Áp lực cải cách chi tiêu công

06:48' - 24/07/2016
BNEWS Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về tài chính; trong đó có gánh nặng nợ công và áp lực kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước.
Áp lực cải cách chi tiêu công đang là một trong những thách thức lớn nhất của ngành tài chính. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thời gian qua Việt Nam gặp phải những khó khăn như sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới, giá dầu vẫn duy trì mức thấp; thiên tai hạn hán ảnh hưởng đến quá trình phát triển.

Quá trình tái cơ cấu kinh tế trong ba lĩnh vực: đầu tư công, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước đặt ra nhiều thách thức. Việc chi tiêu cho an sinh xã hội, khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu… làm gia tăng bội chi ngân sách (cả Trung ương và địa phương), làm tăng tỷ lệ nợ công.

Do vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc cơ cấu lại thu – chi ngân sách nhà nước là nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc cơ cấu lại thu – chi ngân sách nhà nước là nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện. Ảnh: TTXVN

Chi ngân sách nhà nước cũng được cơ cấu lại để đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư và chi trả nợ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài và vốn đầu tư công, tăng cường quản lý nợ công.

Mức nợ công không được vượt ngưỡng 65% GDP vào năm 2020, bội chi ngân sách giai đoạn tới duy trì khoảng 4% GDP, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Theo ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam nên từng bước giảm nợ công qua kết hợp cân đối giữa các biện pháp thu và chi. Cùng với đó là nâng cao hiệu suất chi tiêu với việc giảm tỷ lệ chi trên GDP.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý Việt Nam có thể duy trì mức đầu tư như hiện nay nhưng tập trung vào xác định ưu tiên, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn, hạn chế tăng chi thường xuyên bao gồm cả chi lương đồng thời sắp xếp lại nguồn lực trong các lĩnh vực chính.

Bên cạnh đó, ông Sebastian Eckardt cho rằng phải tăng cường huy động nguồn thu và hành thu qua một số chính sách như ổn định và tăng dần tỷ lệ thu trên GDP nhằm góp phần củng cố tình hình tài khóa;

Tăng cường thuế gián thu qua cải cách thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt; rà soát, từng bước hợp lý hóa các hình thức miễn giảm, ưu đãi thuế, làm cho môi trường thuế trở nên công bằng hơn.

Tỷ trọng đầu tư của Việt Nam hiện đang có xu hướng giảm dần. Ảnh: TTXVN

Bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB nhận định, tỷ trọng chi đầu tư của Việt Nam hiện nay đang có xu hướng giảm dần với sự chuyển dịch trong cơ cấu đầu tư công giữa Trung ương và địa phương do mức độ phân cấp ngày càng tăng.

77% của chi đầu tư là do địa phương thực hiện. Đầu tư của Trung ương giảm ảnh hưởng đến việc tập trung nguồn lực thực hiện các dự án, mục tiêu quan trọng của quốc gia. Trong khi đó, tỷ trọng đầu tư cho địa phương cao có thể dẫn đến đầu tư dàn trải, giảm hiệu suất.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng việc cải cách quản lý tài chính công đã có nhiều tiến triển tích cực trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, vẫn còn “sự thiếu gắn kết giữa báo cáo dự toán, thực hiện và quyết toán ngân sách; không đồng nhất trong phân loại ngân sách giữa các khâu trong chu trình ngân sách và không nhất quán với các chuẩn mực quốc tế.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa ngân sách, các quỹ ngoài ngân sách và các doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng; hệ thống kế toán chưa phản ánh được bức tranh đầy đủ và đúng đắn về tình hình tài khóa”, ông Võ Thành Hưng cho biết thêm.

Để giải quyết những bất cập này, theo ông Võ Thành Hưng cần tăng cường trách nhiệm giải trình và báo cáo theo hiệu quả hoạt động; từng bước triển khai lập ngân sách theo đầu ra tại các cơ quan/đơn vị phù hợp;

Tăng cường năng lực về kiểm toán hiệu quả hoạt động; đảm bảo nhất quán từ khâu dự toán đến quyết toán; hợp nhất dữ liệu kế toán của các đơn vị khu vực công trong báo cáo tài chính hợp nhất của Chính phủ.

“Đặc biệt việc mở rộng khả năng tiếp cận thông tin ngân sách chất lượng để phục vụ tốt hơn cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân là hết sức cần thiết”, ông Võ Thành Hưng khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục