Áp dụng tin học vào quản lý: Con đường ngắn nhất nâng cao năng lực cạnh tranh

08:20' - 19/10/2017
BNEWS Áp dụng tin học vào quản lý hoạt động sản xuất là con đường ngắn nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh và là con đường tất yếu để phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.

Hệ thống dầu cấp phát cho sản xuất tại khai trường Công ty cổ phần Than Cọc Sáu. Ảnh: Thảo Nguyên/BNEWS/TTXVN

Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đang khai thác than lộ thiên với hơn 2.000 thiết bị vận tải hoạt động bằng dầu diesel hoạt động trên các khai trường ở địa phận Quảng Ninh có mức tiêu thụ nhiên liệu lên tới 220 triệu lít/năm thì việc quản lý tốt khâu nhiên liệu sẽ mang lại những lợi ích thiết thực. Đồng thời, tiết kiệm được chi phí cũng như thời gian làm việc của công nhân.

Được triển khai từ tháng 10/2015 và chính thức sử dụng năm 2016, đến nay, hệ thống cấp phát tự động nhiên liệu đã được áp dụng với 85 phương tiện tại Công ty cổ phần Than Hà Tu và 101 phương tiện tại Công ty cổ phần Than Đèo Nai. Hệ thống này hiện đang được tiếp tục triển khai tại các công ty Tuyển than Cửa Ông, Tuyển than Hòn Gai và Kho vận Đá Bạc.

Ông Trương Văn Vệ, Phó Giám đốc phụ trách về an toàn, Công ty cổ phần Vật tư – TKV cho biết, với nhiều ưu điểm vượt trội như đảm bảo cấp phát nhiên liệu được kiểm soát từ đầu nguồn cung cấp cho tới tận bình chứa của phương tiện vận tải với giao diện phần mềm quản lý được thiết kế bảo mật chặt chẽ và thân thiện, việc cấp phát nhiên liệu được điều hành và kiểm soát từ xa.

Khác với hình thức sử dụng tem phiếu và bảng kê, hình thức cấp phát tự động được chạy trên nền tảng web, dữ liệu được quản lý tập trung nên người dùng chỉ cần có mạng Internet ổn định là có thể truy cập được vào hệ thống.

Quy trình cấp phát dầu gồm ba phần. Ở phần lập lệnh, căn cứ vào định mức tiêu hao nhiên liệu, cung độ vận hành và khả năng chứa của phương tiện, cán bộ được giao trách nhiệm lập lệnh cho các xe được huy động sản xuất trong ca và duyệt lượng dầu cấp cho từng phương tiện. Sau khi duyệt, lượng dầu duyệt cấp sẽ được cập nhật về hệ thống máy chủ và đồng bộ lập tức với máy tính điều khiển cột bơm để sẵn sàng cấp nhiên liệu cho phương tiện.

Phần cấp phát, ở các cột cấp nhiên liệu, các phương tiện đã có tên trong bảng lập phiếu cấp phát và được duyệt cấp trong hệ thống sẽ được cấp tự động tại cột bơm hoặc trên xe cấp lẻ. Các thông tin về tên phương tiện, đơn vị quản lý, số lượng dầu, ngày giờ cấp… sẽ được cập nhật ngay vào hệ thống.

Khi kết thúc mã bơm, máy in tại cột bơm sẽ tự động in Phiếu in cấp phát dầu 2 liên giao lái xe và thủ kho lưu. Cuối ca, máy in tại kho sẽ tự động in bảng kê chi tiết, làm cơ sở để đối chiếu thanh toán cho mỗi đội xe.

Đối với phần kiểm soát, tùy theo phân quyền trên hệ thống, cấp Tập đoàn có thể xem được các báo cáo yêu cầu quản trị từng đơn vị, cấp đơn vị sử dụng nhiên liệu có thể kiểm soát trực tuyến, kết xuất dữ liệu phục vụ lưu trữ và xây dựng báo cáo theo đặc thù quản lý của mình.

Cải thiện dây chuyền sản xuất than. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại Công ty cổ phần Than Hà Tu, việc cấp phát đã được thực hiện ở 85 xe trọng tải lớn. Điều này đã giúp công ty quản lý chặt từ khâu cấp phát đến sử dụng nguyên liệu trong khai thác mỏ lên tới 11 triệu lít dầu/năm.

Ông Đặng Văn Tĩnh, Phó Giám đốc cơ điện và vật tư Công ty cổ phần Than Hà Tu cho biết, sau khi sử dụng thiết bị cấp phát nhiên liệu thông minh của Công ty cổ phần Vật tư - TKV đã khắc phục được tất cả những tồn tại của cấp phát nhiên liệu bằng tem phiếu và bảng kê.

Hệ thống này đã giúp công ty tiết kiệm được thời gian, nhân lực cũng như chi phí. Đồng thời, ngăn chặn được các hành vi tiêu cực trong giao dịch mua bán, giúp công ty quản lý được quá trình vận hành từ người cấp nhiên liệu đến người sử dụng nhiên liệu.

Trong cơn mưa nặng hạt trên khai trường, công nhân vận hành xe Nguyễn Hữu Trung, lái xe phân xưởng xe 2, Công ty cổ phần Than Hà Tu cho hay, là người lấy dầu, anh chỉ cần cắm vòi dầu vào bình của xe là dầu tự động chảy.

Muốn lấy thêm hay bớt đi cũng không được vì hệ thống cấp phát rất chính xác về số liệu và không thiếu không thừa dầu. Trước đây, anh phải ký rất nhiều phiếu thì mới được lấy dầu, giờ thì quy trình đã rút ngắn giúp anh không mất nhiều công đọan.

Từ khi thực hiện cấp phát nhiên liệu tự động, thời gian để lái xe từ đội xe đến nơi cấp phát nhiên liệu của một phương tiện vận tải tiết kiệm được từ 5-8 phút và bình quân mỗi năm tiết kiệm được trên 100 giờ.

Với 85 phương tiện, bình quân mỗi năm Công ty cổ phần Than Hà Tu tiết kiệm được hơn 9.000 giờ. Điều này đồng nghĩa với thời gian vận hành của công nhân trong ca sản xuất tăng lên, chi phí sản xuất giảm, qua đó giảm được định mức tiêu hao nhiên liệu và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty.

Với Công ty cổ phần Than Đèo Nai, việc cấp phát nhiên liệu cũng được lãnh đạo công ty quan tâm bởi số lượng dầu tiêu thụ mỗi năm của công ty lên tới 26 triệu lít. Việc triển khai hệ thống này đã giúp công ty quản trị chi phí. Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Than Đèo Nai, hệ thống vận hành chính xác hiệu quả, thời gian cấp phát nhanh.

Quản đốc Phân xưởng Vận tải 4, Công ty cổ phần Than Đèo Nai Đinh Phát Đạt bày tỏ, giờ đây khi cấp phát, chỉ phải ngồi máy tính bấm số liệu vào ca, số lượng xe là lái xe chỉ việc đánh xe vào kho cắm vòi lấy dầu. Phiếu in ra chỉ việc ký tên, ngày giờ, số lượng, vòi bao nhiêu. Trường hợp mất mạng thì dùng thẻ quét. Hệ thống nhận diện thông minh giúp cả người quản lý và cấp phát đều nhàn hơn.

Theo ông Phạm Văn Mật, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, để đảm bảo sự thành công của hệ thống cấp phát thông minh này nói riêng, trong thời gian tới các đơn vị trong Tập đoàn tăng tốc quy hoạch hạ tầng mạng về tự động hóa, công nghệ hóa, có định hướng đầu tư hệ thống mạng để tạo nên sự thống nhất, đảm bảo, tránh gây lãng phí. Bên cạnh đó, tổ chức các cuộc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với các cột bơm nhằm đảm bảo tính minh bạch, chính xác của số liệu hệ thống./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục