Argentina vận hành lại nhà máy sản xuất nước nặng lớn nhất thế giới

12:01' - 16/05/2023
BNEWS Ngày 15/5, Bộ Kinh tế Argentina đã ký một thỏa thuận với Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Quốc gia (CNEA) nhằm khởi động lại Nhà máy Công nghiệp Nước nặng (PIAP).

Ngày 15/5, Bộ Kinh tế Argentina đã ký một thỏa thuận với Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Quốc gia (CNEA) nhằm khởi động lại Nhà máy Công nghiệp Nước nặng (PIAP) – dây chuyền sản xuất nước nặng được coi là lớn nhất thế giới và đã tạm ngừng hoạt động 6 năm qua.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, trong một tuyên bố, bộ trên cho biết dự án bảo tồn, bảo trì và hiện đại hóa nhà máy PIAP nằm ở phía Nam tỉnh Neuquén có tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ peso (83,3 triệu USD) và sẽ kéo dài trong 25 tháng.

Phát biểu tại lễ ký thỏa thuận, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực năng lượng Flavia Royón khẳng định PIAP là biểu tượng của Argentina trong lĩnh vực phát triển năng lượng hạt nhân vì hòa bình – một trong những chính sách ưu tiên của chính phủ nước này. Ông cũng cho biết, Chính phủ Argentina kỳ vọng PIAP không chỉ cung cấp nguyên liệu nước nặng cho các nhà máy điện hạt nhân của trong nước mà còn đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.

PIAP tạm ngừng hoạt động từ tháng 5/2017. Trước đó, nhà máy này sản xuất khoảng 485 tấn nguyên liệu nước nặng để cung cấp cho các nhà máy điện hạt nhân của Argentina.

Cho đến nay, quốc gia Nam Mỹ này sở hữu 3 nhà máy điện hạt nhân, trong đó nhà máy Atucha I, nhà máy đầu tiên tại Mỹ Latinh, có công suất 357 MW và được khánh thành năm 1974.

Nhà máy thứ hai Embalse với công suất 648 MW được đưa vào vận hành năm 1984, còn nhà máy thứ ba Atucha II được khai thác tháng 6/2014.

Năng lượng hạt nhân hiện chiếm khoảng 7,5% tổng sản lượng điện của Argentina. Nước này cũng nằm trong danh sách số ít các quốc gia trên thế giới có khả năng làm giàu uranium./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục