APEC 2017: Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng

10:30' - 13/05/2017
BNEWS Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng trong khối APEC là một trong những nội dung ưu tiên trong hợp tác sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh thực hiện.

Theo đó, đối với Chương trình hành động về giao thông vận tải, Bộ sẽ có chủ trương đề xuất các giải pháp cụ thể về vốn và chính sách để triển khai hiệu quả các sáng kiến phát triển, kết nối giao thông đã có.

Tắc đường nghiêm trọng tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Trần Tình/TTXVN.

Cụ thể như xây dựng và hoàn thiện tuyến đường sắt xuyên Á; phát triển các tuyến đường bộ huyết mạch theo các hành lang kinh tế như Hành lang kinh tế Đông-Tây trong khu vực GMS; hành lang kinh tế Trung Quốc-Bán đảo Đông Dương; Hành lang kinh tế Banglades-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar…

Đối với kết nối vùng sâu, vùng xa và kết nối con người, Bộ đề xuất sáng kiến kết nối các tỉnh, thành phố phát triển với các địa phương nghèo giữa các quốc gia trong APEC. Cụ thể, lựa chọn một số tỉnh, thành phố vùng sâu, vùng xa của các nước đang phát triển để kết nghĩa với các thành phố lớn, thành phố phát triển trong khu vực.

Mỗi nước có thể lựa chọn khoảng từ 5-10 địa phương. Tiêu chí chọn lựa là giữa hai địa phương kết nghĩa phải có một số thế mạnh bổ sung cho nhau và đây là tiền đề để thúc đẩy giao lưu và triển khai các dự án hợp tác cụ thể.

Chẳng hạn, thành phố Huế của Việt Nam có thể kết nghĩa với thành phố Kyoto của Nhật Bản, bởi hai địa phương đều là các cố đô giàu bản sắc văn hóa dân tộc và có thể triển khai các dự án hợp tác phát triển văn hóa, du lịch…

Còn đối với Kế hoạch phát triển và đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện nay, điểm mấu chốt trong phát triển cơ sở hạ tầng của các nước châu Á-Thái Bình Dương là nguồn vốn đầu tư, nhất là tại các quốc gia đang phát triển. Hầu hết các nước trong khu vực có nhu cầu lớn về phát triển hạ tầng, nhưng thiếu vốn đầu tư.

Do vậy, để cụ thể hóa Kế hoạch phát triển và đầu tư cơ sở hạ tầng của APEC, Bộ có thể đề xuất tổ chức diễn đàn hoặc hội nghị bàn tròn các nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng châu Á-Thái Bình Dương.

Hội nghị này có thể diễn ra trước hoặc bên lề Diễn đàn cấp cao APEC 2017. Thành phần dự hội nghị này gồm: Các định chế tài chính như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng phát triển mới; đại diện của các chính phủ và ngân hàng các nước trong khu vực, đại diện doanh nghiệp, các chuyên gia, học giả…

Nội dung hội nghị tập trung vào đánh giá nhu cầu vốn, nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; thách thức từ việc kết nối hạ tầng trong khu vực; giới thiệu cơ hội đầu tư phát triển hạ tầng và chia sẻ những bài học thành công về kết nối, phát triển hạ tầng ở các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương…/.

Xem thêm:

>>APEC 2017: Tiếp tục các cuộc họp của Nhóm công tác phát triển nguồn nhân lực

>>APEC 2017: Tiếp tục các cuộc họp của Nhóm công tác phát triển nguồn nhân lực

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục