ASOSAI 14: Kiểm toán nhà nước và vị thế trong hội nhập

07:53' - 15/09/2018
BNEWS Sau hơn 24 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán nhà nước đã ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của mình trong nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập.

Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành hàng nghìn cuộc kiểm toán với quy mô lớn nhỏ khác nhau tại các đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.

Qua kiểm toán cho thấy việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tại các địa phương, bộ, ngành và các đơn vị đã đi vào nền nếp hơn, phù hợp với tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước, từng bước nâng cao được kỷ cương, kỷ luật tài chính và nâng cao hiệu quả trong quản lý ngân sách nhà nước.

Lãnh đạo 10 cơ quan kiểm toán ASEAN chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội các Cơ quan kiểm toán tối cao ASEAN lần thứ 4 được tổ chức tại Lào. Ảnh: Phạm Kiên – Phóng viên TTXVN tại Lào

*Những kết quả nổi bật

Ông Vũ Khánh Toàn, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước khu vực I cho biết, những năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán tại 195 lượt đơn vị đầu mối (50 lượt bộ, ngành và 145 lượt tỉnh, thành phố) và kiến nghị xử lý tài chính hơn 61,4 nghìn tỷ đồng. Kết quả kiểm toán đã giúp tăng thu và giảm chi ngân sách thông qua thực hiện các kiến nghị xử lý tài chính của ngân sách nhà nước, góp phần hoàn thành dự toán hàng năm của ngân sách nhà nước và kiểm soát bội chi ngân sách.

Thông qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp những thông tin kịp thời, có độ tin cậy và tính thuyết phục cao cho Nhà nước về thực trạng cơ chế và thể chế quản lý, giúp Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách quản lý, hệ thống định mức phân bổ ngân sách, định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu, tăng cường và minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các bộ ngành, địa phương đơn vị được kiểm toán nhằm “bịt các lỗ hổng” trong quản lý, điều hành ngân sách.

Từ kết quả đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị các các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 412 văn bản, trong đó từ những phát hiện bất cập trong đơn giá, định mức của một số dịch vụ công qua kiểm toán, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, UBND thành phố Hà Nội trong những năm qua đã rà soát, sửa đổi, bổ sung các bộ đơn giá, định mức cho các hoạt động dịch vụ công ích như trồng, chăm sóc cây xanh, duy tu đường bộ, thoát nước, thủy lợi... tiết kiệm cho ngân sách của thành phố mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng.

*Những khó khăn, thách thức

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết: Công tác quản lý, điều hành tài chính - ngân sách của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và công tác quản trị ở các đơn vị công là một trong những nội dung quan trọng, đòi hỏi phải có những thông tin tin cậy, thích hợp, kịp thời và có chất lượng.

Để đáp ứng yêu cầu này, Kiểm toán Nhà nước cần phải phân tích và dự báo kinh tế - tài chính để giúp Chính phủ có thêm thông tin trong quá trình xây dựng, quyết định chính sách, từ đó đề ra gói giải pháp kích thích kinh tế đồng bộ, toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao chất lượng kiểm tra, phân tích, đánh giá dự toán ngân sách nhà nước, giúp Quốc hội có nguồn thông tin tin cậy, độc lập, khách quan để quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương, quyết định đầu tư dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Vì vậy, ngân sách nhà nước cần phải nhạy bén với những thay đổi, biến động và xu hướng của nền kinh tế để có thông tin kịp thời giúp Chính phủ và các nhà quản trị những thông tin hữu ích.

Điều này đòi hỏi đội ngũ kiểm toán viên phải có những kiến thức sâu rộng trên các lĩnh vực, đặc biệt là khả năng phân tích, tổng hợp và đánh giá chính sách kinh tế vĩ mô.

Đây chính là những thách thức lớn trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của Kiểm toán Nhà nước.

Theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, kết quả kiểm toán được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ có tác dụng tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm quản lý; cung cấp các thông tin tác động đến xã hội, đến các doanh nghiệp để các đơn vị nhận thức và quan tâm hơn đến việc đề phòng, ngăn ngừa, hạn chế những thiệt hại do lãng phí nguồn lực gây nên; có những tác động mạnh mẽ mang tính hiệu ứng, tạo nên dư luận xã hội rộng rãi đến đông đảo công chúng, động viên được quần chúng nhân dân tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh tế, tài chính góp phần đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tuy nhiên khi kết quả kiểm toán được công khai đã gây sức ép rất lớn cho Kiểm toán Nhà nước, đòi hỏi kết quả kiểm toán phải phản ánh chính xác, trung thực và khách quan; kết luận, kiến nghị kiểm toán phải có luận cứ rõ ràng, cụ thể và khả thi do đó nâng cao chất lượng kiểm toán là vấn đề cốt lõi trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn hiện nay của Kiểm toán Nhà nước trong thời đại công nghệ 4.0 là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính ngân sách và các hoạt động quản lý khác của các đơn vị, các địa phương là phổ biến và mạnh mẽ, tuy nhiên việc Kiểm toán viên trực tiếp được khai thác phần mềm quản lý của đơn vị được kiểm toán còn có nhiều hạn chế xuất phát từ việc bảo mật thông tin của đơn vị.

*Một số giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán ngân sách

Tổng kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc phát biểu tại Đại hội các Cơ quan kiểm toán tối cao ASEAN (ASEANSAI) lần thứ 4. Ảnh: Phạm Kiên – Phóng viên TTXVN tại Lào

Để nâng cao chất lượng kết quả kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành ngân sách nhà nước, theo ông Đoàn Xuân Tiên, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước, nhất là đổi mới căn bản quy trình lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán ngân sách theo hướng hiện đại, dựa vào kết quả đầu ra, thực hiện các mục tiêu chiến lược ưu tiên của quốc gia.

Một giải pháp quan trọng trong hoạt động kiểm toán là tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về ngân sách nhà nước; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các định mức, tiêu chuẩn cho phù hợp với thực tế và bao quát hết các nội dung chi; hoàn thiện các quy định về quản lý nợ công theo hướng quản lý thống nhất, bổ sung các tiêu chí đánh giá phù hợp với thông lệ quốc tế...

Theo lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, việc đổi mới phương pháp kiểm toán, tăng cường kiểm toán tổng hợp để đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hiệu lực của các chính sách, chế độ của nhà nước là nhiệm vụ rất quan trọng; đồng thời tăng cường kiến nghị tư vấn trong công tác quản trị và điều hành ngân sách nhà nước đảm bảo minh bạch, hiệu quả; đẩy mạnh việc kiểm toán các chuyên đề chuyên sâu, đặc biệt là các chuyên đề mang tính dài hạn, các chương trình mục tiêu và các lĩnh vực được quốc hội, công chúng quan tâm.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; áp dụng những phương pháp kiểm toán mới, tham gia những cuộc kiểm toán liên quốc gia; xử lý nghiêm khắc các trường hợp kiểm toán viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp; hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy của Kiểm toán Nhà nước theo mô hình quản lý tập trung thống nhất, đảm bảo đồng bộ, có đủ cơ cấu và lực lượng thực hiện nhiệm vụ...

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước cần chủ động phối hợp và cung cấp kịp thời các số liệu, thông tin cần thiết, các phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ các phiên họp của Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; đồng thời đề cao vai trò kiểm toán trong công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chủ động và kịp thời cung cấp hồ sơ có dấu hiệu vi phạm sang cho các cơ quan điều tra; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong hoạt động kiểm toán, nhất là trong công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục