APEC 2017: Gia nhập APEC – Bước đi chiến lược của Việt Nam

11:24' - 04/11/2017
BNEWS Cách đây 19 năm, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Ðây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Ðảng và Nhà nước.

Bình luận về vai trò của APEC đối với Việt Nam, trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp ra mắt Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói: “APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới. Đối với nước ta, APEC có tầm quan trọng chiến lược cả về chính trị và kinh tế”.

Các thảm hoa tươi được trang trí chào mừng APEC 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Bước đi chiến lược

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được thành lập ngày 6/11/1989 tại thủ đô Canberra (Australia). Đây là một trong những cơ chế hợp tác đầu tiên được hình thành tại khu vực nhằm góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết kinh tế trong cục diện quốc tế và khu vực sau Chiến tranh lạnh.

Sau gần 3 thập kỷ hình thành và phát triển, hiện nay, APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với 21 nền kinh tế thành viên; trong đó có những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Canada, APEC chiếm khoảng 39% dân số thế giới, 59% GDP và 48% thương mại toàn cầu.

Nhận thấy tầm quan trọng của APEC đối với chính sách đối ngoại cũng như sự phát triển trong tương lai của Việt Nam, ngày 15/6/1996, Việt Nam đã gửi đơn bày tỏ nguyện vọng gia nhập APEC. Tháng 11 năm đó, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác kinh tế đối ngoại giai đoạn 1996-2000; trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ "tiến hành khẩn trương, vững chắc việc đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ, gia nhập APEC và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)". Ngày 14/11/1998, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế APEC lần thứ 10 đã kết nạp Việt Nam cùng với Nga và Peru.

Nâng tầm Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2017 (APEC 2017) ngày 21/10/2017 tại Quảng Nam. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Thực tế đã chứng minh APEC là một trong số các diễn đàn đa phương đã đem lại những lợi ích thiết thực nhất cho Việt Nam. Trong cuộc phỏng vấn gần đây với phóng viên TTXVN, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, khẳng định kể từ khi Việt Nam tham gia APEC năm 1998, Diễn đàn này đã trở thành một động lực quan trọng hỗ trợ cho tiến trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đưa hội nhập kinh tế của nước ta lên tầm toàn cầu với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau này.

Trước hết, APEC là một trong những nhân tố quan trọng giúp nâng cao “thế và lực” của Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng với việc gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, tham gia sáng lập Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) năm 1996, trở thành thành viên chính thức của WTO năm 2007 và nắm giữ trọng trách Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009, việc tham gia APEC đã giúp nâng vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế lên tầm cao mới.

Bên cạnh đó, thông qua việc đóng góp và tham gia giải quyết các vấn đề chung, Việt Nam cũng tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của các thành viên APEC đối với các vấn đề mà nước ta quan tâm.

Mặt khác, tham gia APEC góp phần vào nỗ lực đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế của Việt Nam, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên APEC. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi APEC đang quy tụ nhiều đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, chiếm 75% thương mại, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 38% viện trợ phát triển chính thức (ODA) và 79% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Có tới 7 nền kinh tế thành viên APEC nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Ngoài ra, việc tham gia APEC đã tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận tốt hơn khoa học công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, tranh thủ nguồn lực và hỗ trợ APEC, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, thiết thực góp phần vào quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Việc triển khai các cam kết, đồng bộ hoá chính sách cùng các dự án hỗ trợ của APEC cũng góp phần nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, tăng cường kiến thức và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập.

Góp sức xây dựng “ngôi nhà chung”

Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã từng khẳng định sự tham gia hợp tác trong APEC của Việt Nam là “một con đường hai chiều. Bên cạnh lợi ích đạt được, chúng ta còn chủ động và tích cực gánh vác trách nhiệm của một thành viên, đóng góp vào việc giải quyết những thách thức đang đặt ra cho APEC….”.

Chỉ 8 năm sau khi gia nhập APEC, năm 2006, Việt Nam đã lần đầu tiên đảm nhận vai trò chủ nhà APEC. Với hơn 100 hoạt động mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC vào giữa tháng 11/2006, Năm APEC 2006 là một sự kiện thành công mang đậm dấu ấn Việt Nam. Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội đã thông qua ba văn kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của APEC gồm: Tuyên bố Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 14; Kế hoạch hành động Hà Nội để thực hiện Lộ trình Busan hướng tới hoàn thành các Mục tiêu Bogor; và Tuyên bố về Chương trình nghị sự phát triển Doha của WTO.

Kế hoạch hành động Hà Nội để thực hiện Lộ trình Busan do Việt Nam đề xuất là một đóng góp quan trọng, cụ thể hóa các biện pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư; phát triển bền vững; phòng chống dịch bệnh, nhất là cúm gia cầm; phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; chống tham nhũng; liên kết giữa các nền kinh tế thành viên APEC thông qua hợp tác và phát triển du lịch.

Dưới sự chủ trì của Việt Nam, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã lần đầu tiên đạt được đồng thuận, chính thức khẳng định “việc hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) là một triển vọng dài hạn”, phù hợp với xu thế liên kết sâu rộng toàn khu vực.

Năm APEC 2006 còn được ghi nhận là năm cải cách của APEC, với việc xác định những định hướng cơ bản, lâu dài, nhằm tăng cường tính năng động, hiệu quả của APEC.

Và 11 năm sau đó, năm 2017, Việt Nam đã một lần nữa được giao trọng trách chủ nhà APEC. Cùng với việc đăng cai Năm APEC 2006 và 2017, kể từ khi gia nhập APEC, Việt Nam đã tích cực đưa ra nhiều đề xuất/sáng kiến nhằm góp phần hoàn thiện “ngôi nhà chung” này, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên.

Chẳng hạn, năm 2015, Việt Nam cùng một số thành viên khác như Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản và Trung Quốc đã đề xuất sáng kiến thành lập nhóm chỉ đạo SOM để tiến hành kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện các Mục tiêu Bogor. Cũng trong năm này, Việt Nam đã đề xuất và triển khai sáng kiến tổ chức Hội nghị Bộ trưởng APEC về dịch cúm gia cầm, thông qua kế hoạch hành động APEC về phòng chống và ứng phó với dịch cúm gia cầm và các đại dịch khác.

Là một trong những nước thường xuyên bị tàn phá bởi thiên tai, Việt Nam hiểu rất rõ hậu quả mà thiên tai gây ra. Vì vậy, Việt Nam đã đưa ra nhiều đề xuất/sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác giữa các thành viên APEC trong việc đối phó với rủi ro, thiên tai. Năm 2011, Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội thảo APEC đầu tiên về ứng phó với thiên tai, lũ lụt bất thường.

Bốn năm sau đó, Việt Nam tiếp tục chủ trì Hội thảo về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nhằm triển khai khuôn khổ Sendai của Liên Hợp Quốc và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Hiện tại, ứng phó với rủi ro, thiên tai đã trở thành một trong những ưu tiên hợp tác trong APEC.

Liên quan tới vấn đề phát triển nguồn nhân lực, Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về phát triển nguồn nhân lực do Việt Nam tổ chức tại Hà Nội tháng 9/2014 đã thông qua Kế hoạch hành động APEC giai đoạn 2015–2018 nhằm đẩy mạnh hợp tác về tạo việc làm chất lượng và tăng cường kết nối con người thông qua phát triển nguồn nhân lực chất lượng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đảm nhận vai trò điều phối hợp tác, hoạt động của các nhóm công tác quan trọng, trong đó nổi bật là vai trò đồng Chủ tịch và Phó Chủ tịch của nhóm công tác y tế (2009 - 2013), nhóm công tác đối phó tình trạng khẩn cấp (2012 - 2013)…

Các bộ, ngành của Việt Nam cũng đã chủ trì và đồng chủ trì triển khai hơn 100 dự án, hoạt động trên nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy hợp tác trong những vấn đề mới, thiết thực như tự chứng nhận xuất xứ (năm 2012), an ninh vận tải hàng không (năm 2012), chia sẻ kinh nghiệm phát triển và thực hiện mô hình tăng trưởng mới (năm 2014), quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng (năm 2015), thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng cơ sở nhằm đảm bảo an ninh lương thực (năm 2016)…

Như vậy, nhìn lại toàn bộ quá trình tham gia APEC của Việt Nam, có thể thấy việc gia nhập APEC là một quyết định sáng suốt, có tầm nhìn chiến lược của Ðảng và Nhà nước. Cùng với việc gia nhập ASEAN năm 1995, tham gia sáng lập ASEM năm 1996 và khởi động đàm phán gia nhập WTO, việc gia nhập APEC đã thể hiện sinh động hình ảnh Việt Nam đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế và đóng góp vào xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục