Áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn tiếp tục tăng trong tháng 5

15:45' - 05/05/2023
BNEWS Áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn tiếp tục gia tăng trong tháng 5, trong khi danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của HNX tiếp tục tăng lên.

Áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn tiếp tục gia tăng trong tháng 5, trong khi danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của HNX tiếp tục tăng lên.

Đây là nhận định của nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vndirect trong báo cáo đầu tư tháng 5 mới đây.

Theo ước tính của Vndirect, trong tháng 5 sẽ có khoảng 17,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, tăng 12,6% so với tháng 4. Số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn đến ngày 24/4.

Dữ liệu tổng hợp của Vndirect đến ngày 24/4 có khoảng 57 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX.

Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 152,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 13,9% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường.

Khoảng hơn 45,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

Dù vậy, với Thông tư 03/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định ngưng hiệu lực thi hành Khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, Vndirect đánh giá có tác động tích cực tới người dân, doanh nghiệp và ngành ngân hàng; trong đó, tái cấu trúc thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới.

Thông tư này hoãn thi hành Khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021, cho phép ngân hàng được quyền mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, một phần giúp tăng cầu trái phiếu, có lợi cho các ngân hàng hoạt động mạnh trên thị trường trái phiếu như TCB, MBB (9% tổng tín dụng), VPB (8%).

Tuy nhiện, Vndirect cho rằng, việc này còn tùy vào khẩu vị rủi ro nhất là trong bối cảnh hiện tại các ngân hàng này cũng ưu tiên việc quản trị rủi ro/cân bằng chất lượng tài sản hơn mục tiêu tăng trưởng.

Điều kiện kèm theo sẽ phần nào làm giảm rủi ro tín dụng, rủi ro chất lượng tài sản cho các ngân hàng khi mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục