Áp dụng công nghệ để quản lý xe hợp đồng, xử lý xe khách trá hình

19:06' - 02/06/2017
BNEWS Tọa đàm “Đổi mới quản lý kinh doanh vận tải khách” do Báo Giao thông tổ chức tại Hà Nội chiều 2/6 tập trung thảo luận giải pháp quản lý xe hợp đồng, xử lý xe khách trá hình, xe dù, bến cóc.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chủ trì buổi toạ đàm. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, vận tải hành khách là loại hình kinh doanh có điều kiện. Nghị định 86/NĐ- CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô đã được ban hành từ năm 2014, qua gần 3 năm triển khai cũng bộc lộ một số bất cập và đang tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho hợp lý hơn.

“Trước sự phát triển ngày càng cao của xã hội, nhiều vấn đề quy định tại Nghị định không còn phù hợp với thực tiễn. Chúng ta phải thừa nhận, nhiều khi sự phát triển của xã hội nhanh hơn các quy định tại các văn bản pháp luật”, Thứ trưởng Thọ cho hay.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) đánh giá: việc sửa đổi Nghị định 86 cũng như các văn bản pháp luật khác là nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động vận tải.

Mục tiêu là tạo ra môi trường kinh doanh vận tải minh bạch và thuận lợi, rạch ròi từng loại hình và tuân thủ các quy định của pháp luật. Một trong những nội dung của Nghị định 86 sửa đổi là tập trung quản lý các xe hợp đồng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86, dư luận xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô rất quan tâm.

“Hiệp hội vận tải ô tô cũng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu dự thảo và kiến nghị những vấn đề cần sửa đổi. Trong đó có nội dung là vấn đề xe hợp đồng trá hình. Có thể nói đây là vấn nạn nhức nhối xảy ra trên phạm vi cả nước, diễn ra trong nhiều năm mà chúng ta chưa giải quyết được.

Hiện nay đã phát sinh ra nhiều hình thức xe hợp đồng trá hình, xe hợp đồng du lịch nhưng chạy như tuyến cố định, nay còn thêm Limousine rồi Uber nữa, chạy như tuyến cố định”, ông Thanh chia sẻ.

Về quan điểm của Hiệp hội, ông Thanh khẳng định: “Chúng tôi chỉ mong các doanh nghiệp vận tải, các loại hình vận tải nên nghiên cứu gọn lại, các điều kiện kinh doanh rõ ràng mạch lạc, minh bạch hơn, đừng thủ tục phức tạp quá, đồng thời bình đẳng về các ràng buộc tiêu chuẩn, đặc biệt thuế.

Theo ông Nguyễn Tuyển, Phó phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trước tình trạng xe dù bến cóc, xe khách trá hình diễn biến phức tạp, Tp. Hà Nội đã yêu cầu Sở thực hiện các biện pháp xử lý triệt để.

“Về cơ chế chính sách, chúng tôi tích cực phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để sửa đổi bổ sung một số quy định trong Nghị định thay thế Nghị định 86. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường quản lý, tích cực xử lý qua phần mềm cảnh báo, thiết bị giám sát hành trình một số hành vi vi phạm như dừng đỗ sai quy định, chạy quá tốc độ...

Liên quan tới giám sát xe hợp đồng, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam bày tỏ: “Quan điểm của chúng tôi muốn nêu trong dự thảo thay thế Nghị định, quy định quản lý xe hợp đồng trên cơ sở giám sát hành trình.

Trong thời gian tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ xây dựng phần mềm để đối chứng với dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, làm cơ sở đưa ra chế tài xử phạt”.

“Cố gắng thực hiện theo phương thức xử phạt nguội bởi lực lượng thanh, kiểm tra có hạn. Ngoài thiết bị giám sát hành trình là công cụ giám sát xử lý vi phạm, còn có hệ thống camera giám sát vi phạm trên các tuyến đường, thực hiện nghiêm ngặt việc cân kiểm soát tải trọng cố định… Đấy là những nỗ lực hướng tới việc xử lý vi phạm công khai, minh bạch”, bà Hiền nói.

Dưới góc độ doanh nghiệp kinh doanh vận tải, ông Nguyễn Trí Dũng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang (FUTA Bus Lines) chia sẻ, Phương Trang là doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận tải theo hình thức tuyến cố định.

Không chỉ Phương Trang, mà tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến cố định, rất ủng hộ sửa đổi các quy định để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. Theo đó, thay vì chỉ xử phạt lái xe như hiện nay thì phải xử phạt các doanh nghiệp vận tải. Đây là xử lý cái gốc chứ không phải chỉ xử lý các lái xe điều khiển phương tiện.

“Về quản lý tuyến cố định và xe dù bến cóc, thời gian vừa qua cũng có nhiều vấn đề đặt ra, được dư luận quan tâm, nhất là nhằm tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh hơn. Và việc điều chỉnh là cần thiết để phù hợp với sự từng giai đoạn phát triển”, ông Dũng nêu quan điểm.

Để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, ông Dũng đề xuất cần áp dụng công nghệ để kiểm tra giám sát các doanh nghiệp, đảm bảo nộp thuế đầy đủ. Chúng tôi không quan trọng là loại hình vận tải như thế nào, miễn là nộp thuế đầy đủ, bình đẳng để cạnh tranh và phục vụ hành khách tốt hơn.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, "trước đây, chúng ta thường dùng hợp đồng giấy. Để tiện lợi hơn, gần đây chúng ta ứng dụng hợp đồng điện tử. Về giá trị pháp lý thì cũng tương tự như hợp đồng văn bản. Hiện chúng ta mới đang ứng dụng thí điểm hợp đồng điện tử và đây là vấn đề tất yếu".

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 lần này chú trọng đưa về địa phương giám sát quản lý. Các Sở Giao thông Vận tải sẽ có kế hoạch giao chính quyền địa phương xác định điểm dừng đỗ. Kể cả xe hợp đồng, xe buýt muốn đón khách cũng phải đỗ đúng điểm. Đồng thời, tới đây cần có quy định cụ thể về điểm dừng đỗ như thế nào, diện tích, thời gian dừng ra sao…Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục