hiệu quả của chính phủ.

Công việc xây dựng và lắp đặt thiết bị được thực hiện 24/24 giờ và vì thế nhà máy sản xuất chip tiên tiến đã hình thành chỉ hai năm bốn tháng sau khi TSMC công bố kế hoạch đầu tư vào Kumamoto tháng 10/2021.

Chính phủ Nhật Bản đã nới lỏng các quy định kéo dài nửa thế kỷ để cho phép xây dựng nhà máy sản xuất chíp hiện đại giữa một vùng đất nông nghiệp và hỗ trợ cung cấp 40% chi phí xây dựng nhà máy.

Tại lễ khai trương nhà máy mới hôm 24/2, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Ken Saito cho biết Tokyo sẽ cung cấp thêm 4,86 tỷ USD trợ cấp cho "gã khổng lồ" chip Đài Loan để mở rộng nhà máy tại nước này. TSMC chuẩn bị xây dựng nhà máy thứ hai tại Nhật Bản, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất sau khoảng ba năm.

Cũng trong tuần trước, chứng khoán toàn cầu được hỗ trợ bởi một cổ phiếu duy nhất - nhà thiết kế chip Nvidia của Mỹ - đã báo cáo doanh thu vượt trội do nhu cầu tăng vọt đối với chip dùng cho các ứng dụng AI. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đánh dấu lần đầu tiên đóng cửa trên 39.000 điểm và chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản đã phá mức cao kỷ lục của 34 năm trước.

Tuy nhiên, tình hình ở Hàn Quốc lại không mấy khả quan. Địa điểm xây dựng cụm bán dẫn SK hynix ở Yongin, tỉnh Gyeonggy, đã được công bố vào năm 2019, nhưng việc khởi công đã bị trì hoãn 5 lần do các vấn đề hành chính của địa phương về cấp điện và nước. Với sự vào cuộc của chính quyền trung ương, việc xây dựng cụm công nghiệp này cuối cùng sẽ bắt đầu vào tháng Ba năm sau.

Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch kéo dài thời gian hỗ trợ tín dụng thông qua phương pháp giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vào lĩnh vực chất bán dẫn đến năm 2030 bị đảng Dân chủ (DP) đối lập chính ở Hàn Quốc và đang kiểm soát ở Quốc hội chỉ trích là “đối xử ưu đãi dành cho các tập đoàn lớn”.

Chính phủ Hàn Quốc tháng Một vừa qua cũng công bố kế hoạch xây dựng cụm công nghiệp bán dẫn siêu lớn ở phía Nam tỉnh Gyeonggy nhưng dự kiến cụm công nghiệp này sẽ hoàn thành vào năm 2047.

Giới chuyên gia cảnh báo rằng với cách thức triển khai thần tốc và hỗ trợ chưa từng có tiền lệ ở các cường quốc công nghệ, Hàn Quốc cần đẩy nhanh việc bãi bỏ quy định, đổi mới vượt bậc mới có thể tồn tại trong cuộc đua khốc liệt sản xuất chip toàn cầu.

Trong tình hình hiện tại, Chính phủ, các chính đảng cùng các doanh nghiệp Hàn Quốc phải sử dụng mọi biện pháp có thể trước khi quá muộn trong cuộc chiến sản xuất chip toàn cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục