Áp thêm thuế xe điện Trung Quốc - sự thay đổi lớn trong chính sách thương mại của EU

11:00' - 13/06/2024
BNEWS Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đánh thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với xe điện Trung Quốc nhập khẩu từ tháng 7 tới. Theo giới phân tích, động thái này có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc.

Sự thay đổi lớn trong chính sách thương mại của EU

Chỉ chưa đầy một tháng sau khi Mỹ công bố kế hoạch tăng gấp bốn lần thuế đối với xe điện Trung Quốc lên 100%, Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ chống lại các khoản trợ cấp quá mức của Trung Quốc bằng cách áp thêm thuế quan, từ 17,4% đối với hãng BYD lên đến 38,1% đối với hãng SAIC, ngoài mức thuế hiện tại 10%.

Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu thương mại năm 2023 của EU, các mức thuế trên sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc mất thêm hàng tỷ euro chi phí bổ sung trong thời điểm nhu cầu đang chậm lại và giá bán nội địa giảm.

 

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang phải đối mặt với thách thức từ dòng xe điện giá rẻ hơn của các đối thủ Trung Quốc. EC ước tính thị phần của các nhà sản xuất Trung Quốc trên thị trường EU đã tăng từ dưới 1% vào năm 2019 lên 8% và có thể đạt 15% vào năm 2025. EC cho biết giá xe Trung Quốc thường thấp hơn 20% so với các mẫu xe sản xuất tại EU.

Ông Andrew Kenningham, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách châu Âu tại Capital Economics, cho biết quyết định của EU đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách thương mại của khối, bởi vì mặc dù EU thường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với Trung Quốc, nhưng chưa từng làm vậy đối với một ngành công nghiệp quan trọng như ô tô.

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu muốn tránh lặp lại những gì đã xảy ra với mặt hàng tấm pin Mặt trời cách đây 10 năm, khi EU chỉ thực hiện các biện pháp nhỏ để hạn chế hàng nhập khẩu của Trung Quốc và nhiều nhà sản xuất châu Âu đã phá sản. EU đã mở một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái.

Cổ phiếu của một số nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, những hãng có phần lớn doanh số bán hàng đến từ thị trường Trung Quốc, đã giảm vì lo ngại Trung Quốc sẽ trả đũa. Một số hãng như BMW giờ đây cũng sẽ phải chịu thuế quan đối với các mẫu xe điện của họ được sản xuất tại Trung Quốc và bán tại châu Âu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lâm Kiếm (Lin Jian), cho biết cuộc điều tra của EU là "một ví dụ điển hình của chủ nghĩa bảo hộ" và việc áp thuế quan sẽ gây thiệt hại cho mối quan hệ hợp tác kinh tế Trung Quốc-EU và sự ổn định của chuỗi sản xuất và cung ứng ô tô toàn cầu. Ông cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để "bảo vệ vững chắc" các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo một bài báo trên hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã, Trung Quốc hy vọng EU sẽ nghiêm túc xem xét lại các khoản thuế quan đối với xe điện Trung Quốc và ngừng đi theo "hướng đi sai lầm".

Trong khi đó, Hiệp hội Ô tô Trung Quốc dường như không quá lo ngại. Tổng thư ký Hiệp hội, ông Cui Dongshu, cho biết: "Thuế quan tạm thời của EU về cơ bản nằm trong dự đoán của chúng tôi, trung bình khoảng 20%, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến phần lớn các công ty Trung Quốc".

Theo ông, các nhà sản xuất đang xuất khẩu xe điện được sản xuất tại Trung Quốc, trong đó có Tesla, Geely và BYD, vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn ở châu Âu trong tương lai. Các nhà sản xuất và nhà cung cấp xe điện Trung Quốc cũng đang bắt đầu đầu tư vào hoạt động sản xuất tại châu Âu, từ đó sẽ tránh được thuế quan.

Khả năng trả đũa từ Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc hồi tháng Tư đã thông qua một điều luật để tăng cường khả năng đáp trả nếu Mỹ hoặc EU áp thuế quan lên hàng xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với hầu hết các loại rượu mạnh nhập khẩu từ Pháp, và các nhà sản xuất rượu cognac của Pháp "rất lo lắng" về khả năng Trung Quốc trả đũa đối với thuế xe điện của EU.

Các mức thuế tạm thời nói trên của EU dự kiến áp dụng từ ngày 4/7, và EU sẽ tiếp tục điều tra đến ngày 2/11. Khi đó, các mức thuế quan chính thức, thường có hiệu lực trong 5 năm, có thể được áp dụng. EC cho biết họ sẽ áp mức thuế bổ sung 21% đối với các công ty hợp tác điều tra và 38,1% đối với các công ty được cho là không hợp tác.

EC cho biết các nhà sản xuất ô tô phương Tây như Tesla và BMW, những hãng đang xuất khẩu xe từ Trung Quốc sang châu Âu, được xem là đang hợp tác điều tra. EC cũng nói thêm rằng Tesla, hiện là nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất từ Trung Quốc sang châu Âu, đã yêu cầu được hưởng một mức thuế riêng.

EU cho biết đã liên hệ với Trung Quốc để thảo luận về kết quả điều tra của mình và tìm cách giải quyết các vấn đề đặt ra. Hiện BYD, SAIC, Geely và Tesla đều chưa có bình luận gì về thông tin nói trên.

Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, cảnh báo rằng những tác động tiêu cực của thuế quan sẽ lớn hơn những lợi ích mà nó có thể mang lại, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp ô tô Đức. Mercedes-Benz cho biết Đức, ở vị trí là một quốc gia xuất khẩu, không cần thêm các rào cản thương mại. BMW cho rằng các mức thuế quan nói trên của EU là "điều không nên".

Trung Quốc chiếm khoảng 30% doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ô tô Đức trong quý đầu tiên. Một số nhà kinh tế cho rằng tác động kinh tế tức thời của các khoản thuế bổ sung này sẽ rất nhỏ. EU đã nhập khẩu khoảng 440.000 xe điện từ Trung Quốc trong 12 tháng tính đến tháng Tư, trị giá 9 tỷ euro (9,7 tỷ USD), chiếm khoảng 4% chi tiêu của hộ gia đình cho phương tiện đi lại.

Viện Kinh tế Thế giới Kiel dự báo mức thuế 20%, tương đương với mức trung bình mà EU sẽ áp dụng, sẽ làm giảm 25% lượng xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục